Canh Thuận làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở
Xã Canh Thuận, huyện Vân Canh có 7 làng, 1 thôn, dân cư gồm các dân tộc: Kinh, Bana, Chăm, Thái chung sống. Với việc giải quyết thấu đáo những tranh chấp nhỏ trong dân, không để đơn thư khiếu nại vượt cấp, xã Canh Thuận đang là một trong những địa phương đi đầu của huyện Vân Canh về công tác hòa giải ở cơ sở.
Cán bộ xã Canh Thuận tham dự một buổi hòa giải ở làng Hòn Mẻ.
Theo ông Đinh Văn Quang, Chủ tịch UBND xã Canh Thuận, những mâu thuẫn, tranh chấp nảy sinh trong đời sống hàng ngày, đặc biệt là với người đồng bào dân tộc thiểu số, nếu không được giải quyết sớm có thể dẫn đến hậu quả phức tạp, nhất là khi hiểu biết pháp luật của họ còn hạn chế. Bởi vậy, công tác hòa giải ở cơ sở luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền trong xã quan tâm. Hiện nay ở mỗi thôn, làng đều có một tổ hòa giải khoảng 10 thành viên do trưởng ban công tác Mặt trận thôn, làng làm tổ trưởng và đặc biệt là có sự tham gia của già làng, người có uy tín trong cộng đồng. Trong quý I năm nay, các tổ hòa giải đã hòa giải thành 6/6 vụ việc ngay tại cơ sở (giảm 2 vụ so với cùng kỳ), không có vụ việc nào chuyển lên UBND xã. Đơn cử như trường hợp của vợ chồng anh Đinh Văn M. và chị Đoàn Thị V. ở làng Hòn Mẻ, do ghen tuông nên suốt ngày vợ chồng cãi nhau ầm ĩ, không những đưa đơn ly dị ra tòa mà còn làm ảnh hưởng đến trật tự trong làng. Nhờ tổ hòa giải của làng kiên trì đến tận nhà phân tích, thuyết phục, cuối cùng hai bên đã làm lành.
Điểm nổi bật ở Canh Thuận là nhờ xã làm tốt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nên nhận thức về pháp luật của người dân nơi đây ngày một nâng cao. Hầu hết các vụ việc đều chỉ là mâu thuẫn nhỏ, chủ yếu là mâu thuẫn vợ chồng, các vụ tranh chấp đất đai chiếm tỉ lệ rất ít. Thường vào các buổi họp của thôn, làng, cán bộ tư pháp xã sẽ kết hợp về dự để phổ biến pháp luật, từ đó sẽ hạn chế các tranh chấp dân sự ở địa phương. Ngoài ra, trong các buổi hòa giải, đều có sự tham gia của lãnh đạo xã để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con nhằm có cách giải quyết sớm và phù hợp nhất. Già làng Mang Thướp (làng Hòn Mẻ), người có kinh nghiệm hơn 30 năm tham gia công tác hòa giải, tâm sự: “Có người bảo già là đừng “vác tù và hàng tổng”, nhưng cứ nghĩ có thể giữ được tình làng nghĩa xóm, không để xảy ra mâu thuẫn trong làng là già lại quyết tâm hòa giải. Mình chỉ cần đưa ra “cái lý” thì đồng bào sẽ nghe thôi”.
Để tiếp tục làm tốt công tác hòa giải trong thời gian tới, ông Đinh Văn Quang, Chủ tịch UBND xã Canh Thuận, cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục củng cố, kiện toàn các tổ hòa giải, nâng cao trình độ cho các hòa giải viên. Trong đó, chú trọng những kiến thức liên quan đến Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Đất đai để có thể tuyên truyền, giải thích cho người dân hiểu rõ. Đồng thời, chúng tôi sẽ chỉ đạo phân công các thành viên trong tổ hòa giải tiếp cận từng hộ dân để kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng của bà con, từ đó có cách giải quyết sớm và phù hợp”.
HỒNG PHÚC