Cháy mãi ngọn lửa văn nghệ xung kích: Nhìn từ điển hình Ân Hảo
Sau ngày giải phóng (19.4.1972) huyện Hoài Ân có hơn 1.000 ngày đêm chống lại sự nống lấn, tái chiếm của địch. Ðể động viên, cổ vũ tinh thần đấu tranh bảo vệ thành quả cách mạng, lãnh đạo huyện cho thành lập 9 đội văn nghệ xung kích (VNXK).
Thời chiến, xung kích làm văn công; thời bình, hăng hái tham gia văn nghệ.
- Trong ảnh: Các thành viên: Thanh Phước (đàn bầu), Văn Thạch (trống), Văn Lắm (nhị), Minh Hùng (guitar) tham gia tại Hội diễn nghệ thuật quần chúng người cao tuổi huyện Hoài Ân - 2016.
45 năm đã trôi qua, trong 9 đội VNXK ấy, đội của xã Ân Hảo (nay là Ân Hảo Đông và Ân Hảo Tây) vẫn giữ được tinh thần văn nghệ một thời, tổ chức sinh hoạt bài bản trong hoàn cảnh mới. CLB hát ru và dân ca Ân Hảo - tiền thân của Đội văn nghệ xã Ân Hảo ngày nào - chính là sự duy trì, tiếp nối ngọn lửa VNXK mà thế hệ trước đã truyền cảm hứng cho lớp sau.
Ký ức hào hùng
“Đối với lớp trẻ tụi tôi ngày ấy, nói đến văn nghệ là trong người như có sẵn cái lò xo bị nén chặt, bật tung lên, bất chấp mưa bom bão đạn, lùng sục của quân địch. Sáng sớm gói theo cơm nắm đi bộ cả 10 cây số để học đàn, tập hát, tập kịch… Thanh niên lúc ấy mà không có máu văn nghệ là không phải thanh niên. Một người, hai người, hàng chục người tham gia, làm nên một phong trào hết sức phấn chấn, rầm rộ” - Đội trưởng Nguyễn Văn Trí mở đầu câu chuyện bằng ký ức sống động.
Còn theo thành viên Đinh Văn Thạch, Hoài Ân sau năm 1972, phong trào văn nghệ lên rất cao. Tại vùng giải phóng hay địch tạm chiếm đều hình thành những đội VNXK, đội nào cũng hoạt động rất tích cực. Chương trình biểu diễn giao lưu phục vụ nhân dân và bộ đội nhiều không nhớ hết. Những vở như “Đường ra phía trước”, “Bộ đội ta đã về”, “Quê hương nghĩa nặng tình sâu”, “Trận mới bắt đầu”… được hát, được diễn và được xem, lắng nghe bằng tất cả sự mê say, đồng cảm của người diễn, người xem hướng về cách mạng, đất nước.
Nghe đồng đội nhắc đến tên vở diễn, như đụng đến “chỗ ngứa” thuộc “bếp núc” sân khấu - sở trường của mình, thành viên Nguyễn Thanh Phước hào hứng tiếp chuyện: “Chỉ cần giao kịch bản là mạnh ai tự người nấy lo liệu, vai đó phải có chiếc áo như thế nào, mũ mão ra sao, hóa trang khuôn mặt sao cho phù hợp, anh chị em mê nên tự nghiên cứu, tự làm để diễn, tinh thần tự giác và phục vụ cao lắm. Không phải chỉ diễn trong phạm vi địa phương, đi diễn ở xa như Ân Hữu, Ân Nghĩa phục vụ bộ đội cũng không thiếu một ai. Hồi đó diễn bằng ánh sáng đèn măng-xông, địch phát hiện đưa tàu rọ (máy bay) tới là chạy xuống hầm, nguy hiểm cận kề nhưng cứ kêu đi diễn là đi, không chút bợn lòng nghĩ ngợi gì”.
Tối 14.4, toàn CLB sôi nổi tập luyện cho Chương trình Gặp mặt sáng 18.4.
Sau ngày giải phóng miền Nam, là công cuộc tái thiết quê hương. Lại một chặng đường mới của Đội. Họ đã có mặt trên các công trình như hồ Hóc Thảo (xã Ân Phong), hồ Thạch Khê (xã Ân Tường Đông) và nhiều công trình kênh mương, giao thông khác trên địa bàn huyện. Ngày đổ mồ hôi cho những công trình, đêm vút cao lời ca tiếng hát để cổ vũ, động viên tinh thần cho nhân dân.
