Vĩnh Thạnh: Đưa “cái lý” đến đồng bào dân tộc thiểu số
Thời gian qua, huyện Vĩnh Thạnh chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) đến người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Hình thức tuyên truyền được đổi mới nên đồng bào dễ tiếp thu, dần nâng cao ý thức chấp hành chính sách, pháp luật của Ðảng và Nhà nước, tập trung phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Giải đáp nhiều thắc mắc cho đồng bào
Có dịp tham gia buổi tuyên truyền pháp luật lưu động cho đồng bào DTTS do Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh phối hợp với Hội Luật gia huyện Vĩnh Thạnh vừa tổ chức tại làng K2, xã Vĩnh Sơn, chúng tôi mới thấy đồng bào cần “cái lý” như thế nào.
Tuyên truyền pháp luật tại làng K2, Vĩnh Sơn.
Ngay từ sáng sớm, hơn 120 người dân các làng trong xã đã sắp xếp công việc, tề tựu tại nhà rông làng K2 để nghe nói chuyện về pháp luật. Được các cán bộ phát các tờ gấp tuyên truyền về pháp luật, ai nấy trầm trồ khen đẹp rồi chăm chú đọc. Già Đinh Chương, ở làng Kon Blo, xã Vĩnh Sơn, cho biết: “Đọc xong các tờ giấy này mình ngẫm ra được nhiều điều. Có nhiều việc tưởng chừng không có gì nhưng thực ra là sai nếu chiếu theo quy định của pháp luật. Ví dụ như chồng mắng chửi vợ con, trước đây tưởng là bình thường nhưng là vi phạm Luật Phòng chống bạo lực gia đình... Giờ mình đã biết cái gì sai, cái gì đúng rồi, sau này tuyên truyền cho người làng làm theo”.
Ngoài phát tờ gấp, các báo cáo viên đã tuyên truyền về Luật Hôn nhân và gia đình; Luật Giao thông đường bộ; giải đáp thắc mắc pháp luật cho bà con về các lĩnh vực đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình. Bok Chung, 80 tuổi, xung phong hỏi trước: “Tôi có một số đất nương rẫy, giờ già rồi, muốn để lại cho các con. Vậy tôi phải làm thế nào để chia đất cho các con theo đúng quy định của pháp luật?”. Còn bá Phia thì rụt rè nêu ý kiến: “Tôi nghe nói Luật Hôn nhân và gia đình có nói quyền được mang thai hộ, vậy mang thai hộ là thế nào, ví dụ như tôi muốn nhờ ai đó mang thai hộ thì phải làm sao, cụ thể là bằng cách nào?”.
Chỉ trong vòng hơn 1 tiếng đồng hồ, đã có hơn 20 lượt người dân nêu các câu hỏi về các chính sách, pháp luật, và trật tự lắng nghe báo cáo viên giải thích cặn kẽ phải làm như thế nào cho đúng với pháp luật của nhà nước.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, phụ trách Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh chi nhánh số 5, trong tháng 4 này, Trung tâm sẽ tổ chức 4 buổi tuyên truyền pháp luật cho đồng bào DTTS ở 4 xã của huyện Vĩnh Thạnh là Vĩnh Sơn, Vĩnh Thuận, Vĩnh Hiệp và Vĩnh Thịnh. Và tùy theo yêu cầu của từng địa phương sẽ tổ chức tuyên truyền theo từng chuyên đề pháp luật khác nhau.
Đẩy mạnh tuyên truyền
Một biện pháp đã và đang mang lại hiệu quả cao trong công tác tuyên truyền PBGDPL của huyện Vĩnh Thạnh thời gian qua là phát huy tối đa vai trò, trách nhiệm của đội ngũ già làng, người có uy tín. Hàng năm, Phòng Dân tộc huyện chủ động phối hợp với các phòng, ban chức năng của huyện tổ chức các hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ này, nội dung chủ yếu về công tác dân tộc, tôn giáo, đảm bảo ANTT trên địa bàn, các bộ luật. Từ đó, đội ngũ người có uy tín phát huy vai trò gương mẫu trong vận động quần chúng nhân dân bài trừ các hủ tục, sống theo nếp sống văn minh, nâng cao hiểu biết, thực hiện, chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Ngoài ra, Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh chi nhánh số 5 còn xây dựng chuyên mục phát thanh trợ giúp pháp lý, trả lời các thắc mắc về pháp luật cho người dân, phát sóng định kỳ 2 lần/tháng. Công an huyện cũng xây dựng các mô hình “Làng không có tệ nạn tự tử”, phát động phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc gắn với phong trào “3 không” trong đồng bào DTTS, từ đầu năm đến nay đã có 217 hộ gia đình ký kết không vi phạm.
Trung tá Nguyễn Ngọc Thanh, Phó Trưởng công an huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Tình hình đồng bào DTTS trên địa bàn huyện nhận thức về pháp luật, cũng như thực hiện các quyền và nghĩa vụ của công dân đúng pháp luật đã tốt hơn so với trước. Nếu như trong quý I.2016 đã xảy ra 4 vụ người đồng bào DTTS vi phạm pháp luật về quản lý và bảo vệ rừng thì cùng kỳ năm nay chưa xảy ra trường hợp nào. Đây là minh chứng cho thấy công tác tuyên truyền pháp luật đã hướng đến đối tượng cụ thể và hình thức tuyên truyền phù hợp, tạo được hiệu quả cao”.
HỒNG PHÚC - XUÂN DŨNG