Phân bón và thuốc BVTV cho sản xuất vụ Hè Thu 2017: Nguồn cung dồi dào, nhưng khó kiểm soát chất lượng
Hiện nay, các cơ sở sản xuất kinh doanh (SXKD) vật tư nông nghiệp (VTNN) đã và đang chuẩn bị nguồn hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) để cung ứng cho sản xuất vụ Hè Thu (HT) năm 2017. Tuy nhiên, theo các ngành chức năng của tỉnh, rất khó đánh giá chất lượng các mặt hàng VTNN trên thị trường.
Theo Sở NN&PTNT, vụ HT năm 2017, tỉnh ta có kế hoạch sản xuất 55.885 ha cây trồng các loại (không tính diện tích mì và mía). Nhu cầu sử dụng phân bón của cả tỉnh trong vụ này khoảng 60.000 tấn phân vô cơ các loại, trong đó phân urê và NPK chiếm khoảng 50 - 60% và hàng trăm tấn thuốc BVTV.
Công ty cổ phần Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Bình Định chuẩn bị nguồn phân bón lớn để cung ứng cho nông dân sản xuất. Ảnh: T.SỸ
Nguồn cung dồi dào
Hiện nông dân đang chuẩn bị giống, vật tư phân bón để phục vụ sản xuất HT. Đây cũng là thời điểm các doanh nghiệp (DN) SXKD các mặt hàng VTNN và thuốc BVTV trong và ngoài tỉnh triển khai nhiều biện pháp nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu của nông dân.
Riêng Công ty cổ phần Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Bình Định, để đáp ứng nhu cầu phân bón cho thị trường trong vụ HT 2017 và các năm tiếp theo, DN này đã đầu tư hệ thống dây chuyền tạo hạt mới và dây chuyền trộn, nâng công suất và chất lượng phân bón hiệu Mặt Trời mới tại nhà máy phân bón Long Mỹ. Vụ sản xuất này, ngoài 20.000 tấn phân NPK hiệu Mặt Trời mới sản xuất, Công ty còn nhập khoảng 40.000 tấn phân NPK của hãng Mitsubishi - Nhật Bản và tập đoàn Acron của Nga để cung ứng cho nông dân trong và ngoài tỉnh.
Ông Phạm Phú Hưng, Giám đốc Công ty cổ phần Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Bình Định, cho biết: Nhờ chủ động được nguyên liệu, nên chúng tôi đã giảm giá thành sản xuất, ổn định được giá sản phẩm. Hiện phân NPK 20-20-15, NPK 20-20-15 TE, NPK 20-18-8 (TB1) do công ty sản xuất có giá từ 7.400 đồng/kg đến 12.000 đồng/kg tùy theo từng loại. Các loại phân bón nhập khẩu, như: NPK 16-16-8 + 13S của Mitsubishi dao động từ 10.000 - 12.000 đồng/kg. Hệ thống đại lý phân phối sản phẩm của công ty rộng khắp cả nước, rất thuận lợi cho nông dân lựa chọn mua sản phẩm phục vụ sản xuất.
Còn ông Bùi Quang Nam, Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Tiến Phước (tại TP Quy Nhơn) cho biết: Chúng tôi vừa ký kết với Tập đoàn Namhae (Hàn Quốc) phân phối độc quyền phân bón NPK 16-16-8-13S. Vụ HT năm 2017, Công ty nhập và phân phối khoảng 50.000 tấn phân bón cho thị trường và các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên với giá khoảng 7.700 đồng/kg.
Theo ngành chức năng, hiện trên địa bàn tỉnh có 37 DN và 98 cơ sở SXKD các mặt hàng VTNN quy mô lớn. Nguồn phân bón phục vụ sản xuất HT dồi dào, giá ổn định do có nhiều DN trong nước đã đầu tư tăng quy mô sản xuất, trong khi đó giá phân nhập khẩu giảm, nhất là phân đạm urê, lân và kali. Các DN đều tăng cường chào hàng, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ; nhiều DN đăng ký tham gia sản xuất các cánh đồng mẫu lớn, cánh đồng lớn và cánh đồng tiên tiến, cho nông dân ứng trước sản phẩm không tính lãi suất, đã tạo sự cạnh tranh quyết liệt giữa các DN.
