Bán đảo Triều Tiên quá nóng
Bình Nhưỡng tuyên bố sẵn sàng cho chiến tranh sau khi lên án Washington triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay đến khu vực.
Một số phương tiện truyền thông ngày 10.4 loan tin quân đội Trung Quốc đã điều 150.000 binh sĩ đến khu vực biên giới giáp Triều Tiên.
Xe quân sự của Hàn Quốc trong cuộc tập trận với Mỹ ngày 11.4. Ảnh: REUTERS
Hàn Quốc lo lắng
Theo báo Daily Mail (Anh), động thái này nhằm chuẩn bị ứng phó trong trường hợp xảy ra các cuộc tấn công phủ đầu nhằm vào Triều Tiên, tương tự vụ Mỹ nã tên lửa vào một căn cứ không quân của Syria hôm 6.4. Tờ Chosun Ilbo (Hàn Quốc) tiết lộ Trung Quốc triển khai các đơn vị y tế và hỗ trợ thuộc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) tới khu vực sông Áp Lục, giáp Triều Tiên. Nhiệm vụ của họ là ứng phó người tị nạn Triều Tiên và “những trường hợp ngoài dự tính”.
Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm 10.4 nói bà không hay biết gì về thông tin trên. “Trước đây từng có những thông tin tương tự của hãng tin Yonhap (Hàn Quốc) nhưng tất cả đều vô căn cứ và sai lệch. Tôi không biết thông tin này bắt nguồn từ đâu” - bà Hoa phát biểu tại cuộc họp báo thường ngày. Theo trang The Daily Caller ngày 10.4, Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định hiện “không có bằng chứng” về việc Trung Quốc triển khai số lượng lớn binh sĩ tới khu vực biên giới chung với Triều Tiên.
Nói thế không có nghĩa là Trung Quốc có thể “ăn ngon ngủ yên” bởi tình hình bán đảo Triều Tiên đang tăng nhiệt sau một loạt động thái, tuyên bố cứng rắn từ cả Washington và Bình Nhưỡng. Triều Tiên ngày 11.4 tuyên bố sẵn sàng cho chiến tranh sau khi lên án Mỹ triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay đến khu vực.
Ở phía ngược lại, theo tờ The Daily Telegraph (Úc), Mỹ đã thông báo cho phía Úc biết Washington có thể bắn hạ tên lửa đạn đạo được Triều Tiên phóng thử thời gian tới. Theo một số nguồn tin tình báo, Bình Nhưỡng có thể phóng thử tên lửa hôm 15.4 (ngày sinh của cố lãnh đạo Kim Nhật Thành) hoặc sớm hơn. Quyền Tổng thống Hàn Quốc Hwang Kyo-ahn hôm 11.4 cũng cảnh báo Triều Tiên có thể leo thang khiêu khích thời gian tới, như tiến hành thử hạt nhân và ra lệnh quân đội tăng cường giám sát tình hình.
Giấc mơ quốc gia hạt nhân
Trong bối cảnh sức ép gia tăng từ cộng đồng quốc tế, Hội đồng Nhân dân Tối cao Triều Tiên (tương đương quốc hội) đã nhóm họp ngày 11.4. Giảng viên Kevin Gray của Trường ĐH Sussex (Anh) cho rằng hội nghị được tổ chức trùng với kỷ niệm 5 năm ông Kim Jong-un cầm quyền nên đây sẽ là dịp nêu bật thành tựu và uy thế của nhà lãnh đạo này. Ngoài ra, Bình Nhưỡng dự kiến tiếp tục nhấn mạnh chính sách vừa đạt thịnh vượng kinh tế vừa theo đuổi vũ khí hạt nhân.
Theo giáo sư Stephen Nagy tại Trường ĐH International Christian (Nhật Bản), chính sách này rất quan trọng đối với Bình Nhưỡng sau khi Washington gia tăng sức ép. Nhà phân tích Scott Seaman thuộc Công ty Nghiên cứu Eurasia (Mỹ) còn nhận định ông Kim Jong-un nhiều khả năng sử dụng bài phát biểu tại hội nghị để nhắc lại kế hoạch biến Triều Tiên trở thành một quốc gia hạt nhân được thế giới công nhận và tiếp tục bảo vệ đất nước trước hành động gây hấn của nước ngoài.
