Ngân hàng Nhà nước - CN Bình Ðịnh: Nỗ lực giải quyết khó khăn, vướng mắc trong thực hiện NÐ 67/CP
Nghị định 67/2014 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản tại tỉnh ta đã đạt được kết quả bước đầu, song vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc chưa được giải quyết. PV Báo Bình Ðịnh đã phỏng vấn ông Nguyễn Trà Dương, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Bình Ðịnh, về vấn đề cho vay vốn đóng tàu theo NÐ 67/CP của các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh.
* Xin ông cho biết kết quả giải ngân của các NHTM cho ngư dân vay vốn đóng tàu theo tinh thần NĐ 67/CP tại tỉnh ta?
Ông Nguyễn Trà Dương, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - CN Bình Định
- Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước - CN Bình Định đã chỉ đạo các NHTM đẩy nhanh tiến độ thực hiện NĐ 67/CP, tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân vay vốn để đóng tàu công suất lớn khai thác thủy sản (KTTS) và làm dịch vụ hậu cần nghề cá. Kết quả, tính đến ngày 24.3.2017, các NHTM đã ký hợp đồng tín dụng với 59 khách hàng (KH) với tổng số tiền cam kết cho vay trên 879 tỉ đồng, trong đó có 56 hợp đồng tín dụng đã được giải ngân với số tiền gần 804,90 tỉ đồng, 2 hợp đồng đã ký nhưng KH có đơn xin không vay vốn nữa.
Ngoài ra, các NHTM đã nhận được hồ sơ vay vốn của 3 KH nhưng chưa ký hợp đồng do đang quá trình thẩm định; đã từ chối cho vay 10 KH (gồm 2 KH lựa chọn công ty đóng tàu không đáp ứng yêu cầu về thi công; 5 KH không chứng minh được năng lực tài chính; 2 KH đang bị thi hành án cưỡng chế tài sản và nợ phát sinh quá hạn tại chi nhánh ngân hàng; 1 KH lớn tuổi không đủ năng lực sản xuất, phương án sản xuất không khả thi). Ngoài ra, có 144 KH đã được các NHTM tiếp cận nhưng chưa nhận được hồ sơ vay vốn của chủ tàu; còn 74 chủ tàu được UBND tỉnh phê duyệt đủ điều kiện vay vốn nhưng các NHTM chưa tiếp cận.
* Tại Hội nghị sơ kết thực hiện NĐ 67/CP do UBND tỉnh tổ chức vào cuối tháng 2.2017, lãnh đạo và ngành chức năng một số địa phương cho rằng, nhiều NHTM không muốn giải quyết cho ngư dân vay vốn đã ban hành rất nhiều quy định khắt khe, khiến cho ngư dân thấy “choáng”, tự nguyện rút lui. Thực hư vấn đề này như thế nào, thưa ông?
- Chúng tôi cũng đã nghe nói nhiều về vấn đề trên và đã kiểm tra việc thực hiện các quy định của NĐ 67/CP tại các CN NHTM trên địa bàn tỉnh. Mỗi NHTM đều có quy trình tiếp nhận và giải quyết vốn vay riêng, nhưng họ đều dựa trên các quy định của NĐ 67/CP và quy định của Hội sở chính, chứ không đưa ra quy định riêng khắt khe làm khó ngư dân. Thủ tục, hồ sơ vay vốn đóng tàu đã được các NHTM thông báo rộng rãi cho chính quyền và ngư dân biết, nhưng thực tế nhiều ngư dân không hoàn thiện đủ các điều kiện cần thiết, nên các NHTM không thể giải quyết vốn vay.
Một tàu cá vỏ thép của ngư dân huyện Hoài Nhơn đang được sửa chữa tại Xí nghiệp đóng tàu Tam Quan.
