Các giải pháp quản lý hoạt động bán háng đa cấp
Giám đốc Sở Công thương, ông Man Ngọc Lý, trả lời. Chương trình được phát trên sóng truyền hình của Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Định tối 25.3.
Câu 1: Hiện nay hoạt động bán hàng đa cấp (BHĐC) phát triển tương đối mạnh mẽ, kể cả các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp trái phép. Xin cho biết tình hình hoạt động BHĐC trên địa bàn tỉnh ta như thế nào? Sở Công Thương có giải pháp gì để quản lý hoạt động BHĐC và chấn chỉnh việc kinh doanh đa cấp trái phép trên địa bàn tỉnh?
Trả lời:
1.1.Tình hình hoạt động BHĐC hiện nay trên địa bàn tỉnh Bình Định
Kinh doanh đa cấp là hình thức kinh doanh được pháp luật Việt Nam công nhận. Theo điều 3, Luật Cạnh tranh, "Kinh doanh đa cấp, hay còn gọi là kinh doanh đa tầng, kinh doanh theo mạng, là việc bán lẻ hàng hóa thông qua mạng lưới người tham gia gồm nhiều cấp, nhiều nhánh khác nhau".
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 20 doanh nghiệp có thông báo hoạt động bán hàng đa cấp đến Sở Công Thương (trong đó có 9 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài), với hơn 90% các doanh nghiệp kinh doanh các mặt hàng thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, đồ gia dụng, ... Tổng số người tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp trên địa bàn tỉnh khoảng 2.000 người, các doanh nghiệp có doanh thu bán hàng và có số người tham gia bán hàng nhiều nhất là: Lô Hội, Thiên Sư, Thiên Ngọc Minh Uy, Amway, Vision... Nhìn chung, hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua về cơ bản đã tuân thủ các quy định của pháp luật. Tuy vậy, qua theo dõi và theo phản ánh của chính quyền địa phương thì cũng có lúc, có đơn vị có hiện tượng lách luật lôi kéo, ép buộc người tham gia bán hàng không đúng quy định, gây phức tạp tình hình địa phương. Như Cty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy đã có thời gian hoạt động tại địa bàn Hoài Nhơn gây phức tạp tình hình trật tự xã hội; Cty TNHH TMDV Hải Nam hoạt động tại 18 Lê Duẫn - Quy Nhơn nhưng không đăng ký với cơ quan chức năng; Cơ sở Hoàng Phi – 56 Lê Đức Thọ, Quy Nhơn cung cấp thông tin không trung thực để lôi kéo người dân tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp cho Cty Thiên Ngọc Minh Uy; Cty TNHH MTV Bio Save tại 53 Hoàng Diệu, Quy Nhơn bán hàng không niêm yết giá, hoạt động khuyến mãi không đăng ký…. Tất cả các sai phạm trên đều đã được phát hiện, xử lý và chấn chỉnh theo quy định của pháp luât.
1.2. Giải pháp
Trước tình hình trên, trong thời gian qua Sở Công Thương đã có các biện pháp quản lý và chấn chỉnh hoạt động kinh doanh đa cấp sau đây:
- Định kỳ hàng năm Sở Công Thương chủ trì phối hợp với các Sở ban ngành thành lập đoàn thanh kiểm tra liên ngành về hoạt động BHĐC, nhằm tăng cường hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về hoạt động BHĐC trên địa bàn tỉnh, kiểm tra giám sát hoạt động BHĐC nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân tham gia, hướng dẫn chấn chỉnh yêu cầu các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động BHĐC trên địa bàn tỉnh chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật về hoạt động BHĐC.
- Định kỳ 2 lần/ năm, Sở Công thương nhắc nhở, kiểm tra và giám sát việc báo báo định kỳ tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp BHĐC hoạt động trên địa bàn tỉnh, kiểm soát về đăng ký kinh doanh, sản phẩm cung ứng, cách thức tuyển dụng nhà phân phối, giá cả niêm yết và hình thức chi trả hoa hồng.