Trong tuyên bố gửi đến đài CNN cùng ngày, các quan chức Triều Tiên cho rằng tình hình “u ám” hiện nay đã lý giải cho việc Bình Nhưỡng trang bị khả năng phòng thủ và tấn công phủ đầu, lấy lực lượng hạt nhân làm nòng cốt. Phản ứng cứng rắn của Triều Tiên khiến cựu Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), tướng về hưu Michael Hayden, nhận định Nhà Trắng đang đối mặt nhiệm vụ khó khăn trong việc thuyết phục Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân. Ông Hayden thậm chí không tin rằng Washington có thể ép được Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình mà nước này dựa vào để “sống sót”.
Áp lực đè nặng Trung Quốc
Reuters ngày 11.4 đưa tin độc quyền nói đoàn tàu chở than của Triều Tiên đã quay đầu về lại cảng Nampo của nước này. Nguồn tin từ các doanh nghiệp nhập khẩu của Trung Quốc xác nhận từ ngày 7.4, hải quan Trung Quốc đã phát lệnh chính thức yêu cầu các doanh nghiệp nhập khẩu trả lại than đến từ Triều Tiên. Đây được cho là thông điệp của Bắc Kinh đến Washington và các đồng minh rằng đã đến lúc thương lượng để tìm giải pháp cho vấn đề tên lửa, hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Đưa Triều Tiên trở lại bàn đàm phán với Mỹ là nhiệm vụ cấp bách mà Trung Quốc đang phải đối mặt sau cuộc gặp thượng đỉnh hồi tuần rồi giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Donald Trump, giới quan sát nhận định. Hai nhà lãnh đạo này đã không đạt được bất cứ đột phá nào trong vấn đề phủ bóng cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên hồi tuần trước. Trong vòng chưa đầy một tháng qua, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã 2 lần bóng gió về những hành động cứng rắn, thậm chí là một “cuộc tấn công quân sự phủ đầu” đối với Bình Nhưỡng và Tổng thống Trump tuyên bố: “Nếu Trung Quốc không giải quyết vấn đề Triều Tiên thì chúng tôi sẽ làm”.
Dù vậy, như kênh Channel NewsAsia (Singapore) chỉ ra, việc ông Trump leo thang đe dọa Triều Tiên là một canh bạc đầy rủi ro. Thứ nhất, sẽ sai lầm nếu cho rằng việc tăng sức ép sẽ khiến Triều Tiên giao nộp kho vũ khí hạt nhân. Thậm chí thực tế đã chứng minh càng bị dồn nén Bình Nhưỡng càng quyết liệt hơn với chương trình hạt nhân. Thứ hai, sẽ là suy nghĩ thiếu sáng suốt nếu cho rằng Mỹ có thể ép được Trung Quốc từ bỏ nước láng giềng Triều Tiên. Bắc Kinh lâu nay luôn xem Bình Nhưỡng là “vùng đệm” giữa biên giới mình và Seoul - một đồng minh thân cận của Washington.
Hơn nữa, chính quyền Tổng thống Trump không dễ nắm chắc phần thắng nếu ra tay “tấn công phủ đầu Triều Tiên”. Bởi chỉ cần sót lại một phần nào đó trong kho vũ khí bí ẩn và khó lường của Bình Nhưỡng sau cuộc tấn công cũng khiến 60.000 lính Mỹ ở Đông Bắc Á và các đồng minh Nhật Bản, Hàn Quốc bị đe dọa nghiêm trọng.
Theo Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ tại Trường ĐH Phục Đán, ông Ngô Tâm Bá, bất chấp lời đe dọa của Mỹ, những nỗ lực thúc đẩy đàm phán vẫn là một ưu tiên với vai trò quan trọng của Bắc Kinh. “Vẫn nhiều khả năng là chính quyền của ông Trump sẽ không hành động đơn phương trước những nỗ lực ngoại giao quan trọng” - ông Ngô nhận định cũng như cho rằng ông chủ Nhà Trắng dường như vẫn chờ đợi một thỏa thuận với Bình Nhưỡng. Chuyên gia này nói thêm dù quan hệ đã có phần xấu đi trong những năm gần đây sau khi Trung Quốc quyết định ủng hộ lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc đối với Triều Tiên, Bắc Kinh vẫn có các kênh liên lạc với chính quyền quốc gia đồng minh này.
Theo NLĐ