Bảo tồn và phát huy múa dân gian các dân tộc thiểu số miền núi tỉnh: Những tín hiệu vui
Ðể khai thác và góp phần bảo tồn, phát huy các điệu múa dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số miền núi trong tỉnh, cần có những người dàn dựng am hiểu văn hóa truyền thống, có trình độ chuyên môn tốt để không lâm vào cảnh “gieo vừng ra ngô”. Ở tỉnh ta, trong vấn đề này, gần đây có nhiều tín hiệu vui.
Một tiết mục biểu diễn trống của đồng bào dân tộc Chăm H’ roi (Vân Canh) tại Ngày hội VH-TT các dân tộc thiểu số miền núi tỉnh năm 2017. Ảnh: VĂN LƯU
Từ khi được thành lập, hơn 4 năm qua, Chi hội Nghệ sĩ múa Bình Định (thuộc Hội VHNT tỉnh) đã khuyến khích các hội viên tìm tòi dàn dựng các tác phẩm múa mang bản sắc riêng ở địa phương, nhất là về đề tài đồng bào dân tộc thiểu số miền núi trong tỉnh vốn chưa được khai thác bao nhiêu. Chỉ sau một thời gian ngắn, định hướng này đã phát huy tác dụng tích cực.
1.
Tại Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc thiểu số miền núi tỉnh lần thứ XIV - 2017 vừa được tổ chức, có 3 hội viên Chi hội Nghệ sĩ múa Bình Định thể hiện được dấu ấn của mình khi tham gia dàn dựng tiết mục múa trong chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống của các địa phương.
Hội viên Đinh Y Oai là người Bana, hiện đang giữ trọng trách Giám đốc Trung tâm VH-TT-TT huyện Vĩnh Thạnh, là người am hiểu văn hóa truyền thống của dân tộc mình, lại được đào tạo bài bản về âm nhạc, biên đạo, đạo diễn. Tại Ngày hội, anh dàn dựng tiết mục múa phát huy được các loại nhạc cụ phong phú của đồng bào dân tộc Bana, giới thiệu những điệu múa gắn liền với lao động sản xuất, không khí lễ hội ở các làng.
Biên đạo Đinh Y Oai chia sẻ: “Phải nắm bắt nội dung, thuần thục tiết tấu, điệu múa... thì mới hy vọng dàn dựng được tiết mục thể hiện được đời sống lao động, văn hóa tinh thần của người Bana. Các tiết mục múa này trong chương trình thông tin lưu động, hay hoạt động văn nghệ quần chúng, thì mình có thể áp dụng nâng cao các kỹ thuật như bưng, bê, bay nhảy... còn trong Ngày hội miền núi tỉnh hướng về giữa bản sắc văn hóa truyền thống, thì phải giữ các động tác múa truyền thống vốn không phức tạp, dễ nắm bắt, gần gũi với đời sống lao động của đồng bào mình. Từ chất liệu dân gian này biến hóa thêm chút ít, như từ các động tác chặt cây, đi lấy nước, lên rẫy... khai thác và chuyển hóa thành ngôn ngữ múa phù hợp”.
Biên đạo Hoàng Việt cũng chịu khó từ phố biển Quy Nhơn lên miền núi cao dàn dựng tiết mục múa cho huyện An Lão tham gia Ngày hội. Anh tìm hiểu văn hóa truyền thống, lựa chọn tục “rước lửa” về bếp lửa ngôi nhà sàn mới của người Hre, để cấu trúc thành tiết mục múa mang tính ước lệ cao, đem đến cho người xem sự mới mẻ nhưng vẫn đậm chất dân gian.
2.
Năm 2016, Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam lần đầu tiên phối hợp với Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam tổ chức “Cuộc thi múa chuyên nghiệp các dân tộc thiểu số Việt Nam” ở khu vực phía Bắc. Cuộc thi bất ngờ thu hút nhiều đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp dàn dựng tác phẩm múa có chất lượng tham gia.
Cuộc thi múa này ở khu vực phía Nam sẽ tiếp tục được tổ chức vào tháng 7.2017 tại tỉnh Bình Thuận. Lần đầu tiên các biên đạo ở Bình Định được mời tham dự. Hai biên đạo giỏi nghề, dày dạn kinh nghiệm là Hoàng Việt (Chi hội trưởng Chi hội Nghệ sĩ múa Bình Định) và Thu Hương (Chi hội phó) đã tìm tòi, xây dựng kịch bản tác phẩm gửi tham gia Trại sáng tác kịch bản múa 2017 vừa được Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam tổ chức tại Đà Lạt (từ 25.3-3.4).
Biên đạo Hoàng Việt cho biết: “Kịch bản đã gửi tham gia Trại sáng tác của tôi là sự nâng cao tác phẩm múa “Rước lửa” mang tính chuyên nghiệp về âm nhạc, trang trí, kỹ thuật, kỹ xảo... nhưng vẫn giữ được nền tảng, hồn vía múa dân gian. Kịch bản tác phẩm múa thứ hai đi vào khai thác những nét độc đáo trong biểu diễn trống Ktoang của người Chăm H’roi huyện Vân Canh”.
Biên đạo Thu Hương xây dựng kịch bản tác phẩm múa “Sức sống Ktoang” tham gia Trại sáng tác, trên cơ sở phân tích các chất liệu động tác của người biểu diễn và tiết tấu trống để dàn dựng. Từ các động tác đánh trống còn đơn giản của người Chăm H’roi, chị tìm tòi cách điệu lên thành động tác múa thể hiện được kỹ thuật, cũng như sức sống độc đáo của trống Ktoang trong sinh hoạt văn hóa mang tính gắn kết cộng đồng cao. Kịch bản tác phẩm “Suối tóc mây chiều” của chị đã gây được sự chú ý tại Trại sáng tác, khi khai thác hình ảnh các cô gái Hre ở huyện An Lão sau một ngày lao động vất vả ra suối tắm, xõa mái tóc dài thật đẹp. Trong tác phẩm này, diễn viên sẽ “múa bằng tóc”...
“Tại Trại sáng tác, kịch bản hai tác phẩm của tôi nhận được sự ủng hộ từ các thầy, bạn đồng nghiệp. Ban tổ chức Cuộc thi cho phép các tác phẩm được bung ra “phá cách” nhưng màu sắc trang phục, âm nhạc, các động tác chủ đạo phải đúng theo dân gian. Thời gian tới, tôi sẽ tuyển chọn diễn viên, triển khai dàn dựng hai tác phẩm múa dự thi mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số miền núi Bình Định”, biên đạo Thu Hương chia sẻ.
HOÀI THU