TP Quy Nhơn sau một tuần lập lại TTÐT, lấy lại vỉa hè cho người đi bộ: Ðã thông thoáng hơn, nhưng...
Sau gần một tuần UBND TP Quy Nhơn ra quân lập lại trật tự đô thị (TTÐT) và lấy lại vỉa hè cho người đi bộ (từ ngày 11.4), đến nay, nhìn chung đường đã thông, hè đã thoáng hơn trước. Nhưng, làm thế nào để người dân tự giác chấp hành để có thể duy trì tốt việc này, và nhất là giải quyết “có lý có tình” với người vốn sống nhờ vào việc bán hàng rong là vấn đề cần đặt ra hiện nay.
Sau khi dọn dẹp, vỉa hè gần khu vực gần chợ ở phường Hải Cảng đã sạch sẽ hơn. Ảnh: K.C
Khi tuyên truyền, vận động đi trước
Trước khi ra quân, UBND TP Quy Nhơn đã giao cho địa phương thực hiện công tác tuyên truyền từ ngày 15.3. Đến ngày 11.4, khi toàn thành phố bắt đầu ra quân đồng loạt thì đã có hơn 50% các hộ dân tự động tháo dỡ các công trình lấn chiếm vỉa hè trái phép.
Như tại chợ Sân Bay (phường Lý Thường Kiệt, TP Quy Nhơn), từ ngày 7 đến 10.4, các hộ buôn bán ở các ki-ốt trên đường Tôn Đức Thắng đã chủ động dọn dẹp lại quầy bán hàng vào phía trong, thuê người đến thu dọn mái hiên. Chị H., một chủ ki-ốt bán hàng tạp hóa, vui vẻ nói: “Thực ra, tôi cũng rất ủng hộ chủ trương này. Mình bán hàng lui vào trong thì khách cũng vào bên trong mua hàng vì quầy nào cũng thế cả. Mong rằng sẽ duy trì như thế này mãi, chứ đừng để kẻ thụt vào, người tìm cách xê ra”.
Trước sự quyết liệt trong công tác lập lại TTĐT và lấy lại vỉa hè cho người đi bộ của chính quyền TP Quy Nhơn, nhiều hộ dân cũng đã hưởng ứng bằng cách tự nguyện đập bỏ những bậc tam cấp và nơi dắt xe bằng xi măng đã xây trên vỉa hè, đưa cây cảnh để trên vỉa hè vào bên trong. Anh H.L, nhà ở đường Vũ Bảo, phường Ngô Mây, phấn khởi nói: “Nhà tôi cũng lấn ra vỉa hè làm chỗ để xe. Tuy họ chưa đến nhắc gì, nhưng thấy mọi người ở các khu vực gần đó đều đã dỡ bỏ phần lấn chiếm, nên vợ chồng tôi bàn nhau thuê thợ đến dỡ luôn. Mất chỗ để xe an toàn kể ra cũng tiếc nhưng phải chấp hành chủ trương chung”.
Ông Đinh Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND phường Hải Cảng (TP Quy Nhơn)- một trong những phường được TP Quy Nhợn chọn làm điểm để ra quân- cho biết: “UBND phường vừa xử lý và tuyên truyền vận động người dân để dọn dẹp các công trình lấn chiếm vỉa hè. UBND phường sẽ tiếp tục làm xuyên suốt, sau đó giao lại cho tổ dân phố quản lý, nếu ai vi phạm sẽ báo cơ quan chức năng. Trước đó, chúng tôi đã thành lập các tổ để đến từng hộ dân tuyên truyền vận động, ký cam kết tự giác tháo dỡ, với các hộ vi phạm sẽ lập biên bản theo đúng quy định để xử lý”.
