Gìn giữ âm nhạc truyền thống đồng bào dân tộc thiểu số miền núi: Lộ rõ những khoảng trống
Ưu tiên của Ngày hội Văn hóa - Thể thao (VH-TT) các dân tộc thiểu số miền núi tỉnh Bình Ðịnh lần thứ XIV - 2017 là yếu tố “mới” - Tiết mục mới, nội dung mới, hình thức thể hiện mới... Hầu hết các yêu cầu này đều được các đoàn dự hội đáp ứng khá tốt. Nhưng cái mới cần nhất là “nhân tố mới” lại rất ít, đặc biệt là ở mảng âm nhạc.
Dù có nhiều nỗ lực luyện tập, các nghệ nhân đánh trống Ktoang ở huyện Vân Canh hiện nay vẫn khó lấp đầy “khoảng trống” nghệ nhân Nguyễn Thị Ngọc Hương để lại. Ảnh Hoài Thu
Được tổ chức định kỳ hai năm một lần, Ngày hội VH-TT các dân tộc thiểu số miền núi tỉnh ta được kỳ vọng là cơ hội để tôn vinh và khơi dậy mạch nguồn văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số. Nhưng điều đáng lo là số nghệ nhân am hiểu các loại hình nghệ thuật truyền thống ngày càng thưa vắng dần. Trong khi đó những người trẻ tuổi, kế tục lại rất ít ỏi. Khả năng việc tiếp nối bảo tồn bị gián cách ở một số lĩnh vực đã lộ rõ, ngay cả ở lĩnh vực vốn dồi dào như âm nhạc.
Vắng dần những người “biết hát”
Trong nội dung thi nghệ thuật truyền thống tại Ngày hội, điều đáng lo là số lượng các nghệ nhân tham gia biểu diễn dân ca ở các địa phương đã thưa vắng hơn so với các Ngày hội lần trước. Đã không còn thấy các tiết mục hát ru, hát đối đáp… của đồng bào dân tộc thiểu số miền núi. Trong khi đây là nội dung thể hiện được bản sắc âm nhạc dân gian của đồng bào.
Tìm hiểu từ một số đoàn tham gia, tôi được biết, nguyên nhân là những người am hiểu các thể loại này đã mất đi nhiều, số còn lại rất ít và đã tuổi cao sức yếu, không còn đủ minh mẫn để biểu diễn.
Nghệ nhân Đinh Bok Nghiết biểu diễn đàn Khơ nhí tại Ngày hội VH-TT các dân tộc thiểu số miền núi tỉnh lần thứ XIV - 2017.
Theo Nghệ nhân ưu tú Yang Danh, hình thức trình diễn Hơ mon là kiểu vừa hát ngâm, kể lại, vừa diễn tả điệu bộ thể hiện từng tính cách nhân vật trong sử thi... chủ yếu được gìn giữ bằng cách truyền miệng mang tính “cha truyền con nối”, “cầm tay chỉ việc” ở các làng Bana. Đây là loại hình di sản văn hóa phi vật thể độc đáo cần được quan tâm bảo tồn. Tuy nhiên, ngay cả đối với huyện Vĩnh Thạnh - nơi hiện còn khá nhiều nghệ nhân am hiểu văn hóa truyền thống, vẫn không kiếm ra được người biết trình diễn Hơ mon hay, gần với nguyên bản để tham gia chương trình nghệ thuật truyền thống trong Ngày hội năm nay.
Ông Đinh Y Oai, Giám đốc Trung tâm VH-TT-TT huyện Vĩnh Thạnh cho biết: “Hơ mon đã và đang mất dần ở các làng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa huyện Vĩnh Thạnh. Hiện chỉ còn nghệ nhân Bok Đoan rất am hiểu Hơ mon, nắm bắt chặt chẽ, chi tiết các cốt truyện như cha ông truyền lại, nhưng nay già yếu không còn tham gia Ngày hội nữa. Chúng tôi không tìm được nghệ nhân nào hát hay như ông...”.
Lộ rõ những khoảng trống
Tham gia những Ngày hội lần trước, huyện Phù Cát chỉ có lực lượng từ hai làng đồng bào dân tộc Bana, nhưng chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống vẫn gây được ấn tượng nhờ tài năng biểu diễn nhiều loại nhạc cụ truyền thống của nghệ nhân Phan Chí Thành (làng Trà Hương, xã Cát Lâm). Trong đó, có loại nhạc cụ độc đáo làm từ khúc cây có tên là “cổ vũ” chỉ còn mình ông biết chế tác và biểu diễn.
