Từ chuyện “giải cứu’”nông sản ế!
Gần đây, trước tình trạng các loại nông sản như chuối, dưa hấu rớt giá một cách thê thảm, nhiều cuộc “giải cứu” được một số doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện với mục đích giúp đỡ nông dân trồng chuối, trồng dưa. Mặc dù đã có chương trình vận động, kêu gọi mọi người cùng tham gia hỗ trợ tiêu thụ nông sản ế cho nông dân, nhiều cuộc “giải cứu” đã diễn ra với quy mô khác nhau nhưng kết quả mang lại không mấy khả quan.
Lâu nay nền nông nghiệp của Việt Nam sản xuất không theo nhu cầu thị trường, nông dân thấy sản phẩm nào có giá cao là đổ xô vào nuôi, trồng mà ít quan tâm đến nhu cầu thị trường ra sao, làm ra sẽ bán cho ai và bán đi đâu. Đa số nông dân ở nước ta nhiễm thói quen làm theo lối “ăn xổi”, dẫn đến chuyện “được mùa mất giá”, sản phẩm ứ đọng không tiêu thụ được liên tục diễn ra hết năm này đến năm khác, hết cây con này đến cây con khác. Kết cục là người nông dân luôn là những kẻ thua thiệt, trắng tay sau bao tháng ngày vất vả với ruộng vườn.
Vì vậy, câu chuyện “giải cứu” nông sản ế không phải là câu chuyện giúp người nông dân bán hành, bán dưa, bán chuối, bán ớt… một cách cấp thời, tùy hứng như cách mà chúng ta đang làm. Cần phải thấy rằng tiêu thụ nông sản không chỉ là chuyện của người nông dân, của từng doanh nghiệp hay một ngành hàng đơn lẻ mà câu chuyện của một nền kinh tế. Vì vậy, vấn đề đặt ra là phải có một hệ thống giải pháp mang tính tổng thể, từ việc thay đổi quy trình sản xuất nông nghiệp, từ khâu dự báo thị trường, từ quy hoạch đến sản xuất… Đó mới là những giải pháp mang tính căn cơ để hạn chế tình trạng dư thừa nông sản một cách vô tội vạ, nằm ngoài tầm kiểm soát như lâu nay. Thực tế cho thấy, nếu không có giải pháp tổ chức sản xuất nông nghiệp mới, không giải quyết được bài toán sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tùy tiện… thì khó có thể tổ chức tiêu thụ sản phẩm một cách ổn định, bền vững.
Mặc dù có nhiều thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên cho đến nay, 90% nông sản của Việt Nam vẫn xuất khẩu dưới dạng thô, chủ yếu theo đường tiểu ngạch nên giá trị thấp, thị trường tiêu thụ rất bấp bênh. Mới đây, kênh VTV1 của Đài truyền hình quốc gia có đưa tin về việc các sản phẩm trái cây nhiệt đới như dưa hấu, xoài, chuối… của nước ta chủ yếu xuất khẩu qua nước láng giềng Trung Quốc qua đường tiểu ngạch và chỉ bán ở các chợ với giá rẻ, còn xoài, dưa hấu, chuối bán với giá cao hơn nhiều ở các siêu thị lại là hàng của Thái Lan, Philippines. Theo Cục Sở hữu trí tuệ, hiện có đến hơn 80% lượng nông sản của nước ta chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác, đặc biệt nhiều sản phẩm phải bán ra thị trường thế giới thông qua các thương hiệu nước ngoài.
Do vậy, việc xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản là một trong những giải pháp phát triển bền vững mà ngành nông nghiệp phải hướng đến. Bên cạnh đó, để chủ động trong tiêu thụ nông sản cần đầu tư phát triển ngành chế biến tương ứng với sản xuất, nhất công nghệ bảo quản sau thu hoạch và chế biến nông sản. Đây là một trong những giải pháp chính để hỗ trợ tiêu thụ và giúp sản xuất nông nghiệp mang tính bền vững hơn. Việc cần phải làm ngay là đầu tư xây dựng hệ thống các kho mát, trữ đông ngay tại vùng nguyên liệu để không còn tình trạng sản phẩm thu hoạch không tiêu thụ kịp phải đổ bỏ hoặc để vung vãi ngoài đồng ruộng như ở Quảng Ngãi trong mùa dưa hấu này.
H.Ð