Những căn nhà được cho là xây vượt mốc chỉ giới vỉa hè ở KV 7, phường Hải Cảng. Ảnh: K.C
Còn đó những băn khoăn
Trước sự ra quân quyết liệt và đồng loạt lần này, bên cạnh những người ủng hộ và tích cực hưởng ứng, cũng có người tỏ ra nghi ngại rằng mọi trường hợp lấn chiếm đều được giải quyết công bằng. Nếu không, khó mà duy trì kết quả này trong thời gian dài.
Bà Võ Thị Dôm (ở KV 7, phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn) ý kiến: “Sống ở đây hơn 30 năm, tôi luôn chấp hành đúng chính sách nhà nước. Bậc tam cấp, nơi dắt xe đều đập bỏ, thì những ngôi nhà xây lấn cả vỉa hè kia có nên đập luôn không? Nhân đợt này, chính quyền giải quyết cho công bằng”. Ông Võ Chi, Khu vực trưởng KV 7, phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn, bổ sung lời bà Dôm: “Đây là 5 ngôi nhà xây lấn ra vỉa hè đường Trần Hưng Đạo. Gần 20 năm trước, chúng tôi tham gia phong trào mở rộng đường và vỉa hè do UBND phường vận động. Nhưng vì 5 ngôi nhà này xây nhà lấn cả vỉa hè, nên mới có chuyện không bằng nhau. Tuy các nhà này đã bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng vẫn tồn tại cho đến nay. Chúng tôi kiến nghị nhiều lần phải xử lý song không thấy ai can thiệp. Hỏi UBND phường, họ nói đợi xin chỉ đạo của thành phố”.
Công cuộc lập lại TTĐT đang trong giai đoạn quyết liệt để tạo nên đường thông hè thoáng. Các hộ gia đình kinh doanh đã có cơ sở vật chất ổn định, đều chấp hành theo và cam kết không lấn chiếm vỉa hè làm nơi buôn bán. Ngược lại, những người mua bán nhỏ, cả gia đình lâu nay sống nhờ vào gánh hàng rong trên vỉa hè lại đang đối mặt với việc thu nhập bị giảm đi đáng kể, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Chị N.T.H, lâu nay vẫn bán hàng ăn sáng nhờ trên vỉa hè đường Nguyễn Thái Học, tâm sự: “Thấy họ làm gắt quá nên tôi phải thuê mặt bằng bán quán mất 3 triệu đồng/tháng, chưa kể khoản để nhờ xe khách trên vỉa hè nhà người ta. Cả nhà chỉ sống nhờ vào quán bán hàng ăn sáng, giờ đội thêm chi phí phát sinh, thì lời lãi gì nữa. Tăng giá bán là không thể”. Còn bà N. T.- bán bánh hỏi buổi tối gần Rạp chiếu phim 31.3- than: “Bình thường tôi bán cả 2 thúng to, mấy hôm nay chỉ dám mang thúng nhỏ, lúc nào cũng mắt trước mắt sau canh “cán bộ trật tự”. Một buổi tối phải ôm đồ chạy cả 7 - 8 lượt. Họ mà thấy là thu hết cả đồ nghề. Bị thu thì chúng tôi bỏ, rồi sắm cái khác kiếm đường bán. Chúng tôi già rồi, không bán thì lấy gì sống, biết làm gì nữa đây.”
Việc lập lại TTĐT, lấy lại vỉa hè cho người đi bộ là việc cần thiết. Song hành với sự kiên quyết cần có sự tuyên truyền, vận động, giải thích rõ ràng, và quan trọng nhất là phải công bằng đối với mọi trường hợp để người dân “tâm phục khẩu phục, tránh tâm lý “người ta để được, sao mình lại không”. Bên cạnh đó, cũng cần nghiên cứu, xem xét đến các đối tượng khó khăn, kế sinh nhai duy nhất là bán hàng rong; để từ đó chính quyền và cơ quan chức năng có phương án giải quyết hợp tình hợp lý, không để chất lượng cuộc sống của họ bị ảnh hưởng quá nhiều.
KIM CHI - THU HÀ