Khủng hoảng Triều Tiên tác động tới những nền kinh tế lớn nhất châu Á
Căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên đang tạo ra những thiệt hại kinh tế to lớn đối với những nền kinh tế hàng đầu ở châu Á và chi phí do thiệt hại kinh tế gây ra được dự báo có thể gây tác động xấu tới lĩnh vực con người và tài chính, nếu khủng hoảng tiếp tục được đẩy lên cao.
Tên lửa Pukkuksong 1 của Triều Tiên được trình làng trong lễ duyệt binh ngày 15.4.
Căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên
Hôm 16.4, bỏ qua mọi cảnh báo, Triều Tiên đã tiến hành thêm một vụ thử tên lửa. Nó được cho là tên lửa đạn đạo, xuất phát từ thành phố Sinpo nằm ở bờ biển phía đông Triều Tiên, và đã nổ tung gần như ngay sau khi được phóng lên.
Vụ thử mới trên được tiến hành chỉ một ngày sau khi Triều Tiên tiến hành cuộc duyệt binh quy mô lớn ở Bình Nhưỡng nhân kỷ niệm 105 ngày sinh cố Chủ tịch Kim Nhật Thành, với sự tham gia một loạt tên lửa trong đó có tên lửa đạn đạo được phóng từ tàu ngầm và một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới phát triển.
Vụ phóng diễn ra giữa lúc phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tới Seoul để có cuộc hội đàm về tình hình căng thẳng leo thang giữa Washington và Bình Nhưỡng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump từng gọi tình hình Triều Tiên là một vấn đề đáng lưu tâm và đã lệnh điều động tàu sân bay USS Carl Vinson tới bán đảo Triều Tiên, động thái được xem là nhằm gia tăng sức ép lên chính phủ của Chủ tịch Kim Jong-un.
Đáp lại, Triều Tiên tuyên bố sẵn sàng chiến tranh với Mỹ nếu cần thiết và sẽ tiếp tục tiến hành các vụ thử tên lửa mới.
Tác động kinh tế
Những hành động khiêu khích của Triều Tiên có thể chỉ đơn thuần nhằm lôi kéo Mỹ quay trở lại bàn đàm phán sáu bên, tuy nhiên, hành động đe dọa này đang gây tác động xấu tới kinh tế của khu vực.
Đồng Yên của Nhật Bản, vốn được xem là thiên đường trú ẩn trong mọi cuộc khủng hoảng, đã tăng khoảng 3% so với đồng Won của Hàn Quốc kể từ hôm 3.4, khi Tổng thống Trump tuyên bố Mỹ có thể đơn phương hành động đối phó Triều Tiên nếu thấy cần thiết. Đồng Yên được dự báo còn tiếp tục tăng nếu căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên không được hạ nhiệt.
Hôm 14.4, đồng Won đã giảm 0,9%, trong khi đồng Yên vào cuối tuần tăng 1,9% so với đồng USD - mức tăng lớn nhất trong vòng một tháng. Chứng khoán Nhật Bản cũng giảm trong 5 tuần liên tiếp - đà giảm kéo dài nhất kể từ tháng 12.2015, trong khi chỉ số chứng khoán Kospi của Hàn Quốc cũng giảm 0,8% trong một tuần. Chỉ số Nikkei Asia300 cũng giảm 0,2% trong vòng một tuần, khi các nhà đầu tư đang bị chi phối bởi những diễn biến chính trị trên thế giới, bao gồm cuộc tấn công tên lửa của Mỹ ở Syria và khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên.
Đồng Won yếu cũng phản ảnh những rủi ro rằng quan hệ giữa Hàn Quốc với Triều Tiên sẽ trở nên xấu đi, sau khi ứng cử viên hàng đầu trong cuộc đua giành chiếc ghế Tổng thống Hàn Quốc có lập trường cứng rắn đối với Triều Tiên đang giành được nhiều ủng hộ của dân chúng.
Về phía Nhật Bản, đồng Yên tăng đã đi ngược những nỗ lực mà chính phủ Nhật Bản đang thực thi thông qua chính sách kích thích kinh tế Abenomics, mục đích nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế đất nước dựa vào xuất khẩu. Nguyên nhân được cho là do tương quan giữa tỷ giá hối đoái, lợi nhuận của các nhà xuất khẩu và các thị trường chứng khoán của Nhật Bản.
Hàn Quốc cũng đang hứng chịu những thiệt hại kinh tế từ căng thẳng với Triều Tiên, do phản ứng của Trung Quốc đáp trả việc nước này chuẩn bị lắp đặt Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ. Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc, đã tiến hành một loạt biện pháp trả đũa, như: giới hạn du khách Trung Quốc sang Hàn Quốc, đóng cửa hàng loạt cửa hàng bán lẻ của Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) hoạt động ở nước này, cấm nhập khẩu mỹ phẩm của Hàn Quốc cũng như các chương trình truyền hình của Hàn Quốc.
Chỉ riêng lệnh cấm du lịch của Trung Quốc có thể khiến Hàn Quốc giảm 20% tăng trưởng kinh tế trong năm 2017. Ước tính, các nhóm du khách đến từ Trung Quốc mang lại khoảng 0,5% GDP cho Hàn Quốc.
Các biện pháp trừng phạt cũng tác động tới giá cổ phiếu của các công ty tiêu dùng Hàn Quốc và dự báo thiệt hại mang lại cho các công ty này sẽ còn lớn hơn nếu những yếu tố rủi ro tiếp tục leo thang.
Trong khi đó, Trung Quốc cũng chịu tác động không nhỏ từ cuộc khủng hoảng ở Triều Tiên, sau khi Tổng thống Trump cảnh báo Chủ tịch Tập Cận Bình rằng các lệnh trừng phạt mới chống lại Triều Tiên có thể bao gồm những biện pháp nhằm vào nhiều ngân hàng và công ty của Trung Quốc đang có quan hệ làm ăn với Triều Tiên.
Trung Quốc chiếm gần 90% giao dịch ngoại thương của Triều Tiên, bao gồm nhập khẩu than đá, quặng sắt và kẽm cùng với hải sản và may mặc.
Bất chấp việc Trung Quốc ban hành một lệnh cấm nhằm vào hoạt động xuất khẩu than đá của Triều Tiên kể từ hôm 19.2 (động thái nhằm gia tăng sức ép lên chính quyền Chủ tịch Kim Jong-un), số liệu thống kê mới nhất cho thấy giao dịch thương mại giữa hai nước tăng 37% trong quý I.2017.
Tuy nhiên, Trung Quốc vừa cảnh báo sẽ có những biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Triều Tiên do vụ thử tên lửa mới nhất hôm 16.4, bao gồm việc giới hạn xuất khẩu dầu mỏ.
Với việc các nền kinh tế lớn nhất, lớn thứ nhì và lớn thứ tư của châu Á đều đã và đang bị ảnh hưởng, triển vọng kinh tế của khu vực có thể chịu một số tác động lớn nếu cuộc "chiến tranh lạnh" trên bán đảo Triều Tiên trở nên nóng hơn.
Hồng Hà (Theo The Diplomat)