Phát huy tiềm năng, giá trị văn hóa ở Hoài Ân
Hoài Ân một vùng đất được thiên nhiên ban tặng những thắng cảnh hữu tình, di tích lịch sử văn hóa, có nhiều làng nghề truyền thống (ươm tơ dệt lụa, đan nong, làm nón lá), là vùng đất hiếu học…
Khu di tích lịch sử Núi Chéo một địa chỉ văn hóa được huyện Hoài Ân tôn tạo phát huy hiệu quả trong những năm qua.
Đất Hoài Ân, ghi nhiều dấu son lịch sử, nơi đã từng là hậu cứ cách mạng an toàn trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ bất khuất và anh dũng của dân tộc. Nên không phải tình cờ mà ngay từ năm 1972, sau chiến dịch Xuân - Hè, ta đã giải phóng hoàn toàn huyện Hoài Ân. Trong hơn 45 năm xây dựng, trên đất Hoài Ân cũng đã hình thành nhiều công trình có thể xây dựng thành khu vui chơi giải trí phục vụ du lịch sinh thái trong tương lai.
Tuy nhiên, để góp phần phát triển các tiềm năng, di tích cũng như các giá trị văn hóa truyền thống, đặc biệt là phục vụ phát triển du lịch, các cấp ngành liên quan cần phối hợp, hoạch định một kế hoạch tôn tạo, xây dựng các di tích lịch sử văn hóa, các danh lam thắng cảnh, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân gian truyền thống các dân tộc trên địa bàn.
Trước mắt, có lẽ cần sớm phát huy giá trị di tích Đền thờ Tăng Bạt Hổ, Khu lưu niệm nơi thành lập Chi bộ Vạn Đức, Khu di tích Văn chỉ Hoài Ân, Khu di tích lịch sử Núi Chéo; kêu gọi đầu tư xây dựng khu vui chơi, du lịch sinh thái hồ Vạn Hội, hồ Thạch Khê, duy trì phát huy và bảo tồn các lễ hội văn hóa dân gian của dân tộc Hre, dân tộc Bana ở xã Ân Sơn, Đắk Mang, Bok Tới để hình thành tuyến tham quan, du lịch văn hóa lịch sử, du lịch sinh thái trên vùng đất Hoài Ân.
Hoài Ân có thể phối hợp với các cơ quan đơn vị, địa phương bạn tổ chức các chuyến về nguồn - về “An toàn khu” thời 9 năm kháng chiến ở Ân Thạnh; về vãn cảnh tại các thác nước hùng vĩ như thác đổ Nghĩa Điền (Ân Nghĩa), thác Trà Kơi (Bok Tới), thác Nước Lương (Đák Mang), thác Đá Yàng (Ân Hảo Đông)… Khi được bạn bè gần xa biết đến nhiều hơn, khi có đà rồi, Hoài Ân sẽ còn đi xa hơn nữa.
HÀ HOÀI ÂN