Ðồng cảm và chia sẻ!
Trong vòng nửa tháng qua, người dân liên tiếp đón nhận những thông tin không vui với việc tăng giá của một số hàng hóa quan trọng.
Đầu tiên là vào ngày 17.7, đúng vào lúc dân tình cả nước đang náo nức đón xem một đội bóng hàng đầu giải ngoại hạng Anh lần đầu tiên sang thi đấu tại Việt Nam, thì giá xăng được công bố tăng. Đây là lần thứ 3 xăng tăng giá tính từ ngày 14.6 đến thời điểm này.
Tiếp đến là ngày 31.7, Bộ Công thương vừa ban hành thông tư quy định giá bán điện, thì lập tức vào tối cùng ngày, Tập đoàn Điện lực Việt Nam thông báo giá bán điện tăng khoảng 5% so với giá đang áp dụng. Cùng thời điểm giá ga cũng được thông báo là tăng thêm 8.000 đồng/bình.
Có thể thấy điện, xăng dầu, ga đều là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, là đầu vào của nhiều ngành sản xuất và dịch vụ. Vì có tính “nhạy cảm” như thế nên việc tăng giá của các mặt hàng này luôn có tác động rất lớn đến đời sống xã hội. Chẳng hạn với việc tăng giá điện, theo tính toán với hộ gia đình sử dụng điện khoảng 400 kWh/tháng, thì mỗi tháng sẽ phải trả thêm khoảng 37.200 đồng; còn với ngành sản xuất, kinh doanh sử dụng nhiều điện năng như sản xuất thép, xi măng, cơ khí chế tạo… thì mức độ tác động sẽ rất lớn. Còn với việc tăng giá xăng dầu thì điều hiển nhiên là giá cước vận tải tăng và kéo theo giá cả các loại hàng hóa khác cũng sẽ tăng theo vì phải gánh thêm chi phí vận chuyển.
Vẫn biết chuyện tăng giá điện hay giá xăng dầu cũng là chuyện bình thường của thị trường hàng hóa dịch vụ, thậm chí là chuyện chẳng thể đặng đừng. Nhưng vấn đề người dân âu lo là việc tăng giá của ba mặt hàng quan trọng, và hết sức “nhạy cảm” này lại xảy ra cùng thời điểm người dân và doanh nghiệp đang gồng mình chống đỡ với rất nhiều khó khăn do kinh tế chưa phục hồi, thu nhập và đời sống của số đông người lao động, người làm công ăn lương đang hết sức khó. Vì vậy, việc tăng giá dồn dập như vậy sẽ làm cho hầu bao của số đông dân cư vốn đã bé lại càng thêm bé vì mặt bằng giá cả tăng thêm, đời sống vì thế chắc chắn sẽ sụt giảm hơn nữa (!).
Những khó khăn nói trên không phải là mới, vấn đề người dân mong muốn là Chính phủ và các bộ ngành đồng cảm và chia sẻ với những khó khăn của người dân, từ đó có sự tính toán hợp lý, cân nhắc kỹ càng việc thực hiện lộ trình tăng giá các mặt hàng Nhà nước quản lý. Cần giãn cách lộ trình tăng giá để tạo sự ổn định cho hoạt động sản xuất kinh doanh và nhất là bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động, người làm công ăn lương, tránh gây nên những xáo động quá lớn cho đời sống xã hội.
Mặt khác, các cơ quan quản lý và các đơn vị có trách nhiệm liên quan cần làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền giải thích rõ ràng minh bạch các vấn đề có liên quan đến việc điều chỉnh giá đối với các mặt hàng “nhạy cảm”, có tác động lớn đến nhiều mặt của đời sống xã hội, nhằm tạo sự đồng thuận, thông cảm và chia sẻ của người dân đối với việc tăng giá hàng hóa. Cần tránh việc không giải thích thấu đáo, gây ra nhiều băn khoăn cho dư luận xã hội như việc tăng giá điện vừa rồi!
Văn Nhân