Vũ lực không thể giải quyết vấn đề Triều Tiên
Đó là khẳng định của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị. Nó được đưa ra giữa bối cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên được đẩy lên cao trước nguy cơ xảy ra một cuộc tấn công quân sự của Mỹ nhằm vào Triều Tiên.
Tàu sân bay Mỹ Carl Vinson được điều đến gần bán đảo Triều Tiên hôm 9.4.
Ông Vương Nghị cho rằng, một cuộc tấn công quân sự không phải là giải pháp tối ưu cho tình hình trên bán đảo Triều Tiên. Bất kì nước nào kích động tình hình Triều Tiên đều phải chịu trách nhiệm trước lịch sử.
Ông Vương bày tỏ hy vọng các bên có thể ngồi lại với nhau trong khuôn khổ vòng đàm phán 6 bên để giải quyết căng thẳng.
Bán đảo Triều Tiên "căng như dây đàn"
Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên được đẩy lên cao trong tuần này sau khi Mỹ điều một nhóm tàu chiến do tàu sân bay USS Carl Vinson dẫn đầu hướng tới khu vực, một động thái được cho là chuẩn bị đáp trả Triều Tiên trong trường hợp nước này tiến hành một vụ thử hạt nhân hay phóng thử tên lửa mới.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cảnh báo rằng ông sẽ không dung thứ cho bất kì hành động khiêu khích nào nữa của Triều Tiên.
Trong một cuộc điện đàm mới đây với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, ông Trump nói rằng Mỹ đang cân nhắc tất cả các lựa chọn trong việc đối phó với Triều Tiên.
Một quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay, Washington có thể sử dụng hành động quân sự để đối phó Triều Tiên. Hiện Mỹ có hai lựa chọn, đó là Trung Quốc phải gia tăng sức ép buộc Triều Tiên ngừng chương trình hạt nhân và tên lửa, hoặc Mỹ sẽ tấn công. Điều này làm dấy lên những lo ngại cho rằng tấn công quân sự có thể trở thành lựa chọn thực tế của Mỹ.
Tại cuộc hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước đó, ông Trump khẳng định rằng nếu Bắc Kinh không tăng cường sức ép lên Triều Tiên, Washington sẵn sàng có hành động đơn phương.
Một khả năng hành động quân sự mà Mỹ có thể thực hiện, đó là tiến hành một cuộc không kích tương tự như những gì Mỹ đã làm với chính phủ Syria hồi tuần trước.
Mỹ và Nhật Bản đang vô cùng lo ngại về những bước tiến mới của Triều Tiên trong chương trình tên lửa và hạt nhân. Triều Tiên gần đây có những động thái cho thấy họ đang chuẩn bị tiến hành một vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa. Tên lửa này có khả năng mang theo một đầu đạn hạt nhân bay tới lãnh thổ của Mỹ.
Những hình ảnh vệ tinh gần đây cũng phát hiện nhiều dấu hiệu cho thấy Bình Nhưỡng đang chuẩn bị cho một vụ thử hạt nhân lần thứ sáu.
Trong một diễn biến mới nhất, khoảng 200 nhà báo nước ngoài đã đến thủ đô Bình Nhưỡng để tham dự ngày lễ lớn nhất của Triều Tiên gọi là "Ngày Mặt trời" đúng vào ngày 15.4. Đây là dịp Triều Tiên kỷ niệm 105 năm ngày sinh Chủ tịch Kim Nhật Thành, nhà sáng lập CHDCND Triều Tiên. Bình Nhưỡng thường hay tiến hành các vụ thử tên lửa và hạt nhân nhân dịp này.
Triều Tiên cũng tiến hành sơ tán dân cư ra khỏi thủ đô Bình Nhưỡng. Khoảng 600.000 người, 25% dân số Bình Nhưỡng, đã được lệnh sơ tán khẩn cấp.
Hãng thông tấn KCNA của Triều Tiên đưa tin, Chủ tịch Kim Jong-un đã chỉ đạo huấn luyện cho một lực lượng đặc nhiệm của quân đội tiến hành các bài tập nhảy dù từ trên máy bay.
Giới chức Triều Tiên cũng cảnh báo về cuộc chiến tranh hạt nhân có thể bùng nổ nếu Mỹ có bất kì dấu hiệu tấn công. Bình Nhưỡng sẵn sàng đáp trả bất kì hình thức tấn công nào của Mỹ, nếu Mỹ muốn lựa chọn hành động quân sự.
Trung Quốc kêu gọi kìm chế
Trong cuộc điện đàm hôm 12.4, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi Tổng thống Trump kiềm chế và giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên một cách hòa bình thông qua đối thoại và thương lượng.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng nhấn mạnh rằng Bắc Kinh sẵn sàng hợp tác với Washington về vấn đề này.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi tất cả các bên kìm chế, cho rằng mọi hành động gây gia tăng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên là vô trách nhiệm và nguy hiểm.
Tờ Thời báo hoàn cầu - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc - kêu gọi Triều Tiên kìm chế những hành động khiêu khích, bao gồm vụ thử hạt nhân lần thứ sáu. Tờ báo nhấn mạnh rằng Mỹ sẽ không dành được sự ủng hộ quốc tế nếu đơn phương hành động và Triều Tiên cần dừng các hoạt động tên lửa và hạt nhân khiêu khích "vì an ninh của nước mình".
Nguy cơ xung đột lan rộng
Cả Nhật Bản và Hàn Quốc đều hy vọng Mỹ sẽ thông báo trước cho họ trong trường hợp quyết định tiến hành bất kì cuộc tấn công phủ đầu nào nhằm vào Triều Tiên.
Cả hai đều lo ngại rằng việc Washington tấn công Triều Tiên có thể khiến Bình Nhưỡng có hành động tấn công đáp trả nhằm vào họ.
Thủ tướng Nhật Bản Abe cho biết, Triều Tiên có thể đang sở hữu những loại vũ khí, đủ sức để tiến hành một vụ tấn công bằng tên lửa có gắn đầu đạn hạt nhân chứa chất độc sarin.
Trong khi đó, Trung Quốc cũng đã bố trí 150.000 binh sĩ đến gần biên giới Triều Tiên để chuẩn bị cho chiến tranh.
Hồng Hà (Tổng hợp)