Xử lý vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ
Trên địa bàn tỉnh có 5 tuyến quốc lộ (QL) đi qua với tổng chiều dài gần 300 km và 12 tuyến tỉnh lộ với chiều dài 455 km. Thời gian qua, vấn nạn lấn chiếm hành lang an toàn giao thông (HLATGT) trên các tuyến QL, tỉnh lộ diễn ra ngày càng phức tạp, gây mất ATGT. Ngành GTVT tỉnh đang nỗ lực phối hợp với các địa phương xử lý tình trạng này.
Vi phạm tràn lan, nguy cơ mất an toàn cao
Theo Sở GTVT, để đảm bảo an toàn cho các phương tiện khi tham gia giao thông, ở các tuyến QL, tỉnh lộ, ngành chức năng đều bố trí HLATGT. Hành lang này nhằm mục đích mở rộng tầm nhìn cho người tham gia giao thông, tạo độ thoáng cần thiết và cũng là vị trí tránh nạn tạm thời trong trường hợp cần xử lý gấp khi đang tham gia giao thông... Tuy nhiên, thời gian qua, cùng với quá trình đô thị hóa, tình trạng lấn chiếm, xây dựng các công trình trái phép trong HLATGT đường bộ xảy ra khá phổ biến, tập trung nhiều nhất trên các tuyến QL, tỉnh lộ.
Lực lượng chức năng xử lý các trường hợp vi phạm HLATGT trên QL1 đoạn qua địa bàn Hoài Nhơn. Ảnh: NGUYỄN HÂN
Theo thống kê sơ bộ của ngành chức năng, trên các tuyến QL chạy qua địa bàn tỉnh có đến hàng ngàn trường hợp vi phạm HLATGT. Việc đấu nối giữa các tuyến đường ngang, đường dân sinh với QL cũng hết sức tùy tiện, hầu như không có đường gom dân sinh, gây mất ATGT. Ở 12 tuyến tỉnh lộ, theo thống kê cũng có đến hàng ngàn trường hợp vi phạm, diện tích vi phạm chưa thống kê một cách cụ thể được. Tuy nhiên, HLAT ở nhiều tuyến tỉnh lộ đã bị xâm hại nghiêm trọng, nhà cửa đã “chồm” hết ra lề đường. Đối tượng vi phạm là các hộ dân sinh sống, kinh doanh, buôn bán dọc hai bên đường.
Không chỉ lấn chiếm hành lang đường bộ, thậm chí trên nhiều đoạn tuyến người dân còn chiếm dụng luôn cả lòng lề đường để biến đường thành “sân phơi” lúa, rơm rạ, nông sản; làm bãi tập kết nguyên vật liệu xây dựng, nguyên vật liệu cho các xưởng sản xuất đồ gỗ, thậm chí có trường hợp cố tình xây dựng trái phép các công trình dân sinh, làm cột điện trên HLATGT.
Ông Trần Thái Hòa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đường bộ III.2 thuộc Cục Quản lý đường bộ III (Tổng cục Đường bộ Việt Nam), cho biết: Trong năm 2016 và 3 tháng đầu năm nay, chi cục đã phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra, tháo dỡ 1.180 trường hợp dựng pano, áp phích, mái hiên, tường rào, lều quán… vi phạm HLATGT; bắt buộc các hộ gia đình di dời, giải tỏa trên 650 điểm rửa xe, điểm tập kết hàng hóa, nhóm chợ trái phép dọc theo tuyến QL1, QL19, QL1D… Mặc dù rất nỗ lực nhưng trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Thanh tra đường bộ lại không thể giải quyết dứt điểm, triệt để các trường hợp lấn chiếm vi phạm HLATGT đường bộ. Bởi việc thực hiện xử lý các biên bản vi phạm, chống lấn chiếm, cưỡng chế dỡ bỏ các trường hợp vi phạm để giải tỏa hành lang đường bộ lại thuộc về trách nhiệm của chính quyền địa phương.
Theo ông Hòa, để hạn chế tình trạng lấn chiếm hành lang đường bộ, chi cục đã tiến hành các biện pháp tuyên truyền, tổ chức ký trên 600 bản cam kết không lấn chiếm HLATGT đường bộ đến từng hộ dân, đồng thời lập biên bản các trường hợp vi phạm gửi về chính quyền địa phương để xử lý. Nhưng các biện pháp này không đủ tính răn đe nên tình trạng vi phạm HLATGT đường bộ vẫn diễn ra phổ biến trên tuyến QL.
Ông Trần Văn Ơi, Phó Chánh Thanh tra giao thông thuộc Sở GTVT, cho biết: “Sở dĩ, người dân có cơ hội lấn chiếm hành lang đường chính vì họ quản lý mặt bằng trước nhà 24/24 giờ, còn lực lượng thanh tra lại chỉ có mặt ở đó vài phút. Người dân đặt nặng tính tư lợi của mình. Trong khi đó, địa phương coi đây là công tác của lực lượng thanh tra giao thông nên chưa có sự phối hợp chặt chẽ và chủ động xử lý các trường hợp hộ dân ngay từ khi có dấu hiệu vi phạm. Mặt khác, những văn bản luật do Nhà nước và UBND tỉnh ban hành còn chưa rõ ràng, cụ thể nên đã gây khó khăn và lúng túng trong công tác xử lý”.
Xử lý thế nào?
Theo ông Trần Thái Hòa, để tăng cường hiệu quả công tác xử lý vi phạm HLATGT đường bộ, đơn vị thường xuyên tuyên truyền, thông tin đến người dân về những quy định của pháp luật trong vấn đề bảo vệ, sử dụng HLATGT. Thanh tra đường bộ cũng tăng cường tuần tra, kiểm soát, qua đó phát hiện, xử lý hàng trăm trường hợp vi phạm. Nhưng theo thẩm quyền, lực lượng Thanh tra giao thông chỉ có thể lập biên bản vi phạm hành chính. Còn chức năng xử phạt, thi hành và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt là của UBND cấp huyện, xã. Tuy nhiên, thời gian qua, chính quyền các địa phương chưa làm tròn trách nhiệm trong công tác quản lý sử dụng đất dành cho đường bộ, chưa kịp thời phát hiện, ngăn chặn, để xảy ra nhiều trường hợp lấn chiếm hành lang đường bộ. Chính quyền sở tại cũng chưa thật kiên quyết trong việc xử phạt các trường hợp lấn chiếm HLATGT; trong khi các quy định, mức xử phạt đối với hành vi này cũng chưa cao nên không đủ tính răn đe.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nói trên, Chi cục Quản lý đường bộ III.2 sẽ tăng cường phối hợp với Thanh tra giao thông tỉnh, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an tỉnh) và chính quyền các địa phương tiếp tục tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức của người dân về bảo vệ HLATGT đường bộ. Cùng với đó, chi cục đã xây dựng quy chế phối hợp giữa đơn vị với các ngành chức năng, chính quyền địa phương trong việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm. Theo đó, các đơn vị sẽ được phân công, phân nhiệm rõ ràng, từ đó nâng cao trách nhiệm trong phối hợp xử lý vi phạm lấn chiếm hành lang đường bộ, hạn chế việc đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Từng bước lập lại trật tự, kỷ cương pháp luật trong việc giữ gìn HLATGT; tạo sự thay đổi cơ bản về nhận thức của các tầng lớp nhân dân và toàn xã hội trong công tác quản lý, sử dụng và bảo vệ HLATGT đường bộ, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh.
NGUYỄN HÂN