Ðội tuyển wushu Bình Ðịnh: Cần thay đổi để phát triển!
Lần đầu tiên trắng tay ở một giải vô địch wushu toàn quốc, đội tuyển wushu Bình Ðịnh bộc lộ nhiều điểm hạn chế cần khắc phục, nếu muốn đạt được những thành công nhất định như đã từng làm được trong quá khứ.
Giải vô địch wushu toàn quốc năm 2017 diễn ra từ ngày 5 đến 8.4 tại nhà thi đấu TDTT tỉnh Hải Dương có sự tham gia của gần 300 VĐV đến từ 30 tỉnh, thành, ngành trong cả nước.
1.
Các VĐV thi đấu 2 nội dung là quyền biểu diễn và đối kháng, để tranh tài 48 bộ huy chương các loại, trong đó 30 bộ huy chương biểu diễn quyền và 18 bộ huy chương cho các hạng cân đối kháng. Đây là giải đấu nhằm đánh giá phong trào tập luyện môn wushu tại các địa phương và phát hiện, tuyển chọn những VĐV xuất sắc, bổ sung vào đội tuyển quốc gia tham gia các giải đấu quốc tế.Đoàn Hà Nội tiếp tục khẳng định vị thế ở môn wushu khi giành tổng cộng 18 HCV, 9 HCB, 5 HCĐ, giành vị trí Nhất ở giải toàn đoàn. Xếp thứ hai là đoàn TP Hồ Chí Minh với 5 HCV, 11 HCB, 7 HCĐ. Giành vị trí thứ ba là đoàn Quân đội với 3 HCV, 7 HCB. Tại giải này đội tuyển wushu Bình Định có 7 võ sĩ tham gia, đều thi đấu nội dung đối kháng. Nhưng khác với những giải trước đây, không võ sĩ nào giành được huy chương ở giải lần này. Đây được xem là bước lùi của wushu Bình Định, bởi trong khoảng hơn 15 năm qua, chúng ta đều giành được những thành tích nhất định.
Võ sĩ Đặng Đình Văn (bên trái) của Bình Định từng giành HCB nội dung tán thủ môn wushu tại Đại hội TDTT toàn quốc năm 2014.
Ngoài “giai đoạn cực thịnh” vào những năm đầu thế kỷ 21, với sự xuất sắc của hai võ sĩ Lê Công Bút và Lê Minh Tùng (cả hai từng được khoác áo đội tuyển quốc gia, giành HCV và HCB SEA Games), trong chừng 5-7 năm gần đây, wushu Bình Định còn giới thiệu nhiều gương mặt triển vọng như: Nguyễn Quốc Tiễn, Mai Trọng Phú, Đặng Đình Văn, Đặng Hoàng Linh, Lê Hữu Trung, Đặng Quốc Duy… Nhưng vì những lý do khác nhau, đến nay lứa VĐV này bắt đầu có dấu hiệu chững lại, khả năng tranh chấp huy chương cũng không được đánh giá cao như trước.
2.
Thực ra, sự đi xuống của wushu Bình Định không làm những người am hiểu về chuyên môn bất ngờ. Bởi chúng ta vẫn chưa khắc phục những hạn chế tồn tại từ rất lâu, đó là các võ sĩ vẫn tập luyện theo kiểu… “kiêm nhiệm”; trang thiết bị tập luyện (quan trọng nhất là thảm thi đấu) thiếu thốn; chế độ dinh dưỡng chưa phù hợp…
“ Chúng ta vẫn chưa khắc phục những hạn chế tồn tại từ rất lâu, đó là các võ sĩ vẫn tập luyện theo kiểu… “kiêm nhiệm”; trang thiết bị tập luyện (quan trọng nhất là thảm thi đấu) thiếu thốn; chế độ dinh dưỡng chưa phù hợp… ”
Trong nhiều năm qua, các võ sĩ thi đấu wushu của Bình Định đều được chuyển từ bộ môn võ cổ truyền sang. Trong đó, một số võ sĩ còn kiêm thêm việc thi đấu ở môn kickboxing, nên việc không thuần thục các động tác thi đấu theo luật của từng bộ môn cũng là dễ hiểu.
Một thành viên Ban huấn luyện đội tuyển wushu Bình Định cho biết: “Thi đấu đối kháng wushu đòi hỏi rất nhiều thể lực, bởi bộ môn này có áp dụng nhiều đòn quăng quật, sử dụng sức mạnh, do đó, VĐV thường phải tập luyện với khối lượng vận động nặng hơn rất nhiều so với một số môn võ khác. Cũng vì thế, lượng dinh dưỡng cung cấp cho cơ thể hàng ngày phải đảm bảo để bù đắp năng lượng tiêu hao. Nhưng chế độ dinh dưỡng của chúng ta vẫn còn hạn chế so với nhiều địa phương khác. Riêng với môn wushu, sàn đấu dùng để tập luyện rất quan trọng, vì giúp võ sĩ quen với cảm giác thi đấu thực sự, nhưng đến nay chúng ta vẫn chưa có”.
3.
Việc wushu Bình Định duy trì được thành tích ở đấu trường quốc gia trong thời gian qua phần lớn là nhờ vào những võ sĩ được tuyển chọn vào đội tuyển (hoặc tuyển trẻ) quốc gia. Nơi các võ sĩ có điều kiện tập luyện, dinh dưỡng tốt hơn, cũng như có sự hướng dẫn bài bản từ các chuyên gia, HLV.
Nhưng trong giai đoạn hiện nay, chúng ta không còn võ sĩ tham gia đội tuyển, việc khó cạnh tranh thành tích cũng là điều được dự báo trước. Thực ra đây không phải là một sự hẫng hụt quá lớn, bởi ngoại trừ Quảng Ngãi còn có cửa cạnh tranh HCV ở một số ít hạng cân lớn tại giải vô địch quốc gia, hầu hết các tỉnh, thành từ Đà Nẵng trở vào Nam đều gặp vô vàn khó khăn trong việc tranh chấp ngôi vị cao nhất ở các nội dung thi đấu đối kháng.
Tán thủ vẫn là nội dung thế mạnh của các tỉnh, thành phía Bắc, bởi họ đã có sự đầu tư bài bản từ nhiều năm trước và ngày càng củng cố sự vững mạnh bằng nhiều biện pháp khác nhau. Nên nếu muốn đạt được thành tích tốt, wushu Bình Định phải có những bước đi mang tính chiến lược, hơn là đầu tư nhỏ giọt theo thời điểm, để rồi tạo sự đứt đoạn, thiếu hiệu quả và sự bền vững.
LÊ CƯỜNG