Điều kiện và thủ tục cấp giấy xác nhận an toàn PCCC trong hoạt động kinh doanh
Giám đốc Cảnh sát PP và CC tỉnh Bình Định, Đại tá Trần Ngọc Thanh, trả lời. Chương trình được phát trên sóng truyền hình của Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Định tối 11.3
Câu 1. Hướng dẫn về điều kiện và thủ tục cấp xác nhận đủ điều kiện an toàn PCCC để kinh doanh, hoạt động?
Trả lời:
Để đảm bảo điều kiện an toàn PCCC trong hoạt động kinh doanh, các cơ sở phải được cơ quan Cảnh sát PC và CC xác nhận bằng Giấy chứng nhận thẩm duyệt về PCCC (mẫu PC03 theo Thông tư số 66/2014/TT-BCA) hoặc Biên bản kiểm tra an toàn PCCC (mẫu PC05 theo Thông tư số 66/2014/TT-BCA) tùy theo từng đối tượng, tính chất, quy mô của cơ sở, cụ thể:
+ Đối với các đối tượng thuộc diện phải Thẩm duyệt thiết kế về PCCC và nghiệm thu về PCCC trước khi đưa vào hoạt động theo quy định tại Phụ Lục IV Nghị định 79/2014/NĐ-CP (chẳng hạn như: Trường học có khối tích từ 5.000m3 trở lên, nhà trẻ (nhà mẫu giáo) có từ 100 cháu trở lên, cơ sở y tế có từ 21 giường bệnh trở lên, rạp chiếu phim 300 chỗ ngồi, chợ cấp huyện, trung tâm thương mại (siêu thị) có diện tích kinh doanh 300m2 trở lên; Nhà chung cư cao 05 tầng trở lên; nhà đa năng, khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ cao từ 05 tầng trở lên hoặc có khối tích từ 5.000 m3 trở lên; vũ trường, cơ sở dịch vụ vui chơi giải trí đông người có khối tích từ 1.500 m3 trở lên; công trình công cộng khác có khối tích từ 1.000 m3 trở lên,...) thì cơ sở phải lập hồ sơ thẩm duyệt về PCCC, hồ sơ nghiệm thu về PCCC trình cơ quan Cảnh sát PC và CC thẩm duyệt. Thành phần và thủ tục hồ sơ thẩm duyệt thiết kế và nghiệm thu về PCCC được quy định tại Điều 15 và Điều 17 Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/07/2014.
+ Đối với các cơ sở khác (chẳng hạn như: Nhà trẻ (mẫu giáo) dưới 100 cháu, trung tâm thương mại (siêu thị) có diện tích kinh doanh dưới 300m2; Nhà chung cư cao dưới 05 tầng; nhà đa năng, khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ cao dưới 05 tầng hoặc có khối tích dưới 5.000 m3; vũ trường, karaoke cơ sở dịch vụ vui chơi giải trí đông người có khối tích dưới 1.500 m3; công trình công cộng khác có khối tích dưới 1.000 m3, tàu vận chuyển xăng dầu, xe vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp, xe vận chuyển Gas,…) có yêu cầu điều kiện về an toàn PCCC thì cơ sở phải làm Thông báo về việc bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy theo quy định tại Điều 9 Thông tư số 66/2014/TT-BCA ngày 16/12/2014. Công văn thông báo theo mẫu số PC06 Thông tư số 66/2014/TT-BCA. Thành phần hồ sơ kèm theo được quy định tại Khoản 1 Điều 7 và Khoản 1 Điều 10 Nghị định số 79/2014/NĐ-CP. Sau đó, Cơ quan Cảnh sát PC và CC sẽ tiến hành kiểm tra và xác nhận điều kiện an toàn PCCC trong biên bản kiểm tra an toàn PCCC theo mẫu PC05 Thông tư số 66/2014/TT-BCA.
Câu 2. Hiện tại tôi có mở 1 cửa hàng chuyên bán khí đốt hóa lỏng (LPG) và đã xin được giấy phép kinh doanh. Quý cơ quan hướng dẫn về thủ tục cấp giấy xác nhận điều kiện an toàn phòng cháy chữa cháy?
