Tiếng rao trưa
Tôi thường hoài niệm về những chuyện xa xưa, nơi miền quê nghèo heo hút đã cưu mang tôi suốt một thời tuổi thơ. Bạn tôi bảo sống hoài niệm thì nhìn vào đâu cũng thấy ký ức ùa về, nghiệm lại lòng mình thì thấy bạn nói đúng. Chẳng hạn như trưa nay, tôi đang ngồi ăn kem Ngọc Nga, quán kem ngon số một ở Quy Nhơn, máy lạnh chạy vù vù, lại có người phục vụ chào mời tận nơi. Thế mà vừa cầm ly kem lên ăn, kỷ niệm xa lắc lại ùa về. Đó là cái ngày còn ăn kem mút đổi bằng lông vịt, dép đứt, sắt rỉ nhặt nhạnh sau vườn… Thế là bần thần nghĩ ngợi đến tiếng rao trưa năm nào.
Ngày ấy, trưa nào ở quê tôi cũng có tiếng rao. Tiếng của người miền biển lên rao bán cá, bán ruốc, bán muối. Tiếng của người rao bán xoong, bán nồi, thu mua lông gà, lông vịt. Tiếng của người hàng xáo vào mua lạc, mua đậu, mua lúa. Tiếng người rao mua các loại lá cây, vỏ cây… Những câu rao quen thuộc như: “Ai đổi muối không?”, “Lông gà, lông vịt, nồi hư, dép đứt, sắt rỉ đổi xoong đê”… Hàng kem thì dùng những chiếc kèn đồng để thông báo… Vì vậy mà buổi trưa quê tôi ngoài tiếng sáo diều vi vu, tiếng ve, tiếng chim hót từ rừng vọng ra, tiếng cười của mấy cô, mấy bà hóng mát tám chuyện dưới gốc cây, rặng tre còn có tiếng rao của dân buôn làm cho không khí trở nên nhộn nhịp.
Những người mua rong, bán rong ấy cất lên giọng rao là chúng tôi biết họ ở đâu tới, bán những gì… Mẹ