Ăn để khỏe
Ðã xa dần cái thời thiếu thốn, ăn chỉ để no. Khi đời sống khấm khá hơn, người ta ăn ngon, hướng tới ăn để khỏe. Thực phẩm khi ấy không chỉ là món ăn, mà còn là cả vị thuốc.
Quả phật thủ có thể được dùng làm thực phẩm, nhưng phải chú ý nguồn gốc để lựa chọn sản phẩm an toàn.
Ăn không chỉ để no
Mỗi dịp Tết đến, phật thủ là loại quả được nhiều người chọn mua vì hình dáng “tay Phật”, quan niệm mang lại phúc lộc cho cả nhà. Không chỉ trưng bàn thờ, loại quả này còn được dân gian lưu truyền có nhiều tác dụng chữa bệnh.
Bà Cẩm (ở phường Đống Đa, TP Quy Nhơn) có sở thích tìm hiểu tác dụng chữa bệnh của các loại hoa quả. Bà bảo, theo sách Đông y, phật thủ “vị cay, đắng, chua, tính ấm, có tác dụng chữa các chứng ăn không tiêu, đầy bụng, đau dạ dày, đau gan, cổ họng nghẹn tắc, ngực tức đầy, mạn sườn trướng đau...”. Phật thủ có thể dùng để ngâm rượu, đun nước uống, nấu cháo, nhưng hấp dẫn nhất là làm mứt. Thế là, bà cặm cụi làm món mứt phật thủ, cất vào hũ để dùng dần. “Tuy nhiên, phải chú ý nguồn gốc của phật thủ để có sản phẩm sạch, an toàn. Vì ở nhiều nơi người ta phải chăm sóc cầu kỳ, phun thuốc để giữ phật thủ đẹp và tươi”, bà rành rọt nói.
Ở quê, nhà trồng rau, bà Nguyễn Thị Dễ (xã Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ) không lo thiếu rau sạch. Trước nhà là bàu Thanh Thủy, mùa mưa nước mênh mông, đủ loại tôm cua cá. Nhà có người đêm đi thả lưới, sáng sớm về cũng được vài ký các loại, cái gì cũng bán được, riêng cá rô đồng bà nhất quyết để lại. “Cá rô ở bàu nên sạch sẽ, cứ để nguyên con chiên xù, nướng, kho rim… ăn cơm. Ngoài ra, canh cá rô rau cải cũng là món ăn thường xuyên của cả nhà. Tui luôn ép con bé út ăn thật nhiều, bởi nó ốm yếu, ăn uống khó tiêu, bụng ì ạch suốt. Ăn cá rô, mấy chứng đó giảm hẳn”, bà chia sẻ.
Có phải “ăn gì bổ nấy”?
Sinh thời, Thầy thuốc Nhân dân Trang Xuân Chi có đam mê đặc biệt với vị thuốc từ cây cỏ, hoa lá… dễ tìm dễ thấy. Ông đúc kết kinh nghiệm cả đời qua sách “Những vị thuốc quanh ta”. Trong đó, có nhiều loại thực phẩm có tác dụng chữa bệnh hữu hiệu: lá mơ - bài thuốc trị kiết lỵ và có khả năng giảm men gan, hẹ - một loại kháng sinh quý cho trẻ em, dầu dừa chữa các bệnh về đường tiêu hóa, rau ngành ngạnh rất tốt cho tiêu hóa - thần kinh…
Song, không phải ai cũng sử dụng thực phẩm đúng cách để phát huy công dụng của chúng. Đó là khi người ta “ngây thơ” thực hiện phương châm “ăn gì bổ nấy”. Theo Trưởng khoa Dinh dưỡng BVĐK tỉnh, bác sĩ Vương Thị Thái Hòa, quan niệm này chưa thật sự đúng. Về mặt khoa học, muốn biết loại thực phẩm nào đó thực sự bổ, tốt đối với sức khỏe hay không, chúng ta phải biết cụ thể thành phần và hàm lượng các chất dinh dưỡng của nó.
Như người bị suy thận, nhất là người mắc hội chứng thận hư, thường bị rối loạn chuyển hóa lipid, lượng cholesterol trong máu tăng cao mà lại ăn nhiều thận sẽ càng làm bệnh nặng thêm. Cũng vậy, người bị bệnh tim mạch (tăng huyết áp, xơ vữa động mạch…) nếu ăn nhiều tim thì lượng cholesterol trong máu tăng cao, không tốt cho sức khỏe. “Cũng như có người bị đau đầu nên mua óc về ăn, hoặc quan niệm cho trẻ ăn óc để thông minh, là không đúng, không có cơ sở khoa học. Vì lượng đạm trong óc heo thấp, chỉ bằng một nửa của gan, thịt, cá, nhưng hàm lượng cholesterol lại cao. Chỉ cần ăn 100g óc heo thì cơ thể phải nhận lượng cholesterol là 2.195mg, cao gấp 7 lần nhu cầu hàng ngày”, bác sĩ Hòa giải thích.
Bác sĩ Hòa cũng từng gặp nhiều trường hợp trẻ ngày càng vàng mắt, vàng da, chán ăn, nhưng không phải bị bệnh gan mà do gia đình lạm dụng thực phẩm bổ dưỡng. Một người mẹ kể với bác sĩ, gần đây chị thường xuyên cho con ăn cháo nấu với cà rốt, khoai tây vì nghe nói cà rốt rất bổ dưỡng, chứa nhiều vitamin, khoáng chất, đặc biệt là vitamin C. Và người mẹ này nhận được lời khuyên từ bác sĩ dinh dưỡng: “Mặc dù cà rốt rất bổ dưỡng, nhưng ăn nhiều thường xuyên thì cơ thể sẽ không chuyển hóa hết được beta-caroten, chất này ứ đọng trong cơ thể gây vàng mắt, vàng da, chán ăn, chỉ cần ngừng ăn thì các biểu hiện trên sẽ hết. Chỉ nên ăn hoặc uống nước ép cà rốt 2-3 lần/tuần. Người lớn ăn khoảng 100g/lần, trẻ em ăn khoảng từ 30-50g/lần”.
NGUYỄN VĂN TRANG