Họa sĩ - thầy giáo Nguyễn Văn Cần: Giữ lửa đam mê với nghề
Không ngừng nỗ lực học hỏi để nâng cao kiến thức, luôn tận tâm đối với học trò, cố gắng giữ lửa đam mê sáng tác, họa sĩ - thầy giáo Nguyễn Văn Cần không chỉ tạo được những dấu ấn trên hành trình giảng dạy, mà còn trong những tác phẩm của mình.
Năm 1998, sau khi tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại Giỏi ngành Mỹ thuật tại Đại học Nghệ thuật Huế, Nguyễn Văn Cần (SN 1971, quê huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) về công tác tại khoa Mỹ thuật, Trường Trung cấp VHNT Bình Định.
Tác phẩm “Phố núi cao” của họa sĩ Nguyễn Văn Cần.
Tận tâm truyền dạy
Trải qua 19 năm miệt mài gắn bó với sự nghiệp trồng người, thầy giáo Nguyễn Văn Cần đã nâng bước nhiều thế hệ học trò. Những giờ học của thầy Cần luôn sôi động, lôi cuốn nhờ cách “đọc” được khả năng của học trò, để định hướng, điều chỉnh sao cho phát huy tối đa tố chất của người học.
Họa sĩ Nguyễn Văn Cần (ảnh) đang ấp ủ dự định tổ chức triển lãm tranh thứ hai, với chủ đề “Nỗi nhớ của tôi”. Triển lãm giới thiệu hơn 40 tác phẩm vẽ trong thời gian học cao học ở Thái Lan.
Thầy Nguyễn Văn Cần tâm sự: “Tôi muốn chia sẻ kiến thức, niềm đam mê hội họa với học trò. Em nào chưa tốt, mình để tâm dẫn dắt, kèm cặp thêm để các em có đà, bắt kịp bạn bè. Với học trò có tố chất tốt, mình kích thích, động viên để các em tự phát huy năng lực cá nhân!”.
Năng lực của thầy Cần được xác lập qua các giờ lên lớp, tại các hội thi giáo viên dạy giỏi. Năm 2003, thầy Cần đạt giải Khuyến khích dạy môn Hình họa trong Hội thi giáo viên dạy giỏi toàn quốc; năm 2006, thầy giành giải Ba dạy môn Trang trí. Từ tháng 10.2014 đến nay, thầy Cần đã được tín nhiệm bầu làm Phó Trưởng khoa Mỹ thuật Trường Trung cấp VHNT Bình Định.
Bán nhà để đi học
Căn phòng chật hẹp trong ngôi nhà nhỏ trên núi ở khu vực 4 , phường Quang Trung, là nơi họa sĩ Văn Cần nuôi dưỡng tâm hồn nghệ thuật.
Cách đây 10 năm, với triển lãm cá nhân có chủ đề “Bóng hoàng hôn”, họa sĩ Văn Cần được trao giải thưởng Đào Tấn - Xuân Diệu. Triển lãm gây ấn tượng thú vị với bức tranh ghép dài tới 30 m (ghép lại từ 25 tác phẩm sơn dầu). Kể về bức tranh ghép này, họa sĩ Văn Cần bộc bạch - Làng quê tôi nằm bên dòng sông Thu Bồn thơ mộng, dù đi xa nhưng kí ức tuổi thơ với những buổi chăn trâu, vui đùa, thả diều bên bờ đê, mùi rơm rạ… chưa bao giờ phai mờ!.
Năm 2011, thầy giáo Văn Cần xin đi học (tự túc) cao học nghệ thuật thị giác tại Đại học Mahasarakham (Thái Lan). Để trang trải việc học, vợ chồng phải bán ngôi nhà nhỏ, anh tâm sự: “Tiền bán nhà, mình đem mua một ngôi nhà nhỏ hơn nữa, dư chút đỉnh cộng với vay mượn mới có đi học. Chật vật lắm nhưng rất xứng đáng. Mình thu nhận được rất nhiều điều quý giá, hữu ích cho việc giảng dạy và cả sáng tác!”.
Thành quả
Giảng dạy và sáng tác là hai lĩnh vực tưởng chừng tách rời nhau nhưng ở thầy giáo Nguyễn Văn Cần lại có sự dung hợp hài hòa, tương hỗ. Cả hai đều cần nuôi dưỡng bằng niềm đam mê, cập nhật kiến thức thường xuyên.
Nỗ lực học hỏi và sáng tạo của anh đã được ghi nhận. Liên tiếp trong hai năm 2014, 2015, 2 tác phẩm “Phố núi cao” và “Phế tích Chămpa” của anh được Hội Mỹ thuật Việt Nam giới thiệu dự giải thưởng Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam. Tác phẩm “Bình minh phố biển” tham gia Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam năm 2015 (tuyển chọn những tác phẩm xuất sắc, tiêu biểu của giới họa sĩ cả nước từ năm 2010- 2015).
Năm 2015, họa sĩ Văn Cần trở thành hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Anh chia sẻ, mình tự thấy còn “mắc nợ” và phải trả bằng việc tìm tòi, sáng tạo, nâng cao chất lượng tác phẩm và đặc biệt là tiếp tục dẫn dắt học trò tốt hơn.
HOÀI THU