Công bố dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể
Chiều 12.4, Bộ GD-ĐT tổ chức họp báo công bố dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Đây là dự thảo đã điều chỉnh lần cuối cùng sau khi tiếp thu ý kiến của Hội đồng thẩm định.
GS Nguyễn Minh Thuyết, tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể
Có bốn nhóm môn học
Ở tất cả các bậc học đều được ban soạn thảo chương trình thiết kế với bốn nhóm môn học:
- Môn học bắt buộc là môn học mọi học sinh phải học;
- Môn học bắt buộc có phân hóa được thiết kế thành chủ đề, có chủ đề mọi học sinh phải học, có chủ đề học sinh được tự chọn theo nguyện vọng và điều kiện đáp ứng của cơ sở;
- Môn học tự chọn là môn học sinh được quyền lựa chọn phù hợp với sở thích, sở trường, định hướng nghề nghiệp;
- Môn học tự chọn bắt buộc là môn học học sinh bắt buộc phải lựa chọn trong nhóm các môn học quy định có tính định hướng nghề nghiệp ở lớp 11 và 12.
Hệ thống môn học trong dự thảo trên thực hiện giáo dục toàn diện, tích hợp ở các cấp tiểu học và THCS, thực hiện giáo dục phân hóa và tự chọn ở cấp THPT.
Theo đó, hệ thống môn học ở bậc giáo dục tiểu học gồm: Tiếng Việt, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục lối sống, Cuộc sống quanh ta, Tìm hiểu xã hội, Tìm hiểu tự nhiên, Tìm hiểu công nghệ (môn học bắt buộc); Thế giới công nghệ, Tìm hiểu tin học, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo (môn học bắt buộc có phân hóa); Tiếng dân tộc thiểu số (môn tự chọn).
Ngoài ra, bậc tiểu học còn có hoạt động tự học có hướng dẫn đối với học sinh học 2 buổi/ngày.
Bậc giáo dục THCS gồm có các môn học: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục công dân, Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý ( bắt buộc); Tin học, Công nghệ và Hướng nghiệp, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo (môn học bắt buộc có phân hóa); Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2 ( tự chọn).
Bậc giáo dục THPT, dự thảo chương trình xác định lớp 10 là lớp dự hướng nghề nghiệp, với các môn học gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Thiết kế và Công nghệ, Giáo dục quốc phòng và an ninh ( bắt buộc); Tin học, Giáo dục thể chất, Hoạt động nghệ thuật, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo (bắt buộc có phân hóa); Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2 (tự chọn).
Ở lớp 11, 12, tính chất phân hóa, định hướng nghề nghiệp sẽ rõ hơn bao gồm các môn học: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo (bắt buộc). Đối với nhóm môn học bắt buộc có phân hóa, học sinh chọn 3 môn và 1 chuyên đề học tập trong số các môn Giáo dục kinh tế và pháp luật, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Khoa học máy tính, Tin học ứng dụng, Thiết kế và Công nghệ, Mỹ thuật, Âm nhạc, Chuyên đề học tập. Ngoài ra, còn có các môn học tự chọn là Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2.
Nội dung giáo dục địa phương được tính toán thời lượng khoảng 2 tuần/năm học. Theo quy định của chương trình, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức xây dựng, thẩm định nội dung giáo dục văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế, môi trường, hướng nghiệp,... của địa phương và báo cáo Bộ GD-ĐT phê duyệt.
Đối với lớp 11 và lớp 12, nội dung giáo dục địa phương có thể được xây dựng thành chuyên đề học tập cho học sinh tự chọn.
Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, nhưng môn học mới trong hệ thống môn học này không chỉ khác về tên gọi mà còn khác cả nội hàm. Sự khác biệt so với chương trình hiện hành là nội dung môn học sẽ gần gũi, thiết thực, tăng tính thực hành, ứng dụng.
Ba loại hoạt động
GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết trong dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đưa ra ba loại hoạt động: hoạt động khám phá vấn đề, hoạt động luyện tập và hoạt động thực hành (ứng dụng những điều đã học để phát hiện và giải quyết những vấn đề có thực trong đời sống).
Các hoạt động được thực hiện với sự hỗ trợ của đồ dùng học tập và công cụ khác, đặc biệt là công cụ tin học và các hệ thống tự động hóa của kỹ thuật số.
Các hoạt động học tập nói trên được tổ chức trong và ngoài khuôn viên nhà trường thông qua một số hình thức chủ yếu sau: học lý thuyết; thực hiện bài tập, thí nghiệm, trò chơi, đóng vai, dự án nghiên cứu; tham gia xêmina, tham quan, cắm trại, đọc sách; sinh hoạt tập thể, hoạt động phục vụ cộng đồng.
Tùy theo mục tiêu cụ thể và mức độ phức tạp của hoạt động, học sinh được tổ chức làm việc độc lập, làm việc theo nhóm hoặc làm việc chung cả lớp. Tuy nhiên, dù làm việc độc lập, theo nhóm hay theo đơn vị lớp, mỗi học sinh đều phải được tạo điều kiện để tự mình thực hiện nhiệm vụ học tập và trải nghiệm thực tế.
Khuyến khích học sinh tự phát hiện năng lực bản thân
Một trong những trọng tâm của đổi mới chương trình phổ thông chính là sự thay đổi về phương pháp giáo dục.
Lấy người học là trung tâm, giáo viên sẽ đóng vai trò tổ chức, hướng dẫn và tạo những tình huống có vấn đề để khuyến khích học sinh tích cực tham gia vào các hoạt động học tập.
Bằng sự tự nguyện của bản thân, chính học sinh sẽ tự khám phá, phát hiện năng lực của bản thân, rèn luyện khả năng tự học, phát huy những kiến thức, kỹ năng đã tích lũy được để phát triển.
Để giúp học sinh tích cực tham gia các hoạt động giáo dục, tăng cường trải nghiệm các công cụ tin học và các hệ thống tự động hóa của kỹ thuật số sẽ được đưa vào nhà trường.
Đặc biệt, không chỉ khuôn gói trong giờ học trên lớp, các hoạt động học tập còn được mở rộng ra ngoài khuôn viên nhà trường, tạo cơ hội cho học sinh bên cạnh việc học lý thuyết, làm bài tập, thực hành..., còn được tham quan, cắm trại, đọc sách, tham gia các sinh hoạt tập thể, hoạt động phục vụ cộng đồng.
Việc tổ chức học tập, vì thế, cũng đa dạng hơn: học sinh được tổ chức làm việc độc lập, làm việc theo nhóm hoặc làm việc chung cả lớp. Tuy nhiên, theo ban soạn thảo chương trình, dù làm việc độc lập, theo nhóm hay theo đơn vị lớp, mỗi học sinh đều phải được tạo điều kiện để tự mình thực hiện nhiệm vụ học tập và trải nghiệm thực tế.
Xét tốt nghiệp: Sẽ chỉ là việc của cấp trường
Đây là điểm mới đặc biệt trong dự thảo chương trình.
Theo đó, trong tương lai, để được cấp bằng tốt nghiệp THPT, học sinh không phải trải qua kỳ thi THPT quốc gia như hiện nay mà việc xét tốt nghiệp sẽ phụ thuộc vào việc đánh giá định kỳ do chính trường THPT tổ chức thực hiện.
Học sinh hoàn thành các môn học, tích lũy đủ kết quả đánh giá theo quy định của Bộ GD-ĐT được cấp bằng tốt nghiệp THPT.
Riêng việc đánh giá trên diện rộng cấp quốc gia, cấp địa phương sẽ chỉ được thực hiện để phục vụ công tác quản lý các hoạt động dạy học, phát triển chương trình và nâng cao chất lượng giáo dục.
Các kỳ đánh giá diện rộng này sẽ được tổ chức bởi các tổ chức kiểm định chất lượng cấp quốc gia hoặc cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Ngoài hai hình thức này, dự thảo cũng đề cập đến việc đánh giá thường xuyên, do giáo viên phụ trách môn học tổ chức thực hiện. Việc đánh giá này sẽ dựa trên kết quả đánh giá của giáo viên, của phụ huynh học sinh, của bản thân học sinh được đánh giá và của các học sinh khác trong tổ, trong lớp.
Thực tế, riêng đối với việc đổi mới đánh giá kết quả giáo dục và xét tốt nghiệp THPT, lãnh đạo Bộ GD- ĐT cũng đã chủ động phân công Vụ Giáo dục Trung học chủ trì, phối hợp với Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Ban Phát triển Chương trình giáo dục phổ thông nghiên cứu, đề xuất lộ trình thực hiện khi cấp THPT triển khai chương trình mới.
Theo VĨNH HÀ - NGỌC HÀ (TTO)