Nhà máy Ðường An Khê đầu tư phát triển vùng nguyên liệu mía tại Bình Ðịnh: Cách làm mới, chính sách mới
Với chính sách đầu tư thông thoáng, cam kết hỗ trợ và thu mua nguyên liệu mía lâu dài với giá có lợi cho nông dân, Nhà máy Ðường (NMÐ) An Khê (thuộc Công ty cổ phần Ðường Quảng Ngãi) đã được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư phát triển vùng nguyên liệu mía tại các địa phương trong tỉnh.
Cơ giới hóa trồng và chăm sóc mía tại CĐML sản xuất mía ở xã Tây Thuận.
Cơ giới hóa trồng và chăm sóc mía
Theo Quyết định số 478/2011 của UBND tỉnh phê duyệt Đề án rà soát quy hoạch vùng nguyên liệu mía thâm canh của tỉnh, đến năm 2020 tại Tây Sơn, Vân Canh, Vĩnh Thạnh, TX An Nhơn, Phù Cát có diện tích mía 6.000 ha.
Trong đó, huyện Tây Sơn 2.700 ha (diện tích mía mở rộng là 1.661 ha); Vân Canh 1.200 ha (mở rộng 998 ha); Vĩnh Thạnh 785 ha (mở rộng 416 ha); Phù Cát 640 ha (mở rộng 416 ha) và TX An Nhơn 675 ha (mở rộng 415 ha). Tuy nhiên, nhiều năm qua, Công ty cổ phần Đường Bình Định (BISUCO) không đáp ứng yêu cầu chính đáng của nông dân nên bà con đã chuyển sang trồng các loại cây trồng khác, khiến cho diện tích mía nguyên liệu tại các địa phương giảm mạnh.
Trước tình hình trên, năm 2016, NMĐ An Khê kiến nghị tỉnh cho đầu tư vùng nguyên liệu mía trên địa bàn tỉnh và được UBND tỉnh chấp thuận. Năm 2017, NMĐ An Khê đã “khởi động” phương án đầu tư phát triển vùng nguyên liệu mía tại tỉnh ta với 3 cánh đồng mẫu lớn (CĐML) ở xã Tây Thuận (Tây Sơn), Vĩnh Quang (Vĩnh Thạnh) và xã Nhơn Thọ (TX An Nhơn), mỗi cánh đồng có diện tích 30 ha.
Phương pháp trồng và chăm sóc mía của NMĐ An Khê khác biệt so với cách làm lâu nay của BISUCO và nông dân trong tỉnh. Quan sát cách trồng mía trên cánh đồng Suối Cả, xã Tây Thuận chúng tôi thấy các khâu cải tạo đất, trồng và chăm sóc mía đều được cơ giới hóa. Mía giống, phân bón được xếp đặt sẵn trên các bộ phận của máy trồng mía. Trong quá trình di chuyển, máy sẽ tự động phân cây mía giống thành nhiều đoạn và thả xuống luống đất cùng với lượng phân bón đã được lập trình sẵn. Nông dân chỉ đứng quan sát và tiếp nhận ruộng mía sau khi đã thực hiện xong các khâu nói trên.
Ông Nguyễn Hữu Tòng, một trong những hộ tham gia CĐML sản xuất mía ở xã Tây Thuận, cho biết: “Trước đây, để trồng được 10 sào mía, tôi phải thuê máy cày và 11 lao động làm hì hục cả ngày mới xong; song mía mọc không đều; việc bón phân bằng tay cũng không đều, lượng phân bón bị hao hụt nhiều, dẫn đến chi phí đầu vào tăng cao. Nay các khâu nói trên đều được làm bằng máy, nên đã hạn chế được công lao động và phân bón, qua đó giảm chi phí sản xuất.
Ông Lê Văn Dương, Trưởng Phòng nguyên liệu NMĐ An Khê, cho biết: Chúng tôi đã chuyển giao cho nông dân các giống mía của Thái Lan có tiềm năng năng suất cao, đồng thời sử dụng máy móc thực hiện các khâu: trồng, bón phân và làm cỏ cho mía. Trong quá trình thực hiện, cán bộ đội cơ giới và kỹ sư nông học luôn có mặt tại ruộng để điều chỉnh các khâu phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tại địa phương, nhằm đảm bảo cho cây trồng phát huy năng suất. Thực tế nhiều năm qua cho thấy, diện tích mía được trồng và chăm sóc bằng máy hạn chế chi phí, mía phát triển đồng đều và cho năng suất cao. Riêng CĐML sản xuất mía tại Tây Thuận, chúng tôi đảm bảo đạt năng suất từ 100 tấn/ha trở lên.
Chính sách mới
Theo NMĐ An Khê, nhu cầu nguyên liệu phục vụ cho nhà máy hoạt động rất lớn. Ngoài diện tích mía nguyên liệu đã và đang đầu tư tại tỉnh Gia Lai, nhà máy mong muốn được đầu tư phát triển 1.000 ha mía tại Bình Định, với tổng sản lượng khoảng 100 ngàn tấn/vụ. Để đảm bảo được mục tiêu trên, Nhà máy đã xây dựng và thực hiện chính sách hỗ trợ đầu tư vùng nguyên liệu mía tại tỉnh ta với cam kết giảm 20% chi phí làm đất, trồng mới với diện tích sản xuất tối thiểu là 30 ha/vùng; ưu tiên làm đất, trồng chăm sóc, bón phân bằng máy.
Theo tính toán, tổng vốn đầu tư CĐML 30 ha mía cho 1 chu kỳ mía (1 vụ mía tơ, 3 vụ mía gốc = 4 vụ) trên 7,85 tỉ đồng, trong đó chi phí chăm sóc trên 3,41 tỉ đồng; chi phí thu hoạch và vận chuyển trên 4,4 tỉ đồng. Tổng thu sản xuất mía trên 13 tỉ đồng, trong đó có 12,6 tỉ đồng tiền mía; trên 468,2 triệu đồng nhà máy không thu hồi. Sau khi trừ chi phí, nông dân lãi 43,44 triệu đồng/ha mía/vụ.
Ông Nguyễn Hoàng Phước, Phó Giám đốc NMĐ An Khê, cho biết: Nhà máy đã lựa chọn cán bộ có đủ năng lực, phẩm chất, đứng chân tại trạm thu mua nguyên liệu ở huyện Tây Sơn. Họ vừa là những người đại diện cho Nhà máy thực hiện chính sách đầu tư phát triển vùng nguyên liệu mía, vừa là người kiểm tra, theo dõi tình hình mua bán mía trên đồng ruộng, và lắng nghe tâm tư nguyện vọng của bà con nông dân, để Nhà máy có biện pháp giải quyết kịp thời. Chúng tôi cam kết không để nông dân phải chờ đợi phương tiện sau khi thu hoạch mía. Trường hợp nông dân chủ động đốn mía vận chuyển đến nhà máy, chúng tôi sẽ trả chi phí vận chuyển và tiền bán mía sau khi mía được cân. Giải pháp tối ưu của Nhà máy là thực hiện nghiêm túc hợp đồng sản xuất và tiêu thụ mía với nông dân, tạo mối quan hệ làm ăn tốt đẹp với nông dân. Và khi nông dân thấy việc hợp tác làm ăn với nhà máy mang lại hiệu quả, bà con sẽ ủng hộ NMĐ An Khê phát triển vùng nguyên liệu mía ở Bình Định.
PHẠM TIẾN SỸ