“ Hơ mon đã và đang mất dần ở các làng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa huyện Vĩnh Thạnh ”
Ông ĐINH Y OAI - Giám đốc Trung tâm VH-TT-TT huyện Vĩnh Thạnh
Nghệ nhân Phan Chí Thành (năm nay 90 tuổi) đã được phong tặng Nghệ nhân dân gian (năm 2014), rồi Nghệ nhân ưu tú (2015). Ngày hội năm nay, do tuổi cao, sức yếu nghệ nhân Phan Chí Thành đành vắng mặt. Sự vắng mặt của ông khiến chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống của đoàn Phù Cát thiếu hẳn sức lôi cuốn. Dù rất cố gắng nhưng các nghệ nhân thế vai ông vẫn chưa đủ sức lôi cuốn khán giả.
Ở những Ngày hội trước, trong chương trình biểu diễn nghệ thuật của đồng bào Chăm Hroi huyện Vân Canh, tiết mục đánh trống Ktoang của nghệ nhân Nguyễn Thị Ngọc Hương luôn tạo sự hào hứng cho người xem bởi kỹ thuật của người biểu diễn. Năm 2015 và năm nay, tại Ngày hội lần này, vì một số lý do, nghệ nhân Ngọc Hương (52 tuổi) đều không tham gia. Thế vào đó là các nghệ nhân khác trẻ hơn. Nhưng qua những gì đã thể hiện điều mà công chúng hâm mộ trống Ktoang lờ mờ nhận ra rằng, có vẻ như những người này không được tiếp nhận, thiếu sự truyền dạy từ những bậc thầy như bà Hương. Khoảng trống mà nghệ nhân Ngọc Hương để lại... đến Ngày hội này đã lộ rõ ra!
Trường hợp như trống Ktoang của Vân Canh thật đáng buồn. Nhưng điểm an ủi là dẫu sao vẫn còn người trình diễn, và họ còn tương đối trẻ. Điều đáng lo hơn là nhiều loại nhạc cụ đang dần vắng hẳn người trình diễn. Đơn cử như trường hợp cây đàn Khơ nhí.
Cũng như mấy lần gần đây, Ngày hội năm nay chỉ có mỗi một mình nghệ nhân Đinh Bok Nghiết (60 tuổi, ở xã Đắk Mang, huyện Hoài Ân) biểu diễn đàn Khơ nhí. “Mê mẩn và học đàn Khơ nhí từ một nghệ nhân người Bana ở huyện Vĩnh Thạnh cách đây hơn 40 năm. Sau này có tìm lớp trẻ truyền dạy để mong tiếp nối nhưng chúng không kiên trì luyện tập được bởi cái bụng không nặng lòng với âm thanh núi rừng...”, nghệ nhân Đinh Bok Nghiết buồn bã tâm sự.
***
Theo một số công trình sưu tầm, nghiên cứu về văn hóa truyền thống đồng bào dân tộc thiểu số miền núi trên địa bàn tỉnh của các hội viên Chi hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tại Bình Định, nhạc cụ thuộc các bộ hơi, bộ kéo dây, bộ gảy, bộ gõ của đồng bào Bana, Chăm Hroi, Hre rất đa dạng, độc đáo. Tuy nhiên, do người biểu diễn ngày càng hiếm dần, nhiều loại nhạc cụ được giới thiệu trong các công trình nghiên cứu đã ít xuất hiện, hoặc chưa từng có mặt tại các Ngày hội VH-TT các dân tộc thiểu số miền núi tỉnh trong nhiều năm qua.
Năm nay đã vắng Nghệ nhân ưu tú Phan Chí Thành, nghệ nhân Nguyễn Thị Ngọc Hương. Bởi thế, Ngày hội cũng vắng luôn âm thanh trầm vọng, đầy chất núi rừng của nhạc cụ cổ vũ; tiếng trống Kơ toang cũng kém đi mấy phần rộn rã. Nếu không sớm tăng cường đầu tư bảo tồn và phát huy, sẽ đến lúc vắng tiếp tiếng đàn Khơ nhí. Rồi cũng không biết những nhạc cụ truyền thống, những làn điệu nào sẽ chung số phận.
HOÀI THU