Đừng chủ quan với bệnh viêm bàng quang
Bàng quang là một cơ quan thuộc hệ thống tiết niệu có chức năng chứa nước tiểu trước khi thải ra ngoài. Viêm bàng quang cấp là tình trạng nhiễm khuẩn cấp tính tại bàng quang.
BN có triệu chứng đái buốt, đái rắt, có thể đái ra máu hoặc đái ra mủ ở cuối bãi. Bệnh thường gặp ở nữ với tỉ lệ nữ/nam ≈ 9/1. Bệnh thường hay gặp ở phòng khám ngoại trú, trường hợp nặng bệnh nhân (BN) mới cần nhập viện. Trung bình mỗi năm Trung tâm Y tế TP Quy Nhơn điều trị cho khoảng 1.000 BN bị viêm bàng quang cấp trong đó chỉ khoảng 10% cần điều trị nội trú.
Viêm bàng quang hay gặp ở phụ nữ do niệu đạo phụ nữ ngắn hơn nam giới, vi khuẩn dễ xâm nhập từ ngoài vào bàng quang hơn. Trong đó, nhóm dễ mắc bệnh là: phụ nữ đang mang thai, không đảm bảo vệ sinh trong sinh hoạt tình dục, sử dụng màng tránh thai tại chỗ, phụ nữ giai đoạn mãn kinh.
Ngoài ra còn có yếu tố nguy cơ chung cho cả hai giới là: sỏi bàng quang, suy giảm miễn dịch (tiểu đường, lao, nhiễm HIV...), đặt sond tiểu lâu ngày. Nam giới bị u xơ tiền liệt tuyến cũng dễ bị viêm bàng quang.
Các triệu chứng thường gặp của viêm bàng quang cấp: Bệnh nhân thường có sốt nhẹ, mệt mỏi, cảm giác căng tức vùng hạ vị. BN có cảm giác muốn đi tiểu nhiều lần, mỗi lần ít nước tiểu (tiểu rắt), nóng rát khi đi tiểu (tiểu buốt). Có thể tiểu ra máu hoặc tiểu đục (có tế bào mủ), nước tiểu đục. Ở trẻ em có thể có tiểu dầm kể cả ban ngày. Trường hợp nặng BN có thể sốt cao, ớn lạnh, nôn mửa, đau một bên hông do nhiễm trùng lan lên thận - niệu quản.
Viêm bàng quang cấp nếu không được điều trị sẽ dẫn đến các biến chứng: Nhiễm trùng ngược dòng: vi khuẩn ngược dòng bàng quang đi lên niệu quản - thận gây viêm thận - bể thận lúc này lâm sàng sẽ nặng nề: sốt cao, đau vùng hông lưng, nôn mửa, dấu hiệu nhiễm trùng - nhiễm độc. Trong trường hợp viêm bàng quang xuất huyết, nếu kéo dài sẽ gây tình trạng thiếu máu, có thể phải truyền máu. Viêm bàng quang cấp nếu kéo dài hoặc tái phát nhiều lần sẽ để lại nhiều sẹo xơ trong lòng bàng quang, lúc này bệnh chuyển sang mạn tính.
Khi có các triệu chứng: tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu máu, tiểu đục hoặc tiểu dầm ở trẻ em, nên đưa BN đi khám, lúc đó BS sẽ chỉ định xét nghiệm nước tiểu và siêu âm hệ tiết niệu sẽ chẩn đoán bệnh và các yếu tố nguy cơ đi kèm (sỏi, u bàng quang, u xơ tiền liệt tuyến…). Nói chung chẩn đoán viêm bàng quang cấp trong đa số trường hợp là dễ dàng.
Phòng bệnh viêm bàng quang cấp cần phải: Đảm bảo vệ sinh trong sinh hoạt tình dục. Uống đủ nước và không nhịn tiểu quá lâu. Sử dụng đúng cách các dung dịch khử mùi hoặc dung dịch vệ sinh phụ nữ. Tránh các chất uống kích thích như rượu, bia, đồ uống có cồn, ăn nhiều hoa quả tươi, luyện tập nâng cao sức đề kháng. Vô trùng khi đặt sond tiểu. Những người đã bị bệnh viêm bàng quang cần điều trị dứt điểm viêm bàng quang cấp lần đầu tiên với kháng sinh và thời gian phù hợp. Những người đã bị viêm bàng quang nên tắm vòi hoa sen thay vì tắm bồn.
BS. BÀNH QUANG KHẢI (Trưởng khoa Nội TTYT TP Quy Nhơn)