- Đối với cửa hàng chuyên bán khí đốt hóa lỏng (LPG - Liquefied Petroleum Gas – Khí dầu mỏ hóa lỏng) nếu có tổng lượng khí tồn chứa từ 70 kg trở lên thì phải được cơ quan Cảnh sát PC và CC thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và nghiệm thu về Phòng cháy và chữa cháy trước khi vào hoạt động kinh doanh. Thành phần và thủ tục hồ sơ thẩm duyệt thiết kế và nghiệm thu về PCCC được quy định tại Điều 15 và Điều 17 Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/07/2014.
- Đối với cửa hàng chuyên bán khí đốt hóa lỏng (LPG) nếu có tổng lượng khí tồn chứa dưới 70 kg trở xuống thì chủ cơ sở phải tiến hành Thông báo về việc bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy theo quy định tại Điều 9 Thông tư số 66/2014/TT-BCA ngày 16/12/2014. Sau đó, Cơ quan Cảnh sát PC và CC sẽ tiến hành kiểm tra và xác nhận điều kiện an toàn PCCC trong biên bản kiểm tra an toàn PCCC theo mẫu PC05 Thông tư số 66/2014/TT-BCA.
Câu 3: Xin hỏi về Chương trình huấn luyện PCCC cho doanh nghiệp. Hiện tại Công ty tôi có nhu cầu về phía Cảnh sát PCCC huấn luyện PCCC cho nhân viên trong công ty. Tôi cần đăng ký như thế nào, liên hệ ra sao? Phía Cảnh sát PCCC có chương trình đào tạo nào không?
- Về huấn luyện PCCC có 02 loại hình:
+ Huấn luyện PCCC thường xuyên
+ Huấn luyện PCCC để được Cấp Giấy Chứng nhận Huấn luyện nghiệp vụ về PC và CC.
- Đối với Huấn luyện PCCC thường xuyên (Không Cấp Chứng nhận Huấn luyện nghiệp vụ PC và CC) đây là trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở, nếu cơ sở có đủ điều kiện (về tài liệu PCCC, dụng cụ thực hành PCCC, đội ngũ huấn luyện PCCC,…) thì cơ sở tự tổ chức huấn luyện theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật PCCC - “Người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm: Tổ chức tuyên truyền, huấn luyện, phổ biến kiến thức về phòng cháy và chữa cháy… tại cơ sở”. Nếu không, có thể liên hệ cơ quan Cảnh sát PC và CC giúp huấn luyện.
+ Đối với việc Huấn luyện PCCC để Cấp Giấy chứng nhận đã qua huấn luyện nghiệp vụ PCCC thì cơ sở lập danh sách (theo mẫu) và gửi kèm công văn đề nghị về Cảnh sát PC và CC tỉnh Bình Định để có kế hoạch mở lớp huấn luyện và cấp Giấy chứng nhận.
Câu 4. Xin hỏi về thời gian kiểm tra và bảo dưỡng hệ thống báo cháy. Thông tư (quy định) nào quy định kiểm tra, bảo dưỡng?
- Kiểm tra hệ thống báo cháy được tiến hành tra thường xuyên, định kỳ, đột xuất theo công tác kiểm tra an toàn PCCC được quy định tại Điều 18 Nghị định số 79/2014/NĐ-CP.
- Bảo dưỡng hệ thống báo cháy được tiến mỗi năm ít nhất hai lần theo quy định tại Điều 6, khoản 2, mục 2 TCVN 3890:2009. Việc bảo dưỡng phải được tiến hành bởi các đơn vị đủ điều kiện pháp nhân về PCCC theo quy định tại Điều 41 Nghị định số 79/2014/NĐ-CP.
Lưu ý: Việc kiểm tra, bảo dưỡng phải có biên bản ghi nhận và lưu vào hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động PCCC của cơ sở theo quy định tại Điều 3 Thông tư số 66/2014/TT-BCA.
Xin hỏi, tôi có gian hàng thuê ở Trung tâm thương mại lớn (70.000m2) nhưng gian hàng tôi thuê có 200 m2 phía trong siêu thị đó. Vậy tôi xin hỏi về PCCC tôi phải làm như thế nào? Nếu gian hàng tôi thuê trên 500 m2 thì thủ tục phức tạp hơn không?