Hoài Ân: Phát huy thế mạnh sản xuất nông - lâm nghiệp
Nhờ đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sản xuất nông nghiệp ở Hoài Ân có sự chuyển biến tích cực. Ðiểm sáng đáng ghi nhận là kinh tế nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa, hình thành ngày càng nhiều các trang trại, gia trại mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Trang trại trồng hồ tiêu của ông Đỗ Thành Long ở thôn Thạch Long 1, xã Ân Tường Đông (Hoài Ân) cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Ông Hoàng Phi Long, Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân, cho biết: Với đặc thù là một huyện trung du miền núi, địa phương xác định phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp là thế mạnh, tạo đòn bẩy để nâng cao thu nhập cho người dân. Huyện đã tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp, hình thành các trang trại, gia trại trồng cây ăn quả, chăn nuôi, gắn với đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Khuyến khích người dân xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh tập trung, áp dụng các tiến bộ KHKT, xây dựng nhiều cánh đồng mẫu, chuyển đổi mùa vụ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi…, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất.
Kết quả là ngành Nông nghiệp của huyện phát triển khá toàn diện. Năng suất, chất lượng các loại cây trồng ngày càng nâng cao. Riêng vụ Đông Xuân năm nay, lần đầu tiên năng suất lúa bình quân toàn huyện vượt 70 tạ/ha. Nhiều loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao đã được quy hoạch và phát triển mạnh như: hồ tiêu, bưởi da xanh, bơ sáp, dừa xiêm…, tạo hướng đi mới trong phát triển sản xuất nông nghiệp của huyện.
Hoài Ân cũng đã tập trung đẩy mạnh phát triển chăn nuôi heo theo hướng trang trại, gia trại. Toàn huyện có 42 trang trại và trên 3.500 gia trại chăn nuôi heo với tổng đàn gần 300 ngàn con heo, chiếm gần 1/2 tổng đàn heo toàn tỉnh. Trong năm 2016, tổng giá trị sản xuất của ngành chăn nuôi Hoài Ân đạt trên 1.160 tỉ đồng, chiếm 67,8% trong cơ cấu ngành nông nghiệp toàn huyện. Nhằm nâng cao hiệu quả chăn nuôi, tăng sức cạnh tranh, hầu hết các trang trại chăn nuôi ở Hoài Ân đã mạnh dạn đầu tư cơ sở hạ tầng, chuồng trại, con giống, chăn nuôi theo mô hình công nghệ cao, gắn với an toàn sinh học, đảm bảo an toàn dịch bệnh.
Ngoài ra, với lợi thế có diện tích đất lâm nghiệp, đồi gò lớn, huyện đã thực hiện tốt công tác giao đất, giao rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng cho người dân. Tận dụng các diện tích đất trống, đồi núi trọc và các loại cây trồng kém hiệu quả chuyển sang trồng rừng kinh tế; góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu chính đáng. Hiện, tỉ lệ che phủ rừng trên địa bàn đạt 61,6%, tăng gần 12% so với năm 2010.
Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng NN&PTNT huyện Hoài Ân, cho biết: Nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế trong sản xuất nông nghiệp, trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, Hoài Ân tiếp tục tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên cơ sở tổ chức lại sản xuất, dựa vào các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh trên thị trường, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất. Phấn đấu tăng trưởng kinh tế nông - lâm - thủy sản hàng năm đạt mức 7,9%. Phấn đấu giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha trồng trọt đạt 100 triệu đồng/năm.
Để đạt được các mục tiêu trên, huyện tăng cường chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn sản xuất với tiêu thụ theo mô hình liên kết chuỗi. Tập trung mở rộng các cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa; phấn đấu đạt 100% diện tích sử dụng các giống lúa lai, lúa thuần năng suất cao. Mở rộng diện tích trồng hồ tiêu ổn định trên 500 ha; mở rộng các vùng chuyên canh trồng cây ăn trái như: bưởi da xanh, quýt ngọt, bơ sáp, dừa xiêm. Tập trung phát triển chăn nuôi trang trại, gia trại theo hướng công nghệ cao, gắn với đảm bảo vệ sinh môi trường…
Bài và ảnh: NGUYỄN HÂN