Viện cớ đối phó Triều Tiên, Nhật thăm dò phản ứng về sở hữu năng lực tấn công
Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng liên quan tới một loạt động thái thử tên lửa và hạt nhân gần đây của Triều Tiên, đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền của Nhật Bản đang nỗ lực thúc giục chính phủ tăng cường khả năng phòng thủ tên lửa, một động thái theo giới phân tích được xem là phép thử phản ứng của người dân cũng như các cường quốc trong khu vực về việc Tokyo sở hữu năng lực tấn công.
Các tàu chiến của Nhật Bản trong cuộc duyệt hạm năm 2012 (Ảnh: Reuters).
Bất chấp thỏa thuận giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sau cuộc hội đàm cấp nguyên thủ tại bang Florida hồi tuần trước về việc tăng cường phối hợp kiểm soát Triều Tiên, nhiều đồn đoán cho rằng Bình Nhưỡng có khả năng sắp tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ sáu và tiếp tục phóng thử tên lửa đạn đạo trong một nỗ lực nhằm cải thiện năng lực hạt nhân và tên lửa của mình.
Trước làn sóng dư luận trên, LDP đã đề xuất chính phủ "xem xét ngay lập tức" việc triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis Ashore và các loại quân dụng hiện đại khác cũng như sở hữu năng lực tấn công nhằm vào căn cứ đối phương, chẳng hạn như tên lửa hành trình, để phòng ngừa Triều Tiên.
Các nghị sĩ LDP phụ trách các vấn đề an ninh cho biết, họ đang được đặt trong tình trạng báo động cao sau vụ phóng thử đồng loạt 4 tên lửa đạn đạo của Triều Tiên hôm 6.3, với 3 trong số đó đã rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản trên Biển Nhật Bản, và sau tuyên bố của Bình Nhưỡng rằng hành động trên là một cuộc diễn tập mô phỏng một vụ tấn công nhằm vào căn cứ quân sự của Mỹ tại Nhật Bản.
Ngay lập tức, Trung Quốc đã lên tiếng chỉ trích đề xuất trên, bày tỏ quan ngại về việc tăng cường quân sự của Nhật Bản cũng như khả năng Tokyo sử dụng những biện pháp như vậy để chống lại Bắc Kinh.
"Trung Quốc phản đối mọi hành động của Nhật Bản sử dụng vấn đề tên lửa của Triều Tiên như một cái cớ làm tổn hại tới an ninh của các nước khác cũng như ổn định của khu vực" - phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm nói.
Trong khi đó, các quan chức và chuyên gia Mỹ có vẻ ủng hộ lời kêu gọi trên của LDP.
"Mỹ hoan nghênh và mong muốn Nhật Bản sở hữu năng lực tự phòng vệ và có thể đóng góp nhiều hơn cho những nỗ lực của khu vực nhằm đối phó với mối đe dọa tên lừa từ Triều Tiên" - ông Brad Glosserman, Giám đốc điều hành của Diễn đàn Thái Bình Dương, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược CSIS, cho hay.
Tuy nhiên, ông Glosserman nhấn mạnh, việc sở hữu THAAD và những quân dụng sử dụng cho tấn công mang ý nghĩa hoàn toàn khác nhau. Trong khi THAAD mang tính chất phòng vệ, các lựa chọn khác mang tính chất tấn công. Những lựa chọn mang tính chất tấn công như trên sẽ làm gia tăng nguy cơ leo thang thành một cuộc khủng hoảng trong khu vực.
Đô đốc Scott Swift, Chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, nói rằng ông không ngạc nhiên khi Nhật bàn về việc tăng cường năng lực tấn công trước mối đe dọa ngày càng tăng từ chương trình tên lửa và vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Nếu Nhật Bản quyết định lựa chọn việc tăng cường năng lực tấn công thì sẽ không khó để cho Mỹ có những điều chỉnh thích hợp.
Theo đề xuất của LDP, việc sở hữu năng lực tấn công nhằm "tăng cường khả năng ngăn chặn và đối phó của liên minh Nhật-Mỹ" chống lại mối đe dọa Triều Tiên.
Đề xuất không kêu gọi sở hữu năng lực tấn công phủ đầu, mà nói đúng hơn là năng lực đáp trả của Nhật Bản.
Trước đề xuất trên của LDP, Thủ tướng Abe cho tới giờ vẫn chưa có phát biểu trực tiếp nào liên quan tới vấn đề này, chỉ nói rằng ông nhận thấy một mối đe dọa ở cấp độ mới từ Triều Tiên rất nghiêm trọng và ông sẽ phối hợp với LDP để tìm cách đối phó.
Thường những cuộc thảo luận giữa Thủ tướng và LDP bàn về những vấn đề kiểu như vậy rất ít khi xảy ra, bởi vì trên thực tế các nghị sĩ không trình lên chính phủ những đề xuất mà chưa được Thủ tướng đồng thuận trước đó.
Vấn đề lớn nhất bây giờ là phản ứng của người dân Nhật Bản sẽ ra sao trước tham vọng của chính phủ về việc sở hữu năng lực tấn công.
Thủ tướng Abe từng gây ra chia rẽ sâu sắc trong dân chúng vào năm 2015 khi ký ban hành thành luật một dự thảo luật gây tranh cãi về việc cho phép lực lượng phòng vệ Nhật Bản bảo vệ Mỹ và các nước đồng minh quân sự khác khỏi một cuộc tấn công từ bên ngoài.
Hồng Hà (Theo Japan Times)