Thực tế cho thấy, sau khi được UBND tỉnh phê duyệt đủ điều kiện vay vốn đóng tàu, nhiều ngư dân đã chuyển đổi ngành nghề hoặc thay đổi chất liệu vỏ tàu, thay đổi thiết kế tàu, nên kéo dài thời gian làm việc giữa ngân hàng và ngư dân. Nhiều ngư dân chưa nghiên cứu kỹ hợp đồng, dự toán, thiết kế, nên sau khi ngân hàng tư vấn chỉ rõ những yếu tố bất lợi, ngư dân mất nhiều thời gian để điều chỉnh cũng đã kéo dài thời gian thẩm định. Một số cơ sở đóng tàu đưa dự toán tàu cá cao hơn so với mặt bằng chung và dự toán tàu chưa cụ thể, không rõ ràng, năng lực của cơ sở đóng tàu hạn chế, nhưng ngư dân lại chọn các cơ sở đóng tàu nói trên nên việc thẩm định, quyết định cho vay của các NHTM gặp khó khăn.
* Việc sử dụng tàu cá để KTTS và việc hoàn trả nợ vay của ngư dân hiện như thế nào, thưa ông?
- Thực tế cho thấy, phần lớn các cơ sở đóng tàu đều bàn giao tàu không đúng thời gian như hợp đồng đã ký kết. Có nhiều ngư dân sau khi nhận tàu, phải sửa chữa các hạng mục trên tàu cho phù hợp với ngành nghề khai thác hoặc nhận tàu không đúng mùa vụ chính KTTS, nên bị thua lỗ hoặc chưa có thu nhập.
Đến nay, có 9 ngư dân đã quá hạn trả nợ các NHTM nhưng vẫn không trả được nợ. Theo quy định việc trả nợ không đúng kỳ hạn dẫn đến toàn bộ dư nợ sẽ bị chuyển sang nhóm nợ quá hạn, đồng nghĩa với việc ngư dân sẽ không được Nhà nước hỗ trợ lãi suất. Làm ăn không hiệu quả, đời sống ngư dân sẽ gặp khó khăn, công tác thu hồi nợ của các NHTM cũng không dễ, chắc chắn hoạt động kinh doanh của các NHTM ít nhiều bị ảnh hưởng.
* Ngân hàng Nhà nước - CN Bình Định triển khai những giải pháp nào để chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản theo tinh thần NĐ 67/CP tại tỉnh ta đạt hiệu quả?
- Hiện Ngân hàng Nhà nước - CN Bình Định đã chỉ đạo các NHTM trên địa bàn tỉnh tiếp tục phối hợp với ngành chức năng của tỉnh và các địa phương hướng dẫn ngư dân hoàn chỉnh các hồ sơ vay vốn, thẩm định và giải quyết vốn vay cho ngư dân. Bên cạnh đó, kiến nghị với Ban chỉ đạo thực hiện NĐ 67/CP của tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan xây dựng và tạo điều kiện cho ngư dân tham gia mô hình liên kết chuỗi, nhằm phát huy hiệu quả con tàu. Gắn trách nhiệm của UBND các huyện, xã, tổ thẩm định các cấp trong việc xác định ngư dân đủ điều kiện vay vốn theo tinh thần NĐ 67/CP cũng như hỗ trợ các NHTM thu hồi vốn.
Ban chỉ đạo thực hiện NĐ 67/CP của tỉnh có văn bản đề nghị Bộ NN&PTNT khảo sát, đánh giá lại năng lực tài chính, chuyên môn của các cơ sở đóng tàu và công bố kết quả cho các đơn vị có liên quan biết để tư vấn cho ngư dân, tránh tình trạng ngư dân thiếu thông tin khi lựa chọn cơ sở đóng tàu, dẫn đến chất lượng tàu không đạt yêu cầu, vừa tốn chi phí đầu tư, vừa mất thời gian sửa chữa. Có văn bản hướng dẫn việc thực hiện thời gian ân hạn đối với các trường hợp tàu cá bàn giao cho ngư dân phải sửa chữa phù hợp với ngành nghề khi đã đến hạn trả nợ vay ngân hàng. Đề nghị Bộ Tài chính xem xét có hướng dẫn cấp bù lãi suất trong trường hợp ngư dân đã đến hạn trả nợ nhưng chưa có nguồn thu do những nguyên nhân khách quan, như công ty đóng tàu bàn giao tàu không đúng thời hạn như hợp đồng đã ký kết; tàu kém chất lượng, thiết kế không phù hợp với ngành nghề và do thời tiết diễn biến thất thường…
* Xin cảm ơn ông!
PHẠM TIẾN SỸ (Thực hiện)