Phước Hưng: Ði lên nhờ phát triển đa ngành nghề
Về Phước Hưng (huyện Tuy Phước) trong những ngày tháng 4 này, đi trên đường liên xã chạy dài từ thôn Nho Lâm đến giáp xã Phước Quang, từ trung tâm xã đến giáp tỉnh lộ 636B mới trải nhựa phẳng lì, hai bên đường lúa Ðông Xuân chín vàng trĩu hạt, cùng màu xanh ngắt của những vườn khổ qua, sú lơ, bí đao… cho thấy một vùng quê giàu đẹp đang vươn lên từng ngày.
Nông dân Phước Hưng tham gia khử lẫn lúa giống trên cánh đồng lớn.
Phước Hưng (huyện Tuy Phước) có nhiều nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Toàn xã hiện có trên 1.000 hội viên đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp (860 hội viên cấp xã, 111 hội viên cấp huyện, cấp tỉnh 25 hội viên và 4 hội viên cấp Trung ương).
Với diện tích 660 ha chuyên trồng lúa, chiếm 86% diện tích đất nông nghiệp, Phước Hưng phần lớn dựa vào kinh tế nông nghiệp, song ruộng đất manh mún, diện tích ít, sản xuất nhỏ lẻ, hiệu quả kém. Từ thực tế trên, vào năm 2010, địa phương bắt đầu liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa giống với Công ty Giống cây trồng Miền Trung-Tây Nguyên, thuộc Tổng Công ty Giống cây trồng Thái Bình.
Ông Trần Tăng Long, Giám đốc HTXNN Phước Hưng, cho biết: Phương án liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa giống được trình Đại hội thành viên, được sự đồng thuận cao và được UBND xã thống nhất. Để mô hình hợp tác đạt hiệu quả cao, HTX đã chủ động phối hợp vận động bà con nông dân tham gia quy hoạch vùng sản xuất lúa giống tập trung theo cánh đồng mẫu lớn và cánh đồng lớn có năm lên đến 590 ha. HTX làm cầu nối ký kết hợp đồng với doanh nghiệp, tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật đồng bộ; cử cán bộ kỹ thuật phối hợp với Công ty đứng chân trên từng cánh đồng, hướng dẫn từ khâu ngâm ủ, gieo sạ, đến chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh kịp thời và tổ chức khử lẫn tập trung. Công ty thu mua 100% sản phẩm làm ra với giá cao hơn thóc thường từ 1.500 đồng/kg-1.700 đồng/kg, lợi nhuận cho hộ nông dân từ năm 2010 đến năm 2015 trên 13,3 tỉ đồng.
Không những thâm canh cây lúa đưa năng suất, sản lượng tăng cao, nông dân trong xã còn cải tạo vườn tạp, tận dụng đất thổ cư… chuyển đổi cơ cấu cây trồng, biến những mảnh vườn cằn cỗi thành màu xanh của các loại rau có giá trị kinh tế. Mỗi năm sản xuất từ 100 - 120 ha cây màu, gồm ớt, sú lơ, khổ qua, bí đao, đu đủ…, cho thu nhập bình quân từ 120 - 170 triệu đồng/ha/năm, cao hơn nhiều so với trồng lúa. Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài” nông dân Phước Hưng còn đẩy mạnh phong trào chăn nuôi, đến nay đàn trâu bò hiện có 941 con, đàn vịt có 10.300 con, đàn gà 105.000 con, đàn heo 7.160 con, góp phần tăng thu nhập.
Những gương mặt nổi trội có tiếng làm ăn giỏi, vươn lên làm giàu tiêu biểu trong phong trào có các hộ: Đặng Xuân Sang, ở thôn Nho Lâm, chuyên làm dịch vụ máy cày, nuôi bò, heo, thu lãi 140 triệu đồng/năm; Nguyễn Thị Lệ, ở thôn Lương Lộc, nuôi heo thịt gia trại, thu lãi 200 triệu đồng/năm; Ngô Thắng Lãm, ở thôn Biểu Chánh, với hơn 10 sào đất vườn chuyên trồng các loại rau trái vụ, thu lãi 120 triệu đồng/năm; Phạm Đình Trung, thôn Quảng Nghiệp làm nghề điêu khắc gỗ thu lãi 150 triệu đồng/năm. Ông Nguyễn Công Toàn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Hưng, chia sẻ: Đời sống của nông dân xã nhà từng bước đổi thay, không những cơ sở hạ tầng ngày một khang trang phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt mà còn cải tiến được cơ cấu bữa ăn hàng ngày nhờ thu nhập từ phát triển kinh tế nông nghiệp, VAC. Xã tập trung phát triển các nghề may công nghiệp, đan nhựa giả mây, sản xuất gạch không nung; các ngành nghề truyền thống, mộc chạm trỗ, điêu khắc đá, làm chổi đót... đã giải quyết việc làm cho trên 98% số lao động chủ yếu là nông dân, mức thu nhập bình quân đầu người tính đến nay 32 triệu đồng/năm, hộ nghèo giảm xuống dưới 3%.
Đến nay toàn xã không có nhà ở đơn sơ, 100% số hộ sử dụng điện, có phương tiện nghe nhìn, xe máy đi lại.
XUÂN THỨC