Lập hồ sơ khoa học để xếp hạng di tích: Phối hợp chặt chẽ và thực hiện công phu
Nhiều di tích trên địa bàn tỉnh những năm qua sau khi xếp hạng đã và đang nhận được sự quan tâm đầu tư, tôn tạo góp phần bảo tồn và phát huy giá trị. Có được điều này là nhờ đóng góp thầm lặng của những người thực hiện việc lập hồ sơ khoa học di tích.
Anh Phạm Đức Tín (người đứng sau) đang đi thực địa cho việc lập hồ sơ di tích Vụ thảm sát Giếng Đồn (xã An Tân, huyện An Lão).
Từ năm 2013 đến nay, việc lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh được giao cho Ban Quản lý di tích tỉnh thực hiện (trước đây là Bảo tàng Tổng hợp tỉnh). Khi tiến hành lập hồ sơ khoa học, Ban Quản lý di tích tỉnh còn phải phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, địa phương liên quan. Kể từ khi Bộ VH-TT &DL ban hành Thông tư số 09/2011 “Quy định về nội dung hồ sơ khoa học để xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh”, công tác này được tiến hành với nhiều yêu cầu cao hơn so với trước đây.
1.
Ông Đặng Hữu Thọ, Giám đốc Ban Quản lý di tích tỉnh, cho biết: “Hằng năm, trên cơ sở đề xuất xếp hạng di tích của các địa phương và tình hình thực tế, chúng tôi sẽ kiến nghị Sở VH-TT làm việc với các sở, ngành liên quan bố trí kinh phí ưu tiên thực hiện việc lập hồ sơ khoa học trước đối với những di tích tiêu biểu hơn, có thể khai thác phát huy các giá trị giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử, phục vụ du lịch.... Khi xây dựng hồ sơ xong, chúng tôi sẽ gửi bản thảo cho các đơn vị, địa phương liên quan góp ý thêm. Sau đó, tiếp tục họp bàn thống nhất về địa điểm và diện tích khoanh vùng bảo vệ di tích”.
“Dần dần những chuyến đi vùng sâu, vùng xa ở miền núi như vậy cũng quen dần, đến lúc đó, cái khó khăn đáng kể nhất là làm sao để thu thập được nhiều thông tin, dữ liệu cần thiết”
Mỗi năm, Ban Quản lý di tích tỉnh tiến hành lập hồ sơ cho 4-5 di tích, giao cho Phòng Nghiệp vụ chịu trách nhiệm thực hiện chính. Phòng Nghiệp vụ hiện có 6 người (phần lớn còn trẻ tuổi) được đào tạo các ngành chuyên môn có liên quan, phân chia nhau đảm nhận việc xây dựng một hồ sơ di tích. Những hồ sơ quan trọng như di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia thì huy động nhân lực cả phòng cùng phối hợp làm.
Gần 5 năm qua, Ban Quản lí di tích đã lập hồ sơ khoa học đề nghị công nhận 2 di tích quốc gia đặc biệt (Đền thờ Tây Sơn tam kiệt, tháp Dương Long), nâng cấp 2 hồ sơ đề nghị công nhận di tích quốc gia (Đền thờ Tăng Bạt Hổ, Chiến thắng An Lão). Trong năm 2017, đã và đang lập hồ sơ 3 di tích cấp tỉnh, nâng cấp 2 hồ sơ đề nghị công nhận di tích cấp quốc gia.
2.
Điều khó khăn đối với nhiều di tích lịch sử, nhất là các di tích cổ xưa là các tư liệu, hiện vật, dấu tích kiến trúc đã thất lạc nhiều. Thậm chí ngay cả với một số di tích lịch sử cách mạng, tuy chỉ mới chừng vài chục năm, nhưng cũng gặp không ít khó khăn. Có điều này là do những người ít nhiều hiểu biết về di tích đã qua đời, số còn lại tuổi cao, không còn minh mẫn, ảnh hưởng đến việc cung cấp thông tin, tư liệu. Điều này đòi hỏi những người lập hồ sơ phải khai thác nhiều nguồn tư liệu, nhiều nhân vật để tổng hợp, đối chiếu, sàng lọc các thông tin có độ chính xác cao hơn. Bên cạnh đó, phải lặn lội đi khảo sát thực địa di tích thường ở vùng sâu, vùng xa.
Anh Phạm Đức Tín, cán bộ Phòng Nghiệp vụ Ban Quản lý di tích tỉnh, chia sẻ: “Để lập hồ sơ một di tích tầm đơn giản thôi, thường cũng phải đi khảo sát thực tế, tìm kiếm thông tin, tư liệu ở địa phương từ 2-3 đợt, mỗi đợt kéo dài cả tuần lễ. Năm 2013, lần đầu tiên tôi tham gia lập hồ sơ khoa học di tích Gộp Đá Lớn An Quang ở huyện An Lão. Đến khu vực trung tâm xã An Quang đã xa, lại còn phải đi bộ hơn 5 km đường rừng, leo dốc núi cao... nên đến được điểm di tích thì mình muốn hụt hơi. Nhưng dần dần những chuyến đi vùng sâu, vùng xa ở miền núi như vậy cũng quen dần, đến lúc đó, cái khó khăn đáng kể nhất là làm sao để thu thập được nhiều thông tin, dữ liệu cần thiết. Lớp trẻ chúng tôi vừa làm vừa học hỏi thêm kinh nghiệm từ những người đi trước để dần bổ sung các khâu lập hồ sơ chặt chẽ, khoa học hơn”.
“Đi đường rừng núi, chuyện phải leo đồi dốc cao, trượt té đối với chúng tôi giờ là chuyện thường. Những chuyến khảo sát thực địa các di tích như Xưởng in bạc tín phiếu liên khu V tại xã An Hòa, huyện An Lão, còn vất vả hơn. Xưởng in này thời kháng chiến phải di chuyển nhiều địa điểm để đảm bảo bí mật nên đi đến tìm hiểu xác minh cũng mất thêm nhiều thời gian, công sức. Nhưng niềm vui khi tập trung đủ thông tin bù lại cho tất cả những nhọc nhằn!” - chị Trần Thị Thùy Dung, Phòng Nghiệp vụ Ban Quản lý Di tích tỉnh, tâm sự.
Sau khi tìm hiểu tư liệu, khảo sát thực địa, đến phần thể hiện nội dung hồ sơ khoa học di tích cũng mất nhiều thời gian. Trong đó, riêng phần lý lịch di tích đã có 12 mục, trong đó trọng tâm là phần “Sự kiện, nhân vật lịch sử, đặc điểm của di tích” với nhiều yêu cầu cụ thể. Công phu như vậy, nên việc lập một hồ sơ khoa học cho di tích cấp tỉnh dù tập trung thực hiện thì nhanh nhất cũng mất từ 3-4 tháng. Đối với hồ sơ di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt với những yêu cầu cao hơn về nội dung, qua nhiều cấp xét duyệt thì thời gian phải mất từ 1-2 năm.
HOÀI THU