Nga, Trung chia rẽ trong vấn đề Syria do Mỹ?
Việc Trung Quốc bỏ phiếu trắng đối với nghị quyết của Liên Hợp Quốc (LHQ) lên án vụ tấn công hoá học tại Syria, trong khi Nga phủ quyết, có thể là một dấu hiệu quan trọng cho biết quan hệ Mỹ - Trung nồng ấm hơn, sau cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Trước đó, kể từ năm 2011, cùng với Nga, Trung Quốc luôn dùng quyền phủ quyết để phản đối 6 nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ về vấn đề Syria.
Tuy nhiên, với lần bỏ phiếu trắng này, Bắc Kinh có vẻ như đang muốn gầy dựng một sự đồng thuận với Mỹ mà ông Trump nói hai bên đã thiết lập trong cuộc gặp đầu tiên vào tuần trước.
Shi Yinhong, cố vấn về chính sách đối ngoại trong chính phủ Trung Quốc, gọi đây là cử chỉ thể hiện “thiện chí đáng kể” đối với ông Trump.
“Điều đó cho thấy ông Tập Cận Bình muốn có quan hệ tốt đẹp với ông Donald Trump, nhưng lại ảnh hưởng không tốt trong quan hệ với Nga,” ông Shi nói. “Đó là tín hiệu sẵn sàng hợp tác hơn nữa trên trường quốc tế, đặc biệt là về chương trình hạt nhân của Triều Tiên.”
Theo một quan chức Trung Quốc giấu tên, các cuộc đối thoại giữa ông Trump và ông Tập Cận Bình cũng góp phần khiến Trung Quốc quyết định bỏ phiếu trắng. Trong khi đó, lý giải về quyết định này, Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Liu Jieyi nói rằng nghị quyết cần được xem xét lại.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn với Wall Street Journal hôm 12.4, Tổng thống Mỹ cho biết, ông sẵn sàng giảm sức ép thương mại với Trung Quốc để đổi lấy việc Bắc Kinh giúp giải quyết vấn đề Triều Tiên.
Cũng trong cuộc trò chuyện này, ông Trump nói rằng Mỹ sẽ không chính thức xem Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ để giành lợi thế thương mại.
Về vấn đề Triều Tiên, Bắc Kinh phản đối bất kỳ hành động quân sự nào của Mỹ nhằm vào nước này. Điều đó có thể khiến cả hai rơi vào một cuộc xung đột rộng hơn, đồng thời đẩy người tị nạn chạy qua biên giới Trung Quốc. Trong cuộc điện đàm với ông Trump hôm 12.4, ông Tập Cận Bình tái khẳng định rằng, đàm phán là cách duy nhất để giải quyết vấn đề vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Lê Quảng (theo Bloomberg)