Ðường cày Khổng Vĩnh Nguyên (*)
Nếu hy vọng sẽ tìm thấy những cái mới, cái cách tân trong Núi lửa phun trào và Hột mưa đại bàng - tập thơ mới xuất bản của Khổng Vĩnh Nguyên (NXB Hội Nhà văn, 1.2017), chắc chắn bạn sẽ thất vọng. Nhưng điều mà người yêu thơ sẽ không thể hoài nghi là thơ anh ngày càng đầy đặn, hồn hậu và nhiều khi thơ ngây, trẻ đến lạ lùng. Cũ mà tốt thì liệu có cần loay hoay với cái mới không? Tôi thì tôi nghĩ là không!
Khổng Vĩnh Nguyên gieo vần lục bát rất tài tình, dễ không, cứ như thể đó là lời ăn tiếng nói hàng ngày vậy. Mà thật, anh trung thành với kiểu phóng bút nhẹ như ném đá lia thia. Đã từng yêu cái thô ráp, mộc mạc kiểu “Con gà trống thiến đã già/ Cất lên tiếng gáy sao mà trẻ thơ” hoặc “Lòng ta gió bạt ngàn lau/ Gò hoa cứt lợn nhớ nhau bầm trời/ Chim đi kêu lạnh bên đời/ Gió đưa hạt bụi ham chơi về nhà”, hẳn sẽ thích thú với “Không vui lòng cũng không buồn/ Gió trăng ve vuốt đèo truông núi Bà/ Sao cày mọc trên mái nhà/ Nhìn ta đằm thắm như là bạn thân!” (Mặc Khải).
Nhiều năm trước, khi nhớ về họ Khổng nhiều người mặc định anh với những cuộc rượu tít mù vòng quanh! Và ngay cả với hình dạng nhàu nhĩ ấy, anh cũng có nét đáng yêu của riêng mình. Cùng với thơ, anh định hình trong bè bạn đầy chất râu tóc phong trần. Mấy năm gần đây, anh khác hẳn. Hôm rồi, lúc cùng uống chén trà anh hào hứng: Bỏ… bỏ… Rượu bia bỏ tiệt lâu rồi. Gặp bạn bè thì làm ly cà phê, chén trà!
Có lẽ cùng với tuổi tác, những biến cố trong đời sống khiến anh thay đổi. Anh kể chuyện làm ruộng nuôi lấy thân, gieo cây rau đắp đổi qua ngày và… mần thơ! Nói đến thơ và quê nhà là anh nói say sưa và hồn nhiên như trẻ nhỏ, đặc biệt là khi nhắc đến những gì liên quan đến Phù Cát, núi Bà. Giữa cuộc trò chuyện, anh sang sảng: bây giờ Phù Cát đang mưa/ dọc đường gánh nặng giữa trưa đói lòng/ anh về thương nhớ cua đồng/ khoai lang bắn đọt mấy vồng đón mưa!
Đọc thơ Khổng Vĩnh Nguyên thấy anh như một kẻ lữ hành cô độc, anh thường xuyên lội ngược vào chính mình với nhiều băn khoăn, ngơ ngác (Thương nhau nước mắt rưng rưng/ Như con tê giác mất sừng ngẩn ngơ - Theo em xuống phố). Kẻ lữ hành ấy nhiều khi thảng thốt nhớ mẹ thương cha, giữa quê nhà mà nhiều khi rưng rưng với quê nhà (Mẹ về lúc thủy triều lên/ Chiều khô con hái rau dền nấu canh/ Con dâng lên mẹ lòng thành/ Mẹ về gió mát trăng thanh mẹ về - Mẹ về); đau đáu với tình bằng hữu và chút tình với Em (anh buồn thơ thẩn dưới mưa/ em còn cười bảo điên vừa vừa thôi/mưa không ướt chỗ em ngồi/ hàng cây sũng nước bồi hồi cùng anh - Thơ thẩn dưới mưa).
Giản dị trong ngôn từ, hàm súc trong ngữ nghĩa, thơ của Khổng Vĩnh Nguyên như những đường cày miệt mài trên cánh đồng thi ca.
BÁ PHÙNG
(*) Đọc Núi lửa phun trào và Hột mưa đại bàng, thơ Khổng Vĩnh Nguyên, NXB Hội Nhà văn, 1.2017.