“Thời kỳ mới, không thể cứ hát, diễn miết đề tài chiến tranh. Vậy nên tôi bắt đầu sáng tác những vở diễn, ca khúc phục vụ quê hương trên đà đổi mới. Năm 1987 khi hồ Hội Long được xây dựng, tôi viết vở dân ca cảnh “Nước về”; 1989 viết và dựng vở “Nổi dậy” kể về trận đánh ngày 9.4.1972 đánh chiếm cứ điểm Gò Loi; 2005 kịch bản “Nhận tội” phục vụ cho Hội thi Công an toàn huyện đạt giải Xuất sắc; 2016 cầu dân sinh Tân Xuân được xây dựng, tôi viết “Cầu ngang bắc nhịp đôi bờ”. Xúc cảm của người làm văn nghệ quần chúng từ thời VNXK và hơn hết là tình yêu, phấn khởi trước sự thay đổi của quê hương cứ buộc tôi viết”, ông Phước, người chuyên viết kịch bản của Đội, kể.
Tiếp lửa hôm nay
Sau ngày giải phóng, tuy không còn thực hiện nhiệm vụ chính trị, song Đội văn nghệ xã Ân Hảo vẫn rất tích cực hoạt động, đóng góp thiết thực cho phong trào văn hóa xã nhà. Chính lòng say mê văn nghệ và nhiệt tình với phong trào là điểm tựa để Đội vẫn duy trì sinh hoạt, gắn kết thành viên trong suốt mấy chục năm trời, dù ai cũng bận rộn mưu sinh.
“Phong trào văn hóa văn nghệ hiện phát triển sâu rộng trên tất cả địa phương ở Hoài Ân, trong đó nổi trội là 2 xã Ân Hảo Ðông và Ân Hảo Tây, bởi có ưu thế từ nền tảng của phong trào trước 1975 do Ðội văn nghệ xã Ân Hảo, nay là CLB hát ru và dân ca Ân Hảo, cầm chịch. Có thể nói, đây là đơn vị hoạt động bài bản, chất lượng nhất so với nhiều đội văn nghệ được hình thành trong chiến tranh”.
Ông VÕ CHÍ HÀ - Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT huyện Hoài Ân
Nhằm mở rộng hoạt động của Đội, phù hợp với điều kiện hiện tại và nhất là thu hút sự tham gia của thế hệ trẻ trong bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống, năm 2012, Đội thống nhất đổi tên thành CLB hát ru và dân ca Ân Hảo. Ngoài số thành viên cũ, CLB thu hút thêm nhiều hạt nhân, năng khiếu thuộc nhiều lứa tuổi ở địa phương tham gia.
“Với tài đàn, giọng hát, khả năng dàn dựng và biểu diễn kịch, ca cảnh, tiểu phẩm… nhiều năm hoạt động của mình, số thành viên cựu trào đã hỗ trợ đắc lực cho cánh hạt nhân trẻ. Phong trào văn hóa của 2 xã Ân Hảo Đông và Ân Hảo Tây may mắn có sự tham gia tích cực của các cô, chú trong Đội văn nghệ ngày trước”, anh Nguyễn Thanh Ân, 26 tuổi, thành viên CLB, cho biết.
Ngoài sinh hoạt thường xuyên, định kỳ một năm 2 lần vào dịp 30.4 và 22.12, CLB xây dựng chương trình biểu diễn quy mô hơn, chào mừng 2 ngày kỷ niệm chính trị của đất nước, đồng thời cũng là cách “báo cáo” kết quả sinh hoạt của CLB. Đặc biệt hơn, cứ 2 năm một lần, CLB đứng ra tổ chức Chương trình Gặp mặt cán bộ, chiến sĩ trước năm 1975 xã Ân Hảo Đông và Ân Hảo Tây. Điểm thú vị của chương trình gặp mặt này là khâu văn nghệ không phải là “màn phụ”, theo kiểu văn nghệ chào mừng để mở màn buổi lễ mà đó là một chương trình ôn lại truyền thống bằng văn nghệ do chính những “chiến sĩ văn công” một thời của địa phương biểu diễn.
Chủ nhiệm CLB Nguyễn Văn Trí bày tỏ: “Đó là chương trình biểu diễn xúc động nhất của chúng tôi, khi bao bọc xung quanh mình toàn những người trong cuộc, cảm giác như đang đứng trên những sân khấu dã chiến ngày nào. Hơn nửa tháng nay, CLB tích cực tập luyện cho chương trình Gặp mặt sẽ diễn ra sáng 18.4, buổi biểu diễn này đúng dịp kỷ niệm 45 năm giải phóng huyện nhà, càng xúc động hơn”.
TỐNG BÌNH - SAO LY