Nâng cao hiệu quả xử phạt nguội vi phạm về giao thông
Xử phạt nguội được xem là một trong những hình thức xử lý vi phạm giao thông hiệu quả, góp phần nâng cao ý thức tự giác của người tham gia giao thông. Tuy vậy, do nhiều nguyên nhân, hình thức xử lý này cũng có một số hạn chế nên lực lượng cảnh sát giao thông đang triển khai một số giải pháp để khắc phục.
Cảnh sát giao thông Công an tỉnh truy xuất hình ảnh người tham gia giao thông vi phạm do camera ghi lại.
Những lỗi vi phạm thường gặp của người tham gia giao thông là: vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, phóng nhanh vượt ẩu, đi không đúng phần đường, làn đường, dừng đỗ tại nơi cấm dừng. Để hạn chế những lỗi vi phạm này cũng như nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật về ATGT cho người dân, từ cuối năm 2015, lực lượng cảnh sát giao thông đã bắt đầu xử phạt vi phạm giao thông qua hình ảnh do camera di động và camera cố định tại các chốt giám sát ghi lại. Song theo thượng tá Lê Đức Minh, Phó Trưởng Công an TX An Nhơn, thì: “Việc xử phạt nguội các trường hợp vi phạm về giao thông gặp một số khó khăn. Như đối với người dân trên địa bàn thị xã thì có khoảng 60 -70% trường hợp nhận giấy báo đến nộp phạt, còn lại tìm lý do né tránh; với những trường hợp vi phạm trên địa bàn nhưng là người ở địa phương khác thì chỉ có khoảng 15 - 20% thực hiện”.
Trung tá Ngô Đức Hoài, Phó trưởng Phòng cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Công an tỉnh, cho biết: Năm 2016, lực lượng cảnh sát giao thông toàn tỉnh đã ghi hình, phát hiện, tra cứu, xác minh và gửi thông báo đến 3.675 trường hợp vi phạm trật tự ATGT, tuy vậy chỉ có chưa tới 35% số trường hợp đến nộp phạt. Riêng từ đầu năm đến nay, trong tổng số 1.246 trường hợp vi phạm được gửi thông báo thì cũng chỉ có 314 trường hợp (26%) chấp hành quy định đến nộp phạt.
Nguyên nhân chung khiến tỉ lệ người vi phạm đến nộp phạt nguội không cao rơi vào các trường hợp sau: Gần 60% thông báo xử phạt bị gửi trả lại do không có địa chỉ, không có người nhận (một phần do xe không chính chủ, hoặc người nhận chuyển chỗ ở). Ngoài ra, cũng có thực tế là khi lực lượng chức năng phối hợp với chính quyền địa phương xác minh địa chỉ, đến nhà người vi phạm thì gia đình chống chế bằng cách cho biết không có người vi phạm ở nhà, trong khi văn bản pháp luật chưa có quy định cụ thể về việc cưỡng chế những trường hợp này.
Trước thực trạng này, ngành chức năng đã chủ động triển khai một số giải pháp cụ thể: Tăng cường sự phối hợp giữa các địa phương để trao đổi thông tin, xác minh địa chỉ các trường hợp vi phạm, mở nhiều đợt cao điểm ghi hình xử lý nguội; tăng cường hơn nữa việc xử lý “nóng trong nguội”. Trung tá Hoài giải thích: “Cảnh sát giao thông toàn tỉnh bố trí lực lượng, phân ra nhiều tổ, vừa sử dụng camera và máy đo tốc độ để ghi hình xử lý những trường hợp vi phạm rồi thông báo cho lực lượng chốt chặn liền kề để xử lý nóng. Cách thức này đã và đang góp phần tăng tỉ lệ xử lý nguội và nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông của người dân”.
Điều này được thể hiện rõ khi chúng tôi theo chân một tổ công tác của cảnh sát giao thông tuần tra trên tuyến QL1A cách đây 1 tuần. Trong vòng khoảng 45 phút, tổ công tác lập biên bản phạt nguội gần 10 trường hợp ô tô, mô tô vi phạm do camera ghi hình trước đó. Khi bị chặn xe lại, một tài xế xe ô tô 7 chỗ, thắc mắc: “Tôi bị lỗi gì mà thổi phạt?”. Tổ công tác mời tài xế đến bàn làm việc, trích hình ảnh dữ liệu trên máy tính, cho thấy, cách đó khoảng 15 phút, lúc 14 giờ 33 phút ngày 7.4, ô tô này đã vi phạm lỗi đỗ xe nơi có biển báo “cấm đỗ xe”, đoạn thuộc xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước. Và lúc này, tài xế xe ô tô mới chấp hành quyết định xử lý.
Để giữ gìn trật tự ATGT, việc tăng cường xử phạt nguội hay “nóng trong nguội” cũng chỉ là một trong các giải pháp tình thế. Quan trọng và bền vững nhất vẫn là tinh thần tự giác tuân thủ pháp luật của người tham gia giao thông.
KIỀU ANH