Tái cơ cấu ngành nông nghiệp Hoài Ân: Tập trung vào các lĩnh vực có lợi thế
Cuối năm 2016, UBND huyện Hoài Ân đã xây dựng Ðề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2016 - 2020, nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, ứng dụng nhanh các tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, sản xuất gắn với tiêu thụ.
Kiểm tra xuống giống cây bơ sáp tại xã Ân Tường Tây. Ảnh: V.HÙNG
Hoài Ân có trên 61.278 ha đất lâm nghiệp, gần 9.800 ha đất nông nghiệp, với đặc thù địa hình phức tạp, đồi núi xen kẽ với đồng bằng, sản xuất nông nghiệp vẫn còn manh mún, hiệu quả chưa cao. Do đó, mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển nông nghiệp bền vững dựa trên đổi mới hình thức tổ chức sản xuất; đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm gắn với ứng dụng khoa học công nghệ; tạo việc làm ổn định, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống của dân cư ở nông thôn; bảo vệ môi trường sinh thái và xây dựng nông thôn mới.
Đối với chăn nuôi, điều chỉnh vật nuôi theo lợi thế từng vùng, từng địa phương, ưu tiên phát triển chăn nuôi trang trại, gia trại gắn với đảm bảo vệ sinh môi trường. Hiện nay, huyện có 2 khu chăn nuôi heo công nghệ cao và đang tiếp tục quy hoạch phát triển chăn nuôi chuyển dần từ chăn nuôi gia trại sang trang trại; tổ chức lại ngành chăn nuôi theo hướng chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; tăng cường công tác đảm bảo môi trường với giám sát dịch bệnh, ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi để nâng cao năng suất và chất lượng thịt; phấn đấu đến năm 2020 đàn heo đạt 330 ngàn con, trong đó heo sinh sản 45.000 con.
Để đến năm 2020, đàn trâu bò đạt trên 20.850 con, tỉ lệ bò lai đạt 70%, huyện đã đề ra mục tiêu chuyển 500 ha ruộng đất sản xuất cây lương thực không hiệu quả sang trồng cỏ nuôi bò. Phấn đấu đến năm 2020 đàn gia cầm trên 1,1 triệu con, huyện vận động nông dân phát triển nuôi gà thả vườn an toàn sinh học; phát triển nuôi thủy cầm, chủ yếu là vịt theo hướng trứng và thịt theo phương thức thâm canh nhốt tại chuồng, hạn chế chạy đồng.
Đối với lâm nghiệp, ưu tiên phát triển rừng trồng gỗ lớn và các dịch vụ lâm nghiệp, môi trường rừng, phấn đấu hàng năm khai thác và trồng lại rừng khoảng 1.900 ha, nâng độ che phủ của rừng lên 65%. Đối với trồng trọt, tập trung nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành, điều chỉnh cơ cấu cây trồng theo lợi thế của huyện. Với cây lúa giảm dần ổn định 8.000 ha, năng suất đạt 70 tạ/ha. Huyện sẽ mở rộng cánh đồng mẫu lớn lên 2.000 ha và tiến tới xây dựng cánh đồng lớn. Bên cạnh các cây trồng truyền thống, đầu tư mở rộng diện tích cây hồ tiêu khoảng 500 ha và cây chè 100 ha vào năm 2020. Phấn đấu đến năm 2020 đạt 2.300 ha cây ăn trái.
Riêng trong năm 2016, huyện phân bổ trên 227 triệu đồng để hỗ trợ nhân dân trồng 15 ha cây ăn trái. Trong đó có 8 ha cây bơ sáp với 5 hộ tham gia; 7 ha cây bưởi da xanh với 10 hộ tham gia. Diện tích các mô hình từ 0,5 đến 3 ha, là đất ven sông, dốc và gò đồi. Năm 2017, tiếp tục thực hiện 25 ha, trong đó, 15 ha cây bưởi da xanh, 10 ha bơ sáp.
Ông Nguyễn Hữu Khúc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Hoài Ân, cho biết: Mô hình cây ăn quả là một trong những mô hình điểm trong việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện; qua đó đánh giá, rút kinh nghiệm để triển khai thực hiện các mô hình tiếp theo. Vì vậy, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng NN&PTNT phối hợp với các địa phương và đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các hộ dân chăm sóc cây trồng theo quy trình; xây dựng kế hoạch hỗ trợ hệ thống nước tưới, phân bón theo quy định. Đồng thời, khảo sát, quy hoạch, tham mưu UBND huyện tiếp tục hỗ trợ nhân dân phát triển các mô hình, đảm bảo hiệu quả.
VĂN HÙNG