WHO: 2 tỷ người trên thế giới đang uống nước ô nhiễm
Báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố hôm nay (13.4) cho biết, 2 tỷ người trên thế giới đang phải sử dụng nguồn nước uống bị ô nhiễm.
Trẻ em Afghanistan dùng quần áo để bắt cá trên suối. Nguồn cung cấp nước ở Afghanistan rất hạn chế. Có tới 10% trẻ em nước này bị thiệt mạng do những căn bệnh liên quan tới nguồn nước.
Nguồn nước uống bị ô nhiễm là nguyên nhân khiến con người có nguy cơ bị tiêu chảy, lỵ, thương hàn và nhiễm khuẩn.
Mỗi năm ước tính có hơn 500.000 người trên thế giới tử vong vì tiêu chảy do uống phải nguồn nước ô nhiễm. Nước ô nhiễm cũng là yếu tố chính dẫn tới một số bệnh nhiệt đới bị lãng quên như ký sinh trùng đường ruột, sán máng, mắt hột.
Nó cũng là nguyên dẫn dẫn tới cái chết của hàng trăm ngàn người mỗi năm.
Báo cáo nhấn mạnh tới sự cần thiết phải đảm bảo cho con người được tiếp cận nước uống sạch và vệ sinh môi trường. Và để làm được điều này đòi hỏi có sự đầu tư lớn hơn từ các chính phủ.
Năm 2015, Đại hội đồng Liên hiệp quốc đã thông qua Các mục tiêu phát triển bền vững, trong đó đặt ra một loạt mục tiêu cho việc xóa đói giảm nghèo và mang lại hạnh phúc cho con người, bao gồm cam kết đảm bảo cho người dân tiếp cận nước uống an toàn và vệ sinh môi trường vào năm 2030.
Tuy nhiên, báo cáo mới nhất của WHO cho hay, các nước sẽ không thể đạt được mục tiêu đề ra nếu không có sự đầu tư lớn hơn.
Dù thực tế các nước đều tăng ngân sách hàng năm dành cho các vấn đề về nước, vệ sinh và vệ sinh môi trường, với mức trung bình 4,9% mỗi năm trong vòng 3 năm qua.
Song, có tới 80% quốc gia thừa nhận rằng sự đầu tư của họ là vẫn chưa đủ lớn để đáp ứng các mục tiêu của chính phủ nhằm giúp người dân tiếp cận lớn hơn nguồn nước uống an toàn và vệ sinh môi trường.
Theo cảnh báo của WHO, tại nhiều nước đang phát triển, các mục tiêu quốc gia chủ yếu được xây dựng dựa trên nền tảng người dân tiếp cận được các cơ sở hạ tầng cơ bản. Điều này là vô cùng khó bởi vì không phải lúc nào các chính phủ cũng có thể cung cấp một cách liên tục các dịch vụ an toàn và chắc chắn.
Ngân hàng thế giới ước tính, đầu tư dành cho cơ sở hạ tầng của các nước cần phải tăng gấp 3 lần, tức ở mức 114 tỷ USD/năm (không bao gồm chi phí điều hành và bảo dưỡng) mới có thể đáp ứng được các mục tiêu quốc gia mà họ đề ra.
Hồng Hà (Theo AFP)