- Sở Công Thương kết hợp với Báo Bình Định và Đài phát thanh và truyền hình Bình Định phổ biến và quản lý thông tin về thị trường, có những chương trình phổ biến về pháp luât và những thông tin liên quan đến các hoạt động kinh doanh BHĐC trên địa bàn tỉnh để ai cũng có thể xem và tìm hiểu.
- Ngày 19/5/2016, Sở Công Thương Bình Định đã ra Quyết định thành lập và công bố đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh về các dấu hiệu và hành vi vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn tỉnh.
- Sở Công Thương cũng đã kiến nghị với Bộ Công Thương về việc xây dựng hành lang pháp lý chặt chẽ hơn trong việc đăng ký cũng như quản lý các doanh nghiệp BHĐC, cụ thể như: bắt buộc đăng ký địa điểm kinh doanh cụ thể tại địa phương có triển khai hoạt động BHĐC, tăng mức ký quỹ và mức xử phạt đối với các doanh nghiệp BHĐC vi phạm, quản lý chặt chẽ hơn đối với người tham gia BHĐC…và hiện nay Bộ Công Thương đã và đang dự thảo sử đổi bổ sung Nghị định 42/2014/NĐ-CP ngày 14/5/2014 của Chính phủ về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp theo hướng quản lý chặt chẽ hơn đối với hoạt động này.
Câu 2: Công ty tôi đã thực hiện đăng ký BHĐC và được cấp giấy chứng nhận. Tuy nhiên trong quá trình hoạt động công ty có sự thay đổi về mặt hàng kinh doanh. Như vậy tôi có cần phải thông báo lại hay không? Nếu có thì cách thức thực hiện như thế nào?
Nếu công ty bạn đã được Cục Quản lý Cạnh tranh – Bộ Công Thương cấp Giấy Chứng nhận đăng ký hoạt động BHĐC và trong quá trình hoạt động Công ty có sự thay đổi về mặt hàng kinh doanh thì Cty cần lập hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động BHĐC theo chỉ dẫn tại Điều 4 Thông tư 24/2014/TT-BCT ngày 30/7/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 42/2014/NĐ-CP ngày 14/5/2014 của Chính phủ về quản lý hoạt động BHĐC, gửi hồ sơ này đến Cục Quản lý Cạnh tranh – Bộ Công Thương để đăng ký sửa đổi, bổ sung Giấy chứng nhận hoạt động BHĐC. Sau khi được Cục Quản lý Cạnh tranh cấp sửa đổi, bổ sung Giấy chứng nhận hoạt động BHĐC, trong thời hạn 10 ngày làm việc Công ty có trách nhiệm gửi hồ sơ thông báo sửa đổi, bổ sung hồ sơ thông báo hoạt động BHĐC theo hướng dẫn tại Điều 10 Thông tư 24/2014/TT-BCT ngày 30/7/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 42/2014/NĐ-CP ngày 14/5/2014 của Chính phủ về quản lý hoạt động BHĐC đến Sở Công Thương các tỉnh, thành phố nơi Công ty có hoạt động bán hàng đa cấp để được cấp Giấy xác nhận tiếp nhận thông báo sửa đổi, bổ sung hồ sơ thông báo hoạt động BHĐC. Lúc này, việc kinh doanh mặt hàng thay đổi mới được coi là hợp pháp.
Câu 3: Tôi được biết tình trạng có một số công ty đa cấp giới thiệu và bán sản phẩm không đúng công năng được quảng cáo và chất lượng sản phẩm trên thực tế không như giới thiệu. Sở Công Thương có biện pháp gì để quản lý, hạn chế tình trạng này và hướng xử phạt đối với những công ty này như thế nào?
