Mô hình thâm canh lúa SRI ở Hoài Mỹ: Hiệu quả thiết thực
Với mục tiêu tăng năng suất kết hợp nâng cao vai trò phụ nữ trong canh tác lúa, góp phần giảm thiểu tác hại đến môi trường, mô hình cánh đồng mẫu lớn áp dụng phương pháp thâm canh lúa cải tiến (SRI) được triển khai trong vụ Ðông Xuân 2016-2017 trên cánh đồng xã Hoài Mỹ (huyện Hoài Nhơn) đã đạt hiệu quả thiết thực.
Tham quan mô hình lúa SRI ở Hoài Mỹ.
Mô hình có quy mô 50 ha, sử dụng giống lúa Vật tư Nghệ An 2, gồm 190 hộ nông dân tham gia. Với phương pháp này nông dân phải thực hiện nghiêm ngặt theo quy trình giảm giống, giảm phân, giảm thuốc bảo vệ thực vật và giảm nước tưới.
Bà Trần Thị Vân, nông dân ở thôn Định Công, tham gia mô hình, bày tỏ: “Hồi trước giờ nông dân tụi tui toàn gieo sạ có ít cũng 4kg giống/sào, còn nhiều có khi 6-7kg/sào. Mới đầu tập huấn mô hình, cán bộ kỹ thuật nói sạ 2,5kg giống/sào, ai cũng hoài nghi, rồi tới phân, nước tưới, cái gì cũng ít hơn bình thường, bà con rất lo lắng. Nhưng được cán bộ thường xuyên đến kiểm tra, động viên nên bà con cũng yên tâm. Đến giờ thu hoạch rồi mới thấy là có hiệu quả thiệt”.
Qua hạch toán kinh tế, mô hình cánh đồng mẫu lớn áp dụng phương pháp thâm canh lúa cải tiến đem lại hiệu quả thiết thực, năng suất lúa đạt 78 tạ/ha, cao hơn ruộng ngoài mô hình 5 tạ/ha; tổng chi phí đầu tư thấp hơn gần 1,7 triệu đồng/ha, lợi nhuận trong mô hình SRI đạt gần 40 triệu đồng/ha, cao hơn 15,7 triệu đồng so với ruộng ngoài mô hình. Không chỉ tăng năng suất, tăng lợi nhuận, qua các lớp tập huấn còn giúp các chị em nắm được các kiến thức về giới tính, nâng cao vai trò vị thế của phụ nữ trong hoạt động sản xuất nông nghiệp cũng như giúp chị em ý thức được tác hại của việc lạm dụng thuốc trừ sâu, phân hóa học trong quá trình canh tác ảnh hưởng đến môi trường cũng như nông sản làm ra.
Bà Nguyễn Thị Mai ở thôn Khánh Trạch, nhận xét: “Hồi giờ đi tập huấn tui toàn để ông xã đi, ở nhà mình còn làm nhiều việc khác, nhưng đợt này tham gia mô hình hợp tác xã yêu cầu phải là phụ nữ đi tập huấn thấy cũng lạ, nhưng tham gia vài buổi là thấy thích vì ngoài hướng dẫn canh tác lúa còn nghe cán bộ nói về bình đẳng giới, về vai trò của phụ nữ. Qua các lớp tập huấn rồi mới thấy bấy lâu nay mình cứ nghĩ “nhiều cây nhiều trái” nên sạ dày là sai lầm, rồi phân nhiều nước nhiều là tốt, ai ngờ làm như vậy vừa tốn chi phí vừa gây lãng phí nước, lãng phí phân, cây lúa phát triển kém lại còn ảnh hưởng môi trường, tồn dư chất hóa học trong lúa gạo”.
ÁNH NGUYỆT