Thêm nhiều doanh nghiệp thành lập mới: Mừng, nhưng vẫn... lo
Từ năm 2016 đến nay, hoạt động của hệ thống doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh đã có một số tín hiệu khả quan với sự phát triển nhanh về số lượng thành lập mới, lẫn vốn đăng ký đầu tư. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là sự phát triển bền vững của DN.
Đối thoại với DN là một trong những hoạt động được UBND tỉnh thực hiện nhằm lắng nghe, chia sẻ, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho DN. Ảnh: VĂN LƯU
Số lượng nhiều, chất lượng chưa cao
Sở KH-ĐT cho biết, trong năm 2016 toàn tỉnh có 1.240 DN, chi nhánh và văn phòng đại diện thành lập mới, với số vốn đăng ký 3.530 tỉ đồng, tăng 24% so với năm 2015. Đến giữa tháng 4.2017 có thêm 401 DN thành lập mới, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2016. “Đây là kết quả của đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và hỗ trợ DN. Điều đó không chỉ cho thấy các chính sách vĩ mô đúng đắn mà các giải pháp của tỉnh cam kết trong cải thiện môi trường kinh doanh cho DN đã phát huy hiệu quả” - ông Phạm Đình Tòng, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT cho biết.
Điều đáng nói, số DN mới nhiều, nhưng đại đa số quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Xét về tỉ trọng, vốn đăng ký bình quân năm 2016 là hơn 4 tỉ đồng/DN, đến đầu năm 2017 tăng lên 5 tỉ đồng/DN. Lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng vốn đầu tư lớn là DN kinh doanh bất động sản. Trong khi đó, lĩnh vực quan trọng để tạo ra sản phẩm cho xã hội là công nghiệp chế biến - chế tạo; nông, lâm nghiệp và thủy sản lại chưa được nhiều DN đầu tư.
Trong các DN mới thành lập, số có doanh thu và nộp thuế không nhiều. Số còn lại xong thủ tục thành lập, nhưng lại chưa chính thức hoạt động hoặc chưa có doanh thu. Nguyên nhân theo đánh giá của ngành chức năng là quy mô DN nhỏ và siêu nhỏ, công nghệ lạc hậu nên các DN kiểu này ra đời không đóng góp nhiều cho nền kinh tế, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng vốn đầu tư và doanh thu.
Còn nhiều... “cái khó”
Rõ ràng, DN có quy mô nhỏ và siêu nhỏ chiếm tỉ lệ lớn, thiếu những DN vừa và đủ mạnh để có thể cạnh tranh và tạo bứt phá lớn trên thị trường hội nhập cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Bởi theo tìm hiểu của PV, phần lớn các DN gặp khó khăn phải giải thể, tạm ngừng hoạt động là những DN quy mô nhỏ với số vốn chỉ vài tỉ đồng. Ở một chừng mực nào đó, số DN phải rời bỏ thị trường là do không đủ “sức khỏe” trong cuộc thanh lọc và điều này giúp cho thị trường ngày càng trong sạch, lành mạnh hơn. Nhưng, nhìn nhận một cách khách quan cũng bộc lộ sự yếu kém và phát triển thiếu bền vững bấy lâu của DN trong tỉnh.
Năm 2016, UBND tỉnh đã ký cam kết với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về việc tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN. Theo đó, mục tiêu đến năm 2020, Bình Ðịnh sẽ phát triển 7.500 DN. Ông Phạm Ðình Tòng cho rằng, cái khó bây giờ không phải là thành lập mới mà là có hoạt động và cạnh tranh được hay không. Nhiều giải pháp ưu tiên đã được đưa ra, như tăng cường đối thoại giữa lãnh đạo UBND tỉnh với DN nhằm lắng nghe, chia sẻ, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc kịp thời cho DN; xây dựng và triển khai các hoạt động hỗ trợ, kết nối đối với DN; tạo môi trường thuận lợi cho DN đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh...
Năm 2016, số đơn vị hoàn tất thủ tục giải thể là 266 trường hợp, gấp đôi của năm trước; trong khi DN đăng ký tạm ngừng hoạt động 143 trường hợp, tăng gần 50%. Trong 3 tháng đầu năm có 23 DN giải thể (giảm 46% so cùng kỳ), 91 DN phải tạm ngừng hoạt động (tăng 42,2% so cùng kỳ). “Hiện nay, một số DN đang gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ, chi phí nguyên vật liệu đầu vào cao, trong khi nguồn tài chính không đảm bảo. Sự cạnh tranh khốc liệt của hàng hóa trong và ngoài nước cũng khiến nhiều DN thu hẹp quy mô, tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể”- bà Nguyễn Thị Mỹ, Phó cục trưởng Cục Thống kê tỉnh, nhận định.
Trên thực tế, số DN giải thể chỉ có thể thống kê một cách tương đối. Bởi, số DN thông báo rất nhiều, nhưng để làm cho xong thủ tục được công nhận chính thức giải thể mất nhiều thời gian và thường vướng các khoản nợ. Chưa kể, một số DN không trả được nợ, rơi vào trạng thái “chết lâm sàng”. Vấn đề này, theo bà Hồ Kim Hạnh, Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh (thuộc Sở KH-ĐT), nói vướng về thủ tục thì không hẳn khi đã có Luật Phá sản, nhưng không đơn giản để “khai tử” cho các DN.
Điều này cũng được Cục Thuế tỉnh dẫn chứng bằng con số 501 tỉ đồng nợ khó thu tồn tại đến thời điểm này của các DN, chiếm tỉ lệ lớn so với số nợ có khả năng thu 277 tỉ đồng. Trong khi đó, ông Phạm Đình Tòng cho rằng, Luật Phá sản DN quy định trình tự, thủ tục khá phức tạp, nên lâu nay rất ít DN thực hiện, có tình trạng DN “chết” mà không cho chết được, cũng “bỏ dãi”. Còn một trong những quy định lớn nhất để DN tiến hành giải thể là phải hoàn tất các khoản nợ. Đây là cái khó với các DN vốn đã không còn khả năng trả nợ.
THU HIỀN