Xây dựng cánh đồng lớn: Hướng phát triển sản xuất bền vững
Năm 2017, Tổng công ty cổ phần Giống cây trồng (TCTCP GCT) Thái Bình phối hợp với HTXNN Phước Hưng (xã Phước Hưng - Tuy Phước) thực hiện Dự án cánh đồng lớn (DA CÐL) liên kết sản xuất lúa giống, nhằm tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tăng giá trị sản xuất theo hướng bền vững. Ðây là DA CÐL sản xuất lúa giống đầu tiên được thực hiện tại tỉnh ta.
DN “hợp tác” làm ăn lâu dài với nông dân
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Tố Trân, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh (Sở NN&PTNT), CĐL có sự khác biệt so với cánh đồng mẫu lớn (CĐML) và cánh đồng tiên tiến. Về quy mô, ngoại trừ các huyện An Lão, Vân Canh, Vĩnh Thạnh, diện tích CĐL sản xuất lúa giống tại các huyện, thị xã còn lại ít nhất là 30 ha/CĐL; lúa thương phẩm 50 ha… Để thực hiện CĐL, DN phải xây dựng DA được UBND tỉnh phê duyệt, trong đó phải hợp đồng với tổ chức đại diện của nông dân là HTX sản xuất, tiêu thụ sản phẩm ít nhất từ 5 năm trở lên, đảm bảo liên kết chuỗi bền vững.
Tham quan cánh đồng lớn sản xuất lúa tại xã Phước Hưng (Tuy Phước).
Trên đây là sự khác biệt lớn nhất giữa CĐL và CĐML, cũng là “thử thách” mà các DN chưa hoặc không muốn thực hiện. Hầu hết DN đều không muốn ký hợp đồng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dài hạn với nông dân, bởi điều kiện thời tiết, khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp, sẽ ảnh hưởng đến chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Hơn nữa, diện tích đất sản xuất tại các địa phương manh mún, số nông hộ tham gia CĐL quá nhiều, nên khó vận động và thống nhất triển khai DA. DN còn lo ngại giá cả đầu ra sản phẩm trên thị trường biến động, sẽ tác động xấu đến hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD). Do vậy, các DN chỉ muốn tham gia thực hiện CĐML và ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các HTX từng vụ, chứ không muốn thực hiện liên kết chuỗi lâu dài.
Ông Triệu Tấn Phú, Giám đốc chi nhánh TCTCP GCT Thái Bình - Công ty Giống cây trồng miền Trung-Tây Nguyên, cho biết: Qua nhiều năm “hợp tác” với HTXNN Phước Hưng và nông dân địa phương thực hiện CĐML, chúng tôi thấy diện tích sản xuất tập trung ở Phước Hưng rất lớn; việc tổ chức điều hành sản xuất của HTX và trình độ sản xuất cũng như việc thực hiện các cam kết của nông dân khá tốt. Hơn nữa, chính quyền các cấp đặc biệt quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi cho DN hoạt động SXKD. Do vậy, Công ty quyết định hợp tác và đầu tư lâu dài tại Phước Hưng thông qua DA CĐL liên kết sản xuất lúa giống.
Ông Trần Tăng Long, Giám đốc HTXNN Phước Hưng, cho biết: DA được triển khai từ vụ Đông Xuân 2016-2017 đến năm 2021 với 450 nông hộ ở các thôn Tân Hội và Lương Lộc tham gia, sử dụng 100 ha đất sản xuất lúa giống BC15, TBR225 để cung cấp cho DN. HTX tiến hành ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho thành viên tham gia DA và hỗ trợ vật tư đầu vào không thu lãi. Thực hiện DA, HTX có điều kiện nâng cao trình độ tổ chức sản xuất; hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung có quy mô lớn, nâng cao giá trị sản xuất. HTX thu được tiền dịch vụ thông qua việc chỉ đạo thu mua sản phẩm; chủ động kinh phí thực hiện các hoạt động sản xuất của địa phương và cải thiện đời sống cán bộ quản lý và người lao động của HTX. Thành viên HTX tham gia DA không phải lo ngại về đầu ra sản phẩm, thu nhập cao hơn so với sản xuất lúa thịt. Đời sống sản xuất của các thành viên HTX được nâng cao, việc thu các khoản đóng góp của thành viên cũng dễ dàng hơn.
Hỗ trợ thực hiện liên kết
Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Xây dựng CĐL có sự tham gia của 4 nhà (Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và nhà DN), nhằm tạo vùng sản xuất sản phẩm hàng hóa tập trung, tăng giá trị sản xuất theo hướng bền vững là một trong những giải pháp quan trọng nhằm tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Thực hiện DA CĐL sẽ giúp gia tăng tính cộng đồng, khắc phục hạn chế chênh lệch giữa các hộ nông dân về đầu tư, áp dụng các biện pháp kỹ thuật, tạo nên sự đồng đều trên toàn bộ cánh đồng về năng suất, chất lượng sản phẩm; thúc đẩy phát triển HTX kiểu mới.
Phương thức sản xuất CĐL với sự liên kết chặt chẽ, minh bạch và hài hòa lợi ích giữa nông dân, HTX và DN là tiền đề để thực hiện mục tiêu: Hạ thấp giá thành sản xuất, cải thiện năng suất, chất lượng, tăng lợi nhuận. Đặc biệt, sự minh bạch và hài hòa lợi ích giữa DN, HTX và nông dân sẽ hạn chế những rủi ro như sản lượng lúa dư thừa, hạn chế tình trạng phá vỡ hợp đồng sản xuất, tiêu thụ nông sản... Do vậy, tỉnh ta khuyến khích và tạo điều thuận lợi để DN, HTX và nông dân cùng thực hiện liên kết chuỗi.
Theo Quyết định số 20/2015/QĐ-UBND quy định mức hỗ trợ khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng CĐL trên địa bàn tỉnh, DN tham gia CĐL được Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí thực hiện quy hoạch, cải tạo đồng ruộng, hoàn thiện hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng, hệ thống điện phục vụ sản xuất nông nghiệp trong DA CĐL; được hỗ trợ kinh phí tổ chức đào tạo và hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân.
Tổ chức đại diện của nông dân được hỗ trợ một phần chi phí thuốc bảo vệ thực vật và công lao động, thuê máy để thực hiện dịch vụ chung cho các thành viên; hỗ trợ 50% chi phí tập huấn một lần cho cán bộ HTX, Liên hiệp HTX về quản lý, hợp đồng kinh tế, kỹ thuật sản xuất. Nông dân tham gia CĐL được hỗ trợ một lần chi phí mua giống cây trồng có phẩm cấp chất lượng từ giống xác nhận trở lên để gieo trồng vụ đầu tiên trong DA CĐL. Ngoài ra, nông dân còn được hỗ trợ 100% chi phí lưu kho tại DN trong trường hợp Chính phủ thực hiện chủ trương tạm trữ nông sản, thời hạn hỗ trợ tối đa là 3 tháng...
PHẠM TIẾN SỸ