Thành lập đơn nguyên Thận nhân tạo tại BVÐK khu vực Bồng Sơn: Ðáp ứng mong mỏi của người bệnh
Công tác chuẩn bị đang khẩn trương để đơn nguyên Thận nhân tạo của BVÐK khu vực Bồng Sơn sớm được hình thành. Ðây là công trình giàu ý nghĩa, đặc biệt với những người đang từng ngày gắn cuộc sống với máy chạy thận.
Hy vọng
Từ khi vào BVĐK tỉnh chạy thận năm 2011, vợ chồng ông Trần Văn Minh (85 tuổi, ở Hoài Thanh, Hoài Nhơn) trở thành người nhà của “xóm chạy thận”. Con cái đều đã có gia đình riêng, nên vợ chồng ông không vướng bận gì nhiều. Dù vậy, nỗi nhớ xóm làng, cháu con khiến ông Minh phải cố gắng thu xếp khoảng nghỉ giữa hai đợt chạy thận về quê hàng tuần. Đi về thường xuyên, nhiều nhà xe quen mặt, ông được hưởng “chế độ” giảm giá đặc biệt. Tuy nhiên, tính chung chi phí mua thuốc, đạm để truyền thêm, xe cộ đi về... mỗi tháng cũng mất đứt 6 triệu đồng. Nhờ có lương hưu, lại hưởng chế độ thương binh, vợ cũng được nhận tiền chế độ dành cho người có công, nên ông chưa đến nỗi chật vật như hầu hết những người ở khu lưu trú bệnh nhân chạy thận. Dù vậy, ông Minh vẫn rất mong chờ “dự án” ở quê nhà sớm thành hiện thực.
Bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại BVĐK tỉnh. Ảnh: V.TRANG
“Nếu ở BVĐK khu vực Bồng Sơn mà có chạy thận thì quá tốt, tôi có thể đến viện chạy thận xong rồi về nhà nghỉ ngơi, chơi với con cháu, chi phí hàng tháng cũng sẽ giảm đáng kể”, ông Minh kỳ vọng.
Ở cách giường ông Minh vài bước chân là ông Lý Thành Trung (55 tuổi, ở thị trấn Tăng Bạt Hổ, Hoài Ân). Phát hiện bị sỏi thận từ năm 2011, sau 3 năm chạy chữa ở TP Hồ Chí Minh tình hình không thuyên giảm, từ năm 2014, ông Trung phải “gắn bó” với máy chạy thận mỗi tuần 3 lần, sau khi được chẩn đoán là suy thận mãn. Nhà neo người, hai vợ chồng ở khu lưu trú bệnh nhân chạy thận, chỉ còn bà mẹ ông Trung năm nay đã 93 tuổi, mắt mũi kèm nhèm ở nhà một mình.
“Ở suốt trong này, tôi phải nhờ bà chị gần đó hàng ngày qua lo cơm nước cho bà cụ, chớ không còn cách nào khác. Mỗi tuần, bà xã lại tranh thủ thu xếp về dọn dẹp nhà cửa rồi lại khăn gói vào Quy Nhơn. Tôi thì khoảng một tháng mới về nhà một lần, phải chờ khi sức khỏe thật ổn mới dám đi, không thì nguy hiểm lắm. Con cái giờ đi làm ăn xa cũng không phụ giúp được gì, thi thoảng chúng gửi ít tiền về để thuốc thang, chứ mỗi tháng tính sơ sơ cũng “đứt” vài triệu bạc. Nghe nói sắp tới BVĐK khu vực Bồng Sơn thành lập đơn nguyên chạy thận, tôi thấy cũng khấp khởi, chỉ mong điều đó sớm thành hiện thực, để vợ chồng tôi còn có thể ở nhà thường xuyên, chăm sóc mẹ già”, ông Trung tâm sự.
Một công trình nhân văn
Đó chỉ là 2 trong số 57 bệnh nhân ở 4 huyện Hoài Nhơn, Hoài Ân, Phù Mỹ, An Lão phải gắn đời mình với máy chạy thận tại khoa Nội thận - Lọc máu (BVĐK tỉnh). Nỗi đau đớn về thể xác, những vất vả trong hành trình bám trụ với cuộc sống thật không dễ đong đếm được. Thế nên, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn Trương Đề cho rằng, thành lập đơn nguyên Thận nhân tạo tại BVĐK khu vực Bồng Sơn là việc làm hết sức cấp bách.
“Đó là một công trình mang đậm tính nhân văn. Tôi đã từng chứng kiến người bệnh ở Tam Quan Bắc vừa chạy thận về thì lên cơn tăng huyết áp, phải vào TTYT huyện Hoài Nhơn cấp cứu, chưa được nghỉ ngơi gì đã vượt hơn 100 cây số quay trở lại BVĐK tỉnh. Những trường hợp như thế rất nhiều”, người từng là Giám đốc TTYT huyện Hoài Nhơn chia sẻ.
Trong buổi làm việc với BVĐK khu vực Bồng Sơn vào giữa tháng 3.2017, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh cũng nhấn mạnh ý nghĩa đặc biệt của công trình này, dù kinh phí phải bỏ ra không nhiều. Đồng thời, yêu cầu Sở Y tế tích cực phối hợp với chính quyền địa phương khẩn trương hoàn thành các công đoạn chuẩn bị cần thiết để đơn nguyên này đi vào hoạt động sớm nhất có thể.
Máy chạy thận nhân tạo phục vụ cho đơn nguyên Thận nhân tạo tại BVĐK khu vực Bồng Sơn sẽ được chuyển giao từ BVĐK tỉnh; 2 bác sĩ, 4 điều dưỡng cũng được đào tạo chuyên môn sâu tại BVĐK tỉnh để phục vụ tại đơn nguyên này. Theo Giám đốc BVĐK khu vực Bồng Sơn Lê Thân, khu chạy thận nhân tạo sẽ được xây mới. Tổng chi phí thực hiện khoảng 2,5 tỉ đồng, trong đó, huyện Hoài Nhơn hỗ trợ 1 tỉ đồng. “Phần Bệnh viện phải đảm bảo hơn 1 tỉ đồng. Dù khó khăn đến mấy cũng phải quyết tâm làm ngay”, bác sĩ Thân khẳng định.
V.TRANG - L.CƯỜNG