Sôi động thị trường vật liệu xây dựng
Sau các đợt mưa lũ kéo dài cuối năm 2016, mùa xây dựng năm 2017 đã khởi động ngay từ cuối tháng Giêng. Thị trường vật liệu xây dựng (VLXD) sau thời gian ế ẩm đã “ấm” lên, dự báo sẽ còn tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới.
Tìm hiểu tại TP Quy Nhơn, một số doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh VLXD cho biết, dự kiến nhu cầu xây dựng đầu mùa khô năm nay tăng khoảng 15-20% so với năm trước. Còn Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam dự báo, nửa cuối mùa khô năm nay sẽ là thời điểm “nóng” nhất của thị trường xây dựng, nhu cầu vật liệu tăng cao nên giá khó giữ mức như hiện nay.
Khách hàng rất khó chọn được mẫu gạch ốp lát đúng chất lượng và giá sản phẩm nếu không thật sự am hiểu.
- Trong ảnh: Khách hàng chọn mẫu gạch ốp lát tại một cửa hàng ở Quy Nhơn.
Biến động giá
Theo các DN kinh doanh VLXD, khi thị trường xây dựng vào mùa, đồng nghĩa với giá vật liệu “rục rịch” biến động tăng. Doanh số bán hàng của nhiều DN từ đầu năm 2017 đến nay đã tăng so với cùng kỳ năm trước; trong đó, riêng khối xây dựng dân dụng tăng bình quân 15-18%.
Mặt hàng không thể thiếu trong xây dựng là sắt thép, đến nay cũng được ghi nhận mức tăng chung 10-15%. Đơn cử, tháng 1.2017, giá thép Hòa Phát được liên Sở Tài chính - Xây dựng niêm yết mức cao nhất là 11.000 đồng/kg, cuối tháng 3.2017 nhích lên 12.100 đồng/kg; đến ngày 10.4, giá nhập kho đã ở mức 12.300 đồng/kg. Hay, giá thép Pomina đến sáng 10.4 “đứng” ở 12.600 đồng/kg; trong khi giá cao nhất của tháng 1.2017 là 11.300 đồng/kg và cuối tháng 3.2017 là 12.000 đồng/kg. Cùng với đó, giá một số mặt hàng như tôn và xà gồ đến nay đã tăng 4% so với cuối năm 2016.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến giá thép tăng là chính sách về việc áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam vẫn còn hiệu lực. Bên cạnh đó, sau Tết, các đại lý cấp 1 có tâm lý “ôm” hàng để bán trong mùa cao điểm, nên đẩy giá thép lên cao.“Một số khách hàng đề nghị đặt số lượng lớn và nhận hàng “chốt” giá thời điểm này, nhưng chúng tôi không dám nhận, vì khả năng giá thép biến động liên tục” - chủ một DN kinh doanh VLXD trên đường Đống Đa cho hay.
Bên cạnh đó, giá xi măng, cát, sạn và gạch cũng có xu hướng tăng. Trên thực tế, giá các loại vật liệu này cập nhật từ nhà sản xuất chưa tăng giá, nhưng những đại lý, cơ sở kinh doanh theo thời điểm và nhu cầu tăng vọt của thị trường đã điều chỉnh giá tăng trên 5-10%, với lý do bù lại chi phí vận chuyển, nhân công...
Cạnh tranh gay gắt
Sức tiêu thụ của thị trường VLXD khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói chung và tỉnh Bình Định nói riêng được các nhà sản xuất đánh giá là không mạnh bằng hai đầu Nam - Bắc. Tuy nhiên, ở một chừng mực nào đó, sự cạnh tranh ở lĩnh vực này lại diễn ra rất gay gắt.
Hiện nay, trên thị trường, mỗi mặt hàng có hàng chục thương hiệu, nhà sản xuất khác nhau. Có sản phẩm của các DN nhà nước, công ty liên doanh, nhưng cũng có rất nhiều sản phẩm của các DN tư nhân và hàng nhập khẩu. Để thu hút khách hàng, các nhà sản xuất liên tục đưa ra thị trường những sản phẩm mới với mẫu mã phong phú và đa dạng.
Bà Trương Thị Ngọc Hương, chủ DN VLXD Phong Phú, cho hay: “Cách đây 2 năm, nhà máy sản xuất tôn trong tỉnh chỉ đếm được trên đầu ngón tay, nhưng từ cuối năm ngoái đến nay số lượng đã tăng gấp đôi. Còn những cơ sở vừa sản xuất gia công vừa kinh doanh như Phong Phú cũng lên đến vài chục. Vì thế, doanh số bán ra được đánh giá đạt như cùng kỳ năm ngoái, nhưng lợi nhuận lại giảm”.
Một số cơ sở khác cũng cho biết, nếu khối xây dựng dân dụng đến nay tăng đều; ngược lại khối xây dựng công trình bị “xé lẻ” mạnh mẽ. “Doanh số bán hàng từ khối công trình xây dựng mới có tính quyết định cho lợi nhuận của DN. Bởi, đơn giản, bán VLXD cho một công trình tương đối bằng cả tháng bán lẻ cho khối xây dựng dân dụng” - chủ DN kinh doanh VLXD trên đường Bạch Đằng dẫn chứng.
Theo ông Bùi Quang Tầm - Giám đốc Công ty TNHH Quang Lộc, thị trường VLXD rất đa dạng, nhất là đối với mặt hàng gạch ốp lát, gần như bình quân 2-3 ngày ra một mẫu, với rất nhiều nhà sản xuất. Được tiêu thụ mạnh nhất hiện nay là gạch vân đá, màu sáng, với rất nhiều nhà sản xuất trong nước và hàng nhập từ Trung Quốc; cuối năm ngoái có sự góp mặt của hàng Malaysia và Ấn Độ. Sản phẩm Trung Quốc mẫu mã phong phú, giá rẻ; trong khi hàng Malaysia và Ấn Độ giá cao hơn. Ví dụ, hàng Trung Quốc khung 600x600 cm có giá 260 ngàn đồng/m2; hàng Malaysia giá 350 ngàn đồng/m2, Ấn Độ 380 ngàn đồng/m2.
“Với sự phong phú và cạnh tranh mạnh về chủng loại, mẫu mã sản phẩm, người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội cho các sản phẩm hàng nhái, hàng kém chất lượng trà trộn vào thị trường” - ông Tầm chia sẻ.
Hay như, mặt hàng thép xây dựng thị trường hiện cũng có rất nhiều loại, có loại thiếu về trọng lượng; tôn cũng có loại tôn xịn, tôn rởm... Mà các mặt hàng tôn, sắt thép lại rất khó nhận diện.
THU HIỀN