Chứng khoán hấp dẫn nhà đầu tư ngoại
Tính đến đầu tháng 4.2017, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã lập đỉnh 9 năm với lượng mua mạnh của khối ngoại. Tính chung trong quý 1-2017, khối ngoại đã mua ròng trở lại 3.478 tỷ đồng trên cả 2 sàn.
Cổ phiếu VNM khối ngoại mua ròng nhiều nhất hiện nay.
Khối ngoại mua ròng kỷ lục
TTCK Việt Nam từ đầu năm đến nay giao dịch khá tích cực. Tính đến ngày 5.4, VN-Index đã đạt 724,14 điểm, tăng 8,64% so với thời điểm cuối năm 2016. Theo thống kê của các công ty chứng khoán, tính riêng tháng 3-2017, khối ngoại đã mua ròng 106 triệu USD (tương đương 2.438 tỷ đồng) giá trị cổ phiếu trên thị trường, mức cao nhất kể từ tháng 5-2014 đến nay.
Tính đến thời điểm hiện tại, mức vốn hóa trên TTCK Việt Nam đạt hơn 2.260.000 tỷ đồng, tương đương 50,3% GDP, tăng 16% so với cuối năm 2016 và là mức cao nhất kể từ khi thành lập TTCK. Thông tin từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cũng cho thấy, chỉ trong 2 tháng đầu năm 2017, huy động vốn trên TTCK đạt 40.700 tỷ đồng. Trong đó, giá trị huy động vốn tháng 2 tăng 79% so với tháng 1-2017. Một trong những lý do vốn hóa tăng là dòng vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài tăng. Tại cuộc họp báo tổ chức vào đầu tháng 3, ông Vũ Bằng, Chủ tịch UBCKNN, cho biết các nhà đầu tư nước ngoài đã liên tục mua ròng trên cả thị trường cổ phiếu. Riêng tháng đầu năm 2017 đã mua ròng với giá trị danh mục đạt trên 18,4 tỷ USD - mức cao nhất từ trước đến nay.
Điểm qua các mã cổ phiếu trên thị trường mà khối ngoại mua ròng nhiều nhất trên sàn HOSE, ngoài cổ phiếu VNM (Công ty CP Sữa Việt Nam) vẫn là tâm điểm hút dòng tiền ngoại khi được mua ròng tổng cộng 2.654 tỷ đồng trong quý 1-2017, thì những mã cổ phiếu có vốn hóa lớn, vừa lên sàn vài tháng cũng hút được nhiều vốn ngoại.
Cụ thể, 3 cổ phiếu được khối ngoại mua nhiều nhất lần lượt là NVL (Công ty Địa ốc Novaland), SAB (Công ty CP Bia rượu nước giải khát Sài Gòn) và VJC (Công ty Hàng không Vietjet) được mua ròng lần lượt 353,6 tỷ đồng, 340,9 tỷ đồng và 205 tỷ đồng. Trong đó, NVL và SAB mới chính thức giao dịch trên sàn HOSE từ tháng 12-2016 và VJC niêm yết khoảng hơn 1 tháng nay.
Ông Wiston Lu, Giám đốc Khối phân tích và tự doanh Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng, cho rằng TTCK hiện mở ra nhiều cơ hội thu hút nhà đầu tư như làn sóng thoái vốn và niêm yết của các doanh nghiệp lớn. Ngoài ra, việc dỡ bỏ giới hạn sở hữu nước ngoài (nới room) cũng được kỳ vọng mang đến cơ hội xem xét nâng hạng thị trường từ cận biên sang mới nổi, thu hút thêm dòng vốn của các nhà đầu tư nước ngoài.
“Với những lợi thế này, kênh chứng khoán sẽ là một trong những lĩnh vực có lợi thế thu hút dòng vốn mới. Đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước có thương hiệu và quy mô vốn lớn sẽ lên sàn trong năm 2017”, ông Wiston Lu nhận định.
Kỳ vọng “hàng” chất lượng
TTCK Việt Nam trong năm 2016 đã chính thức có sự góp mặt của các tổng công ty thuộc sở hữu nhà nước lớn như Sabeco, Habeco, ACV, Seaprodex, Vinatex… Thị trường kỳ vọng làn sóng cổ phiếu lớn lên sàn sẽ tiếp tục tiếp diễn với quy mô lớn hơn trong năm 2017 qua sự góp mặt của nhiều doanh nghiệp nhà nước khác dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ.
Ông Don Lam, Tổng Giám đốc Tập đoàn VinaCapital, nhận định: “Việc cổ phần hóa và lên sàn của các doanh nghiệp nhà nước sẽ tiếp tục có lợi cho thị trường chứng khoán lẫn giá trị tài sản của Nhà nước. Những bước đi quan trọng này sẽ tạo niềm tin cho nhà đầu tư và gia tăng thanh khoản của thị trường”.
Nhận định TTCK trong thời gian tới, ông Barry Weisblatt, Giám đốc Phòng Nghiên cứu và phân tích Công ty Chứng khoán Bản Việt, cũng cho rằng xu hướng khả quan sẽ duy trì trên nền tảng cơ bản vững chắc.
Theo ông Barry Weisblatt, sắp tới, TTCK Việt Nam sẽ tiếp tục chào đón những doanh nghiệp lớn lên sàn như Mobifone, Petrolimex… Ngoài ra, với quy định các công ty đại chúng phải niêm yết trên sàn UPCoM, thị trường này sẽ mang lại vài cổ phiếu hấp dẫn nhà đầu tư trong năm 2017 từ những doanh nghiệp có tên tuổi như: PV Power, Techcombank, VPBank, Vietnam Airlines (HVN - đã lên sàn upcom vào đầu tháng 1-2017), Masan Consumer, FPT Telecom… Đây sẽ là động lực lớn cho thị trường tăng điểm.
''Các cổ phiếu mới chào sàn có chất lượng sẽ làm tăng sự sôi động cho thị trường. Bởi lẽ, mức tăng 15,7% của chỉ số VN-Index trong năm 2016, một phần nào đó đã bị tác động bởi sự biến động mạnh mẽ của các mã vốn hóa lớn như ROS và SAB, được niêm yết vào cuối năm 2016. Nếu không có 2 cổ phiếu này, VN-Index chỉ tăng 8,5%”, ông Barry Weisblatt cho hay.
Mặc dù vậy, không ít ý kiến cho rằng, TTCK Việt Nam đang có sức hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài nhưng thực tế dòng vốn ngoại hiện vẫn chỉ tập trung vào một số rất ít mã cổ phiếu lớn như VNM, SAB, VJC… Để thu hút vốn ngoại, bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa gắn với niêm yết để tăng quy mô thị trường, Nhà nước cần đẩy mạnh thoái vốn để giảm sở hữu tại các doanh nghiệp. Cùng với quá trình đưa cổ phiếu lên sàn, Nhà nước cần khẩn trương thoái vốn với tỷ lệ lớn, thậm chí thoái 100% tại các doanh nghiệp không thuộc danh mục Nhà nước cần nắm giữ cổ phần. Bởi lẽ, sẽ rất khó hấp dẫn nhà đầu tư ngoại, nếu các doanh nghiệp tốt mà Nhà nước chỉ bán ra thị trường 5%-10% cổ phiếu thì họ sẽ không bỏ số tiền lớn để mua khi không thể tham gia điều hành nhằm thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp.
Theo Nhung Nguyễn (SGGP)