Tuyển dụng giáo viên vào trường chuyên: Cần có quy định đặc thù
Tại buổi làm việc với Ðoàn giám sát của HÐND tỉnh về việc thực hiện chính sách pháp luật đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục giai đoạn 2010-2016, Trường THPT chuyên Lê Quý Ðôn đã kiến nghị cần có quy định đặc thù cụ thể về tiêu chuẩn, điều kiện tuyển dụng viên chức vào làm việc tại trường chuyên. Kiến nghị này đã được quan tâm, lắng nghe và ghi nhận.
Một tiết học Toán của lớp 12 chuyên Lý Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn do thầy giáo Trương Ngọc Đắc giảng dạy.
Theo ông Mai Anh Dũng, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, trường hiện có 60 giáo viên trực tiếp giảng dạy ở tất cả bộ môn chuyên và không chuyên.
“Tổng biên chế giao cho trường là 92 giáo viên. So với quy mô đào tạo thì thiếu rất nhiều. Nếu so trong nhóm các THPT chuyên trên bình diện cả nước, Lê Quý Đôn - Quy Nhơn thuộc vào nhóm thấp nhất. Nhưng đáng lo hơn cả là có một số giáo viên được xét tuyển mới, tuy có nhiệt tình, nhưng chất lượng chuyên môn chưa cao. Nhiều giáo viên chưa dạy tốt hoặc chưa thể dạy môn chuyên và bồi dưỡng học sinh giỏi. Họ cần có nhiều thời gian đào tạo, bồi dưỡng. Con số này trường đã thống kê, sàng lọc, tầm khoảng 23 người”, ông Dũng cho biết.
Kiến nghị về quy định tuyển dụng đặc thù của trường chuyên, nhận được sự quan tâm, đồng tình của nhiều thành viên trong Đoàn giám sát của HĐND tỉnh. Bởi nâng cao chất lượng giáo dục là vấn đề được xã hội đang quan tâm. Và muốn nâng cao chất lượng giáo dục, vấn đề nhân sự đóng vai trò rất quan trọng.
Theo quy chế trường THPT chuyên được Bộ GD&ĐT ban hành năm 2012, giáo viên môn chuyên, ngoài việc thực hiện đầy đủ nhiệm vụ theo Điều lệ trường trung học hiện hành, còn có các nhiệm vụ khác như: trực tiếp bồi dưỡng và phát triển năng khiếu của học sinh về môn chuyên; tổ chức và hướng dẫn học sinh môn chuyên làm quen với việc nghiên cứu khoa học phù hợp với trình độ và tâm sinh lý học sinh.
Bà Nguyễn Thị Thanh Bình, thành viên của Đoàn giám sát, cho rằng: Để có được giáo viên dạy chuyên tốt liên quan đến nhiều khâu gồm xét tuyển, đào tạo bồi dưỡng và sàng lọc. Thực tế lâu nay chỉ chăm chăm vào khâu xét tuyển với những tiêu chí xét tuyển khá cứng nhắc. Các tiêu chí này cơ bản không có gì khác biệt so với tiêu chí tuyển dụng giáo viên các trường THPT thông thường. Điều này dẫn đến hiện tượng có những người đáp ứng đủ các điều kiện xét tuyển, đã trúng tuyển nhưng khi đi vào thực tế giảng dạy lại không đảm bảo chất lượng.
Cả thành viên trong Đoàn giám sát lẫn lãnh đạo trường chuyên đều nhìn nhận: Ngay cả việc ưu tiên tiếp nhận sinh viên giỏi, thạc sĩ, tiến sĩ về trường chuyên cũng không hẳn đã tốt. Thực tế cho thấy, không phải tất cả sinh viên giỏi, thạc sĩ, tiến sĩ giỏi thì chắc chắn sẽ làm tốt nhiệm vụ giáo viên dạy chuyên. Bởi vậy rất cần điều chỉnh, cập nhật tiêu chí tuyển dụng giáo viên dạy trường chuyên.
“Phải để cho người được tuyển dụng có thời gian trải nghiệm trên lớp trong 1 năm học và điều này không trái với quy định hiện hành. Trong suốt 1 năm đấy, người được tuyển dụng sẽ được những giáo viên ở trường chuyên dạn dày kinh nghiệm và chuyên môn tốt bồi dưỡng, hướng dẫn, và bản thân người đó cũng phải tích cực tự bồi dưỡng. Sau một năm đánh giá lại, nếu thấy ổn, khi đó mới tiếp nhận chính thức”, bà Bình nêu quan điểm cá nhân.
Giáo viên trường chuyên phải là người đào tạo được học sinh giỏi hơn mình. Muốn làm được điều đó, đòi hỏi các thầy cô phải sáng tạo, suy nghĩ thường xuyên và phải thực sự cầu thị.
Thứ trưởng Bộ GD&ÐT Nguyễn Vinh Hiển phát biểu tại Hội nghị sơ kết thực hiện Ðề án phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010 - 2016
Cùng với việc tinh chỉnh khâu xét tuyển, đào tạo bồi dưỡng, sàng lọc, thực tế cho thấy nên có cơ chế để người được tuyển dụng, khi không đáp ứng yêu cầu của trường chuyên, vẫn có thể về công tác tại một trường khác, chứ không phải bị sa thải. Trước nguy cơ phải đối diện với tình thế lơ lửng một khi không đáp ứng được yêu cầu cao của môi trường đặc biệt này, thậm chí không ít người sẽ ngại ngần khi ứng thí vào trường chuyên!
“Nếu không có quy định sàng lọc rõ ràng, sẽ không ai nỡ đẩy đồng nghiệp của mình dù chỉ mới 1 năm gắn bó lâm vào cảnh thất nghiệp. Nhưng nếu để lại trường giảng dạy thì ngay cả bản thân người giáo viên ấy cũng mang đầy mặc cảm và quan trọng hơn cả là ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo của nhà trường!”, lãnh đạo trường chuyên trao đổi.
Ông Võ Đình Thú, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn giám sát, đã đề nghị, thời gian tới, Sở GD&ĐT phải phối hợp với Sở Nội vụ xây dựng một quy chế tuyển dụng giáo viên phù hợp với đặc trưng của trường chuyên, giúp trường đảm bảo chất lượng giáo viên và kịp thời đáp ứng sự thiếu hụt đội ngũ.
NGỌC TÚ