Truyền cảm hứng
Vừa được gần 1 tuổi, cháu Nguyễn Quang Khang (ở thôn Tráng Long, xã Nhơn Lộc, TX An Nhơn, nay đã qua đời), phải vào BVĐK tỉnh để điều trị bệnh teo cơ tủy bẩm sinh (SMA - Spinal Muscular Atrophy). Trong 8 năm liên tục, Khang chưa một lần về lại nhà. Trên giường bệnh em lớn dần lên trong tình thương mênh mông của mẹ và sự yêu thương, chăm sóc tận tình của thầy thuốc, nhân viên y tế Khoa Hồi sức - Cấp cứu nhi.
Chị Lê Thị Trò (SN 1973) - mẹ của cháu Khang kể: “Khi tôi dạy cho con học chữ, làm tính, cũng có người nói thế này thế kia, kiểu như bệnh vậy thì học để làm gì. Nhưng tôi cứ dạy, cho con và cả cho tôi nữa. Để cháu thấy mình cũng là một người bình thường, hay ít ra cũng là một bệnh nhân bình thường. Còn với tôi, điều đó còn là để gieo một hy vọng, để mẹ con cùng chia sẻ niềm vui nho nhỏ. Khi Khang thích vẽ, tôi thật sự rất vui. Tôi động viên để cháu vẽ càng nhiều càng tốt, bởi đó là cách để cháu cảm nhận niềm vui cuộc sống”.
Chuyện về mẹ con chị Trò đã truyền cảm hứng, động viên rất nhiều người có hoàn cảnh, khó khăn tương tự có thêm nghị lực sống. Với tôi, nghĩ đến cách thương con của chị Trò, tôi lại xúc động. Chị Trò thương con và “để cháu thấy mình cũng là một người bình thường”. Đơn giản vậy thôi nhưng con đường của sự đơn giản ấy thật là phi thường.
Mới đây, nghe tin Trường chuyên biệt Hy vọng Quy Nhơn tổ chức Giải bóng bàn và cờ vua cho học sinh của mình, tôi thấy rất vui.
Học sinh khuyết tật thì chơi thể thao để làm gì? Hẳn không ít người sẽ thắc mắc như vậy. Nhưng may mắn thay, ông Trần Gia Tín, Hiệu trưởng Trường chuyên biệt Hy vọng Quy Nhơn lại không nghĩ vậy. Trẻ khuyết tật học và chơi các môn thể thao phù hợp để làm gì ư? Để góp phần rèn luyện thể chất và trí tuệ cho học sinh khuyết tật. Đây là điều rất khó và để biến nó thành điều bình thường, đích thân thầy Tín đi những bước đầu tiên cùng các em. Nhờ những người như thầy Tín, cô Hiền mà giờ đây, các em khuyết tật đã có thêm cơ hội “để thấy mình cũng là một người bình thường”.
“Tôi là một người bình thường!”. Đó là đích đến của người khuyết tật mà cả xã hội, đặc biệt là những nhà khoa học, giáo dục, các nhà hoạt động cộng đồng… cùng vun đắp, chờ mong. Người khuyết tật không cần lòng thương xót, cái họ cần hơn là sự đồng cảm, chia sẻ và tôn trọng. Bởi vậy, một giải đấu quy mô cấp trường như Trường chuyên biệt Hy vọng Quy Nhơn vừa làm thật sự rất giàu ý nghĩa.
Rất có thể rồi đây sẽ có những VĐV giành được thành tích cao, mang về niềm tự hào cho quê hương chúng ta, mà điểm xuất phát của họ là từ Trường chuyên biệt Hy vọng Quy Nhơn. Nhưng trước tiên, cũng như mẹ con chị Trò, chuyện hai học sinh khiếm thính Nguyễn Lê Hoàng Phong và Cao Sơn Thanh (Trường chuyên biệt Hy vọng Quy Nhơn) đoạt HCB đồng đội nam môn cờ vua tại Hội thi thể thao học sinh khuyết tật toàn quốc lần thứ VI-2015, chắc chắn đã truyền được cảm hứng, niềm tin yêu đến với nhiều người.
ÐÔNG A
Hay cho câu nói của ông thầy hiệu trưởng : " Tôi là người bình thường "