Theo quy định, hàng hóa mà các doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức đa cấp phân phối đến tay người tiêu dùng bắt buộc phải nằm trong danh mục hàng hóa kèm theo Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động BHĐC được Cục Quản lý Cạnh tranh – Bộ Công Thương xác nhận; muốn được Cục Quản lý Cạnh tranh xác nhận thì doanh nghiệp phải cung cấp đầy đủ các chứng từ hợp lệ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, tính năng, chất lượng đảm bảo, hàng hóa phải được niêm phong và có dán nhãn tiếng Việt Nam trong đó ghi đầy đủ thành phần, công dụng, cách sử dụng, … để người tiêu dùng có thể đọc và biết được, chứ không phải chỉ nghe duy nhất 1 phía từ người bán hàng. Do vậy cho nên chất lượng hàng hóa kinh doanh theo phương thức đa cấp chính thống khá đảm bảo, mặc dù so với mặt bằng giá các hàng hóa có tính năng tương đương trên thị trường thì đắt hơn. Còn nếu Doanh nghiệp và người tham gia bán hàng đa cấp cung cấp hàng hóa không đúng như danh mục hàng hóa theo quy định, hoặc cung cấp hàng nhái, hàng giả thì vẫn bị xử lý như các doanh nghiệp kinh doanh bình thường khác, hình thức và mức xử phạt tùy theo từng hành vi vi phạm được quy định tại Điều 11, 12, 13, 14 Nghị định 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Điều 1 Nghị định số 124/2015/NĐ-CP ngày 19/11/2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 185/2013/NĐ-CP.Còn việc Sở Công Thương có những biện pháp gì để quản lý và hạn chế tình trạng này thì như tôi đã trả lời ở phần câu hỏi số 1.
Câu 4: Hiện tượng kinh doanh đa cấp biến tướng xuất hiện ngày càng nhiều, diễn biến phức tạp, gây thiệt hại nghiêm trọng cho người dân. Tuy nhiên đại đa số người dân lại không nhận biết được loại hình kinh doanh lừa đảo núp bóng đa cấp này. Xin Quý Sở cho biết những doanh nghiệp này hoạt động như thế nào? Đặc điểm cơ bản hoặc cách thức để nhận biết được những doanh nghiệp kinh doanh theo hình thức này?
Trong thời gian qua, hiện tượng kinh doanh đa cấp biến tướng xuất hiện ngày càng nhiều, diễn biến phức tạp, gây thiệt hại nghiêm trọng cho người dân cùng nhiều bức xúc trong dư luận xã hội tại một số địa phương trong cả nước. Cục Quản lý Cạnh tranh – Bộ Công Thương đã khuyến cáo 3 hành vi kinh doanh đa cấp biến tướng phổ biến đã và đang gây nhiều hậu quả cho xã hội hiện nay, cụ thể như sau:
Thứ nhất, là việc cung cấp dịch vụ theo phương thức kinh doanh đa cấp trong khi Luật Cạnh tranh và các văn bản hướng dẫn thi hành nghiêm cấm mọi hình thức kinh doanh theo phương thức đa cấp đối với dịch vụ.
Thứ ba, là mượn phương thức kinh doanh đa cấp để huy động tài chính thông qua hình thức lôi kéo, dụ dỗ người tham gia đầu tư tiền vào các dự án bất động sản, nhà hàng, khách sạn, khai thác khoáng sản… Biểu hiện của mô hình này là các tổ chức hứa hẹn trả hoa hồng, tiền thưởng cao bất thường so với số tiền bỏ ra ban đầu hoặc hứa hẹn với người tham gia chỉ cần đầu tư tiền vào các dự án sau đó không phải làm gì cũng được hưởng nhiều loại hoa hồng, tiền thù lao và các lợi ích kinh tế khác.
Ở tỉnh ta, các năm trước đây hình thức kinh doanh đa cấp biến tướng cũng đã xuất hiện chủ yếu là mượn phương thức kinh doanh đa cấp để huy động tài chính. Các đối tượng thành lập công ty rồi tổ chức huy động vốn góp đầu tư theo hình thức đa cấp. Tuy nhiên, vấn đề này chỉ tồn tại trong thời gian ngắn do các cơ quan quản lý nhà nước kịp thời phát hiện và xử lý theo quy định của pháp luật. Qua theo dõi và kiểm tra, cho đến thời điểm này, Sở Công Thương chưa phát hiện doanh nghiệp nào cũng như chưa nhận được phản ánh nào của tổ chức, cá nhân đối với các hoạt động bán hàng đa cấp biến tướng như đã nêu trên địa bàn tỉnh.