Nguồn thuốc BVTV cung cấp cho nông dân trong tỉnh phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng cũng rất lớn. Hiện trên địa bàn tỉnh có 785 cơ sở kinh doanh thuốc BVTV, đáp ứng nhu cầu của nông dân. Giá thuốc BVTV tương đương so với vụ này năm trước.
Khó kiểm tra, kiểm soát chất lượng sản phẩm
Nguồn phân bón, thuốc BVTV dồi dào là điều kiện thuận lợi cho nông dân đầu tư phát triển sản xuất. Vấn đề đáng lo ngại là thời gian gần đây, chất lượng phân bón, thuốc BVTV cung ứng ra thị trường thường không đảm bảo các tiêu chuẩn theo nhãn mác đã đăng ký. Thậm chí, một số cơ sở kinh doanh phân bón còn tổ chức sang chiết, pha trộn trái phép phân bón để thu lợi bất chính. Việc kinh doanh phân bón kém chất lượng, phân bón giả không chỉ làm ảnh hưởng đến hoạt động SXKD của các DN, mà còn gây thiệt hại đến thu nhập của nông dân, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Tuy nhiên, theo các ngành chức năng của tỉnh, công tác kiểm tra, giám sát hoạt động SXKD các mặt hàng VTNN gặp nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Thế Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục quản lý thị trường (thuộc Sở Công Thương) - đơn vị quản lý nhà nước hoạt động kinh doanh phân bón vô cơ - cho biết: Mỗi vụ sản xuất, Chi cục đều triển khai các đợt cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm trong SXKD, gia công phân bón vô cơ trên địa bàn tỉnh. Trường hợp kiểm tra theo kế hoạch, theo quy định hiện hành, muốn kiểm tra SXKD phân bón, đoàn kiểm tra phải báo cho chủ cơ sở trước 3 ngày, thời gian này đủ để cho các cơ sở đưa ra phương án đối phó. Trường hợp nghi vấn chủ cơ sở vi phạm, tiến hành kiểm tra đột xuất, nếu không phát hiện được chủ cơ sở vi phạm thì lực lượng kiểm tra vi phạm. Do vậy, rất khó kiểm soát được chất lượng sản phẩm, nhất là đối với các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ tại các địa phương.
Ông Nguyễn Văn Nam, Trưởng phòng Thanh tra, Pháp chế Chi cục Trồng trọt và BVTV (Sở NN&PTNT) - đơn vị quản lý nhà nước hoạt động kinh doanh phân bón hữu cơ, phân vi sinh và thuốc BVTV - cho rằng, lực lượng thanh tra mỏng, trong khi cơ sở kinh doanh các loại phân bón và thuốc BVTV quá nhiều, nên không thể kiểm tra hết được các cơ sở kinh doanh các mặt hàng nói trên. Chất lượng sản phẩm phân bón và thuốc BVTV tốt hay không phụ thuộc nhiều vào ý thức và lương tâm của các cơ sở SXKD. Để tránh tình trạng mua nhầm phải phân bón, thuốc BVTV kém chất lượng, bà con nông dân cần nâng cao cảnh giác, không nên chọn mua các loại VTNN, thuốc BVTV không có nhãn mác, không ghi cụ thể nơi sản xuất, hàm lượng dinh dưỡng trên bao bì. Khi nghi ngờ hoặc phát hiện các đối tượng bán phân bón, thuốc BVTV không có nguồn gốc, xuất xứ, kém chất lượng, cần thông tin cho cơ quan chức năng nơi gần nhất để kịp thời kiểm tra, xử lý.
PHẠM TIẾN SỸ