Cải cách tư pháp: Nhìn từ việc nâng cao chất lượng tranh tụng tại tòa
Thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, thời gian qua, các cơ quan tố tụng gồm viện KSND và TAND các cấp đã chủ động đề ra nhiều biện pháp cụ thể để thực hiện tốt chức năng của mình, mà trọng tâm là nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa, góp phần nâng cao tính công khai minh bạch trong hoạt động xét xử.
Về vấn đề này, ông Trần Văn Sang, Viện trưởng Viện KSND tỉnh, nhận xét: “Hoạt động tranh tụng của kiểm sát viên tại phiên tòa ngày càng được chú trọng, chất lượng tranh luận từng bước được nâng lên. Nội dung tranh tụng của kiểm sát viên, ngoài việc đưa ra những căn cứ chứng minh hành vi phạm tội của bị cáo, còn phân tích, phê phán thủ đoạn phạm tội, đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội và hậu quả do hành vi của bị cáo gây ra, đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Do đó, đã hạn chế được những thiếu sót trong quá trình xử lý các vụ án hình sự; không để xảy ra trường hợp viện kiểm sát truy tố mà tòa án tuyên không phạm tội. Trong quá trình tranh tụng, kiểm sát viên đã góp phần tuyên truyền, giáo dục pháp luật tại phiên tòa”.
Việc tranh tụng tại tòa là một trong những yếu tố quan trọng để xét xử đúng người, đúng tội.
- Trong ảnh: Một phiên tòa do TAND tỉnh xét xử.
Tại các phiên tòa, hội đồng xét xử phán quyết dựa trên các chứng cứ, tài liệu được cung cấp, đặc biệt là kết quả tranh tụng tại tòa, nhằm bảo đảm bản án được tuyên khách quan, toàn diện. Do vậy, việc tranh tụng tại tòa là một trong những yếu tố quan trọng để xét xử đúng người, đúng tội.
*
Đơn cử như tại phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Văn Tiến (SN 1970, phường Nhơn Hòa, TX An Nhơn) về tội giết người mà TAND tỉnh xét xử vào tháng 9.2016, đã thể hiện rõ sự công khai minh bạch qua việc các bên liên quan đều đưa ra những lập luận để bảo vệ quan điểm của mình, theo đúng tinh thần cải cách tư pháp, đúng pháp luật. Trong phần tranh tụng, đại diện viện kiểm sát giữ quyền công tố tại tòa phân tích hành vi của bị cáo Tiến là hết sức nghiêm trọng, có tính chất côn đồ, do đó việc truy tố bị cáo Tiến theo khoản 1 Điều 93 Bộ luật Hình sự và đề nghị mức án từ 13 - 15 năm tù giam. Tuy nhiên, luật sư của bị cáo cho rằng, Tiến phạm tội trong trạng thái thần kinh bị kích động mạnh, không mang tính chất côn đồ mà chỉ không làm chủ hành vi tức thời; đồng thời cần truy cứu trách nhiệm hành vi của vợ nạn nhân khi dùng gậy đánh rơi dao của Tiến, vì lúc này bị cáo chỉ đang cầm dao chứ chưa làm gì, hơn nữa gậy cũng là hung khí nguy hiểm. Luật sư đề nghị truy tố Tiến ở khoản 2 Điều 95 Bộ luật Hình sự là phù hợp. Đại diện Viện Kiểm sát lập luận: Tính chất côn đồ là hành vi coi thường tính mạng người khác, từ một nguyên nhân vô cớ mà đánh chết người là côn đồ, nên yêu cầu của luật sư về việc chuyển tội danh là vô căn cứ. Việc vợ nạn nhân dùng gậy để đánh bị cáo rớt dao là tự vệ chính đáng và hành vi này bị xem xét ở góc độ đạo đức chứ không phải pháp luật. Kết thúc phiên tòa, hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Tiến 14 năm tù giam về tội giết người, theo khoản 1 Điều 93 Bộ luật Hình sự.
Hay như tại phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Hoàng Nam (SN 1981, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai) về tội giết người, vừa diễn ra cuối tháng 3 vừa qua. Tinh thần cải cách tư pháp cũng thể hiện rõ qua phần tranh tụng tại tòa của các bên có quyền và nghĩa vụ liên quan. Luật sư đại diện hợp pháp cho bị hại đã đưa ra những lập luận để chứng minh hành vi của bị cáo là cố ý giết người. Cuối cùng, hội đồng xét xử đã thống nhất tuyên phạt bị cáo Nam 12 năm tù giam, trong khi trước đó Viện Kiểm sát đề nghị mức án đối với bị cáo là từ 8 đến 9 năm.
Không chỉ đối với các vụ án hình sự mà với cả các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, hành chính, kinh doanh thương mại, lao động, các cơ quan tiến hành tố tụng cũng đã làm tốt công tác hòa giải, hướng dẫn các đương sự thực hiện đúng nghĩa vụ về cung cấp chứng cứ, tài liệu. Như trong phiên tòa dân sự, trước đây, trong phần xét hỏi tranh tụng thì chủ tọa sẽ là người điều hành phiên tòa và xét hỏi trước, rồi đến hội thẩm, viện kiểm sát, luật sư rồi mới đến người tham gia tố tụng (nguyên đơn, bị đơn và những người liên quan). Nhưng theo Luật Dân sự 2015, thì các đương sự sẽ được quyền trình bày trước dưới sự chủ trì của chủ tọa, sau đó mới tới hội đồng xét xử hỏi.
Theo ông Đặng Thành Thái, Phó Chánh án TAND tỉnh, việc tăng cường tranh tụng tại tòa góp phần nâng cao tính minh bạch trong hoạt động tư pháp, thể hiện tính dân chủ cao, là một bước cải cách hành chính theo tinh thần cải cách tư pháp của Bộ Chính trị. Tranh tụng tại tòa đã và đang đi theo hướng đúng thực chất, bảo đảm dân chủ, công khai, đúng quy định của pháp luật.
KIỀU ANH