Nội chiến Syria: Cuộc xung đột đẫm máu nhất trong thế kỷ 21?
Cuộc xung đột tại Syria đã bước sang năm thứ 7, với hơn 465 ngàn người Syria thiệt mạng, hơn 1 triệu người bị thương và hơn 12 triệu người bị mất nhà cửa.
Nguồn gốc của cuộc nội chiến này bắt nguồn từ năm 2011, khi phong trào Mùa xuân Ả-rập nổ ra nhằm lật đổ Tổng thống Tunisi Zine El Abidine Ben Ali và Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak.
Cũng trong tháng 3.2011, các cuộc biểu tình hòa bình diễn ra tại Syria, sau khi 15 thanh niên ở đây bị bắt giữ và tra tấn do vẽ tranh graffiti để thể hiện việc ủng hộ phong trào Mùa xuân Ả-rập.
Chính phủ Syria khi đó đã đối phó với các cuộc biểu tình bằng cách bắn vào những người biểu tình và bắt giam nhiều người khác. Vào tháng 7.2011, một nhóm đào ngũ khỏi quân đội Syria tuyên bố thành lập Quân đội Syria Tự do (FSA), với mục đích lật đổ chính phủ. Điều này đẩy Syria vào một cuộc nội chiến.
Số người Syria phải đi tị nạn và nơi tiếp nhận người Syria tị nạn. Đa số vẫn còn ở Syria
Điều gì đã tạo ra sự nổi dậy?
Ban đầu, việc tự do bị thắt chặt và những khó khăn về kinh tế gây ra sự bất mãn đối với chính phủ Syria. Sau đó, sự phẫn nộ của người dân Syria bị thổi bùng lên do cách đối phó cứng rắn của chính phủ với những người biểu tình. Ngoài ra, các cuộc nổi dậy thành công tại Tunisi và Ai Cập cũng tiếp thêm sức mạnh và đem lại hy vọng cho phe nổi dậy tại Syria.
Nhiều phong trào của người Hồi giáo cũng phản đối chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Nguyên nhân có thể là do năm 1982, Hafez, cha của ông Bashar al-Assad, từng ra lệnh cho quân đội trấn áp phong trào Anh em Hồi giáo tại Hama, khiến 10 ngàn-40 ngàn người thiệt mạng.
Mặc dù các cuộc biểu tình ban đầu tại Syria không mang tính chất tôn giáo, nhưng cuộc xung đột vũ trang tại đây lại dần mang màu sắc tôn giáo. Nhiều nhóm tôn giáo thiểu số có xu hướng ủng hộ chính phủ Syria, trong khi đa số các tay súng nổi dậy là những người Hồi giáo theo dòng Sunni.
Sự chia rẽ về tôn giáo cũng được phản ánh trong lập trường của các bên liên quan trong khu vực.
Sự ấm lên của khí hậu toàn cầu cũng được xem là đóng vai trò gây ra cuộc nổi dậy tại Syria vào năm 2011. Nguyên nhân là nước này hứng chịu một số đợt hạn hán từ năm 2007 đến 2010, khiến 1,5 triệu người phải chuyển từ miền quê đến các thành phố, gây ra tình trạng đói nghèo và bất ổn xã hội.
Cao ủy LHQ về người tị nạn cho biết, hơn 4 triệu người phải chạy khỏi Syria từ năm 2011, trong đó hơn một nửa là trẻ em.
Sự liên quan của nước ngoài
Sự chống lưng của các lực lượng bên ngoài Syria và việc công khai can thiệp vào tình hình nước này cũng đóng vai trò lớn trong cuộc nội chiến Syria. Kể từ năm 2014, liên minh quốc tế do Mỹ đứng đầu đã ném bom các mục tiêu của Nhà nước Hồi giáo Iraq và Levant (ISIL hay ISIS).
Mỹ cũng liên tục lặp lại lập trường phản đối chính phủ của ông Assad, nhưng vẫn do dự chưa can thiệp sâu vào cuộc xung đột này, ngay cả khi chính phủ Syria bị cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học vào năm 2013. Tổng thống Mỹ khi đó, ông Barack Obama, cảnh báo đây là “lằn ranh đỏ” có thể dẫn đến việc Mỹ can thiệp quân sự.
Ngày 7.4 vừa qua, Mỹ đã có hành động quân sự trực tiếp đầu tiên nhằm vào lực lượng của chính phủ Syria, khi bắn 59 tên lửa Tomahawk xuống một căn cứ không quân ở Syria, nơi mà Mỹ cho là khởi nguồn của vụ tấn công hóa học tại Khan Sheikhoun.
Người phát ngôn Nhà Trắng nói rằng, Tổng thống Mỹ “nói rất rõ rằng nếu những hành động như vậy (tấn công bằng vũ khí hóa học) còn tiếp diễn, thì Mỹ chắc chắn sẽ xem xét hành động xa hơn.”
Tháng 10.2015, Mỹ chấm dứt chương trình huấn luyện cho các tay súng thuộc phe nổi dậy ở Syria, sau khi có thông tin cho rằng nước này đã chi 500 triệu đô la Mỹ cho chương trình này nhưng chỉ huấn luyện được 60 tay súng.
Tháng 2.2017, Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) cũng đóng băng khoản tài trợ và chấm dứt hỗ trợ hậu cần cho các nhóm nổi dậy ở miền bắc Syria.
Tháng 9.2015, Nga phát động chiến dịch ném bom tại Syria, với mục đích là tiêu diệt “các nhóm khủng bố” tại đây, bao gồm ISIL và các nhóm nổi dậy do phương Tây hậu thuẫn. Nga cũng đưa các cố vấn quân sự đến để hỗ trợ cho chính phủ Syria.
Tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Moscow từng 8 lần phủ quyết các nghị quyết chống lại Syria, trong khi Trung Quốc cũng có hành động tương tự trong 6 lần.
Một vài nước Ả-rập, cùng với Thổ Nhĩ Kỳ, cung cấp vũ khí và quân dụng khác cho phe nổi dậy tại Syria. Trong khi chính phủ Iran và Iraq đứng về phía ông Assad, thì các quốc gia có đa số người theo dòng Sunni, như Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar, hay Ả-rập Xê-út, ở phía phe nổi dậy.
Các khu vực do các nhóm nổi dậy kiểm soát.
Các nhóm nổi dậy
Kể từ khi FSA được thành lập vào năm 2011, nhiều nhóm nổi dậy mới cũng tham gia vào cuộc chiến tại Syria, trong đó có ISIL, Jabhat Fateh al Sham, Hezbollah và Các Lực lượng Dân chủ Syria (SDF).
Trong khi FSA ngày càng suy yếu, các nhóm phiến quân Hồi giáo khác lại ngày càng mạnh hơn. Chẳng hạn như ISIL nổi lên ở miền bắc và miền đông Syria vào năm 2013, sau khi kiểm soát phần lớn lãnh thổ Iraq. ISIL nhanh chóng thu hút được sự chú ý của quốc tế vì những màn hành quyết tàn bạo của mình.
Nhóm phiến quân người Kurd tại miền bắc Syria cũng đang tìm kiếm khả năng tự trị tại các vùng mà nhóm này kiểm soát.
Tình hình hiện nay
Vấn đề vũ khí hóa học trở lại đóng vai trò là tác nhân chính trong cuộc nội chiến Syria. Theo đó, ngày 4.4, một vụ tấn công hóa học tại thị trấn Khan Sheikhoun đã khiến ít nhất 80 dân thường thiệt mạng.
Bất chấp việc 1.300 tấn chất độc thần kinh sarin và các tiền chất của nó đã được đưa ra khỏi Syria, bốn năm sau các vụ tấn công hóa học vẫn còn hiện hữu tại nước này.
Trả lời phỏng vấn hãng thông tấn AFP (Pháp) tại Damascus, Tổng thống Syria bác bỏ việc chính phủ Syria sử dụng vũ khí học và cáo buộc, phương Tây, chủ yếu là Mỹ, đã dàn dựng lên vụ tấn công này để có cớ tấn công Syria.
Với phần lớn lãnh thổ bị tàn phá bởi chiến tranh, hàng triệu người Syria phải đi tị nạn ở nước ngoài và dân số bị ảnh hưởng nặng bởi cuộc nội chiến, có một điều chắc chắn là: tái thiết Syria sau chiến tranh sẽ là một quá trình lâu dài và cực kỳ khó khăn.
Lê Quảng (theo Aljazerra, AFP)