Nghiên cứu đột phá trong điều trị HIV/AIDS: Tạo tế bào kháng thể HIV
Các nhà khoa học Mỹ đang nỗ lực tạo ra bước đột phá lớn trong nghiên cứu điều trị HIV/AID bằng cách tạo ra một tế bào kháng thể HIV.
Vi-rút HIV dưới kính hiển vi điện tử.
Phương pháp mới này là tạo ra một "chủng ngừa tế bào" có khả năng kháng vi-rút HIV bằng cách gắn các kháng thể chống HIV vào các thụ thể bề mặt tế bào CD4.
Sau khi được gắn vào các tế bào miễn dịch, kháng thể chống HIV sẽ tạo ra một quần thể tế bào ngăn chặn vi-rút HIV tiếp xúc với thụ thể CD4 và từ đó ngăn các vi-rút HIV lây lan.
Kết quả thí nghiệm cho thấy, các tế bào kháng HIV sẽ thay thế các tế bào bị bệnh, trong khi các kháng thể bám chặt trên bề mặt của những tế bào này và bảo vệ chúng khỏi vi-rút HIV.
Các nhà khoa học khẳng định, phương pháp mới này đã được chứng minh hiệu quả hơn nhiều so với các phương pháp điều trị thông thường bằng cách thả nổi tự do các kháng thể.
Mục tiêu của phương pháp là giúp kiểm soát sự phát triển của vi-rút HIV đối với những bệnh nhân mắc AIDS mà không cần dùng tới các loại thuốc điều trị khác.
Hiện các nhà nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Scripps (bang California, Mỹ) đang phối hợp với các nhà khoa học của Trung tâm City the Hope về Trị liệu Gen (Mỹ) để đánh giá phương pháp mới trên và tiến hành thêm các cuộc thử nghiệm trước khi thực hiện thử nghiệm trên cơ thể bệnh nhân.
Vi-rút HIV lây truyền qua chất dịch trong cơ thể người bệnh. Chúng tấn công hệ thống miễn dịch, đặc biệt là các tế bào CD4. Sau một khoảng thời gian nào đó, vi-rút HIV sẽ phá hủy nhiều tế bào khác khiến người bệnh không còn khả năng chống chọi với sự lây nhiễm.
Nếu không được điều trị, vi-rút HIV sẽ gây ra căn bệnh AIDS (Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải).
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, trên thế giới có khoảng 36,7 triệu người nhiễm HIV vào cuối năm 2015.
Hồng Hà (Theo CNA)