Gỡ khó cho công tác thi hành án
Tuy tình hình thi hành án dân sự (THADS) trong 6 tháng đầu năm 2017 (tính từ 1.10.2016 đến 31.3.2017) có nhiều chuyển biến tích cực cả về mặt tổ chức lẫn kết quả thi hành án (thi hành xong trên 55% số việc so với chỉ tiêu được giao), nhưng nhìn chung, công tác THADS vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới.
Khó khăn
Theo Cục THADS tỉnh, công tác giải quyết các vụ việc liên quan đến tín dụng ngân hàng được xem là khó khăn nhất, bởi hầu hết đều liên quan đến bất động sản là tài sản thế chấp, cầm cố, bảo lãnh. Trong 6 tháng vừa qua, tổng số việc và tiền thuộc loại này Cục THADS tỉnh phải thi hành là 192 việc/782,4 tỉ đồng (2,89% số việc/73% số tiền trong tổng số việc và tiền phải thi hành) nhưng đơn vị mới thi hành được 3 việc/36 tỉ đồng (đạt 1,5% số việc/4,5% số tiền).
Chi cục THADS thị xã An Nhơn phối hợp với các cơ quan chức năng của thị xã, UBND xã Nhơn Phúc tổ chức cưỡng chế THA thành công một trường hợp tại xã. Trước đó, người phải THA cương quyết không tự nguyện THA, có thái độ manh động, dùng nhiều lời lẽ hăm dọa chống đối THA. Ảnh: HOÀNG CHƯƠNG
Ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục Trưởng Cục THADS tỉnh, cho biết: “Sở dĩ lĩnh vực này được xem là phức tạp là do một số trường hợp các ngân hàng nhận thế chấp tài sản có giá trị thấp hơn nhiều so với số tiền phải thi hành án (THA). Hơn nữa, hầu hết các vụ việc loại này đều liên quan đến bất động sản hoặc động sản có đăng ký. Mặc dù thị trường bất động sản đã ấm dần lên nhưng nhiều tài sản vẫn rất khó bán, nhiều vụ việc phải định giá lại tài sản nhiều lần mà vẫn không có người mua”.
Cùng với đó, khi tài sản bị kê biên, các trung tâm bán đấu giá định giá quá cao, nên dù các chấp hành viên đã hạ giá nhiều lần vẫn không bán được, ngoài ra còn là tâm lý ngại mua tài sản bị kê biên của nhiều người. Mặt khác, ý thức chấp hành pháp luật của người phải THA, người có quyền, nghĩa vụ liên quan chưa cao, cố tình chống đối việc THA như: không nhận quyết định văn bản THA; cố tình thay đổi hiện trạng tài sản, tẩu tán tài sản; lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để trì hoãn, kéo dài thời gian THA.
Bên cạnh đó, mặc dù Luật THADS đã có quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức hữu quan trong công tác THADS, nhưng thực tế vẫn có nhiều trường hợp án khó thi hành bởi không có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan có thẩm quyền. Vấn đề này thể hiện rõ nhất trong các bản án được tuyên không rõ ràng, khiến quá trình THA kéo dài.
Điển hình như trong vụ việc của ông Lê Chiến ở huyện Hoài Ân, theo quyết định tại bản án phúc thẩm năm 2013 của TAND tỉnh và trước đó là bản án sơ thẩm năm 2006 của TAND huyện Hoài Ân thì hai ông Võ Thái Bình và Huỳnh Văn Thông phải có trách nhiệm hoàn trả 5.914 m2 đất lâm nghiệp xâm chiếm trái phép và di dời, tháo dỡ toàn bộ 3.000 cây keo lá tràm đã trồng trái phép trên đất lâm nghiệp đã được Nhà nước giao quyền sử dụng cho ông Lê Chiến. Chi cục THADS Hoài Ân đã có 2 công văn yêu cầu tòa án giải thích việc “di dời, tháo dỡ” đối với 3.000 cây keo lá tràm là như thế nào, nhưng đến nay chưa nhận được văn bản trả lời.
Nỗ lực vượt khó
Xác định những khó khăn trên nên ngay từ khi triển khai nhiệm vụ năm 2017, Cục THADS tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan THADS phải tập trung triển khai quyết liệt.
Cục Trưởng Cục THADS tỉnh Nguyễn Xuân Hồng cho hay: Năm 2017, ngành THA tỉnh phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, đó là thi hành xong trên 72% số việc, 32% số tiền, giảm ít nhất 9% số việc và 6% số tiền có điều kiện thi hành chuyển kỳ sau so với năm 2016. Để khắc phục những khó khăn trong công tác THA, cần nhiều giải pháp đồng bộ. Trước tiên là công tác tổ chức cán bộ và nghiêm túc phòng chống tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực THADS, thực hiện nghiêm chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, chấp hành viên. Ngoài ra, đơn vị cũng tiến hành bố trí, sắp xếp, kiện toàn cán bộ theo hướng tăng cường về cơ sở, định kỳ kiểm tra tiến độ THA, trực tiếp nghe báo cáo án, điều chuyển án giữa các chấp hành viên tại Cục. Tập trung thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết kịp thời các đơn thư của công dân, không để đơn thư tồn đọng.
Theo ông Hồng, đối với lĩnh vực tín dụng, ngân hàng, ngành tập trung tổ chức thi hành dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành, đồng thời phối hợp với Ngân hàng nhà nước Chi nhánh Bình Định chỉ đạo các tổ chức tín dụng có nợ xấu phối hợp chặt chẽ với các cơ quan THADS trong quá trình tổ chức THA để tạo sự chuyển biến căn cơ.
Bên cạnh đó, ngành cũng tăng cường giám sát việc thẩm định, bán đấu giá tài sản, chỉ đạo giải quyết dứt điểm đối với các vụ đã kê biên chưa xử lý được tài sản và các việc cưỡng chế còn chưa giao tài sản trong năm 2016.
Dù vậy, bên cạnh sự nỗ lực của ngành THADS tỉnh, các ngành liên quan, các cấp chính quyền địa phương cũng cần tích cực vào cuộc, phối hợp chặt chẽ, kịp thời để giải quyết những vướng mắc trong quá trình THA.
HỒNG PHÚC