Lĩnh vực dầu mỏ và hàng không của Triều Tiên có thể là mục tiêu cấm vận của Mỹ
Hãng tin Reuters dẫn lời quan chức Mỹ cho hay, mặc dù Mỹ điều lực lượng hải quân đến bán đảo Triều Tiên, nhưng chính quyền của Tổng thống Donald Trump sẽ tập trung vào các biện pháp trừng phạt kinh tế cứng rắn đối với Bình Nhưỡng, như cấm vận dầu mỏ, hàng không, tàu chở hàng hay trừng phạt các ngân hàng Trung Quốc làm ăn với nước này.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un kiểm tra một cơ sở sản xuất nấm ở nước này.
Theo một quan chức Mỹ giấu tên, ông Trump đã thông qua giải pháp sơ bộ đối với vấn đề Triều Tiên. Hiện đội ngũ cố vấn an ninh của ông chịu trách nhiệm soạn thảo bộ khung chi tiết đối với các biện pháp trừng phạt mới, nhằm đối phó với chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.
Theo đó, một số biện pháp có thể thực hiện đơn phương, còn những giải pháp khác có thể được thông qua Liên Hợp Quốc, nơi Trung Quốc có quyền phủ quyết.
Về khả năng tấn công quân sự, mặc dù quan chức Mỹ khẳng định phương án này vẫn được tính đến, nhưng một vụ tấn công phủ đầu nhằm vào Triều Tiên chỉ là giải pháp cuối cùng. Ít nhất cho đến nay thì chính quyền của ông Trump vẫn hướng đến các biện pháp kinh tế và ngoại giao.
Các biện pháp trừng phạt kinh tế của Liên Hợp Quốc đối với Bình Nhưỡng có thể là cấm xuất khẩu dầu sang nước này, hoặc cấm hãng hàng không Air Koryo (Triều Tiên) hoạt động trên toàn cầu. Ngoài ra, Liên Hợp Quốc cũng có thể mở rộng lệnh cấm Triều Tiên xuất khẩu than.
Một bước đi khác cũng có thể là lệnh cấm Triều Tiên xuất khẩu hải sản, cũng như phong toả tài sản của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và gia đình ông này.
Mặc dù ông Trump nhấn mạnh đến sự nồng ấm trong quan hệ với Trung Quốc, nhưng Tổng thống Mỹ vẫn cảnh báo ông Tập Cận Bình về các biện pháp trừng phạt nhằm vào các ngân hàng và công ty Trung Quốc giao dịch với Triều Tiên, nếu Bắc Kinh không có biện pháp xử lý.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích cẩn trọng cho rằng, việc Mỹ nhắm vào các thực thể của Trung Quốc, với cái gọi là “các biện pháp trừng phạt thứ cấp”, có thể phản tác dụng và khiến Bắc Kinh không muốn hợp tác. Ngoài ra, việc đối phó với một quốc gia đã có sẵn vũ khí hạt nhân cũng cần phải khác với việc xử lý quốc gia đang tìm cách có vũ khí hạt nhân.
Trong khi đó, Trung Quốc cũng bắt đầu tỏ thái độ cứng rắn với Triều Tiên. Hôm 12.4, truyền thông nước này cảnh báo, Triều Tiên nên ngừng các hoạt động thử tên lửa và hạt nhân “vì an ninh của mình”, một động thái ám chỉ đến lực lượng hải quân Mỹ đang hiện diện ở bán đảo Triều Tiên.
Lê Quảng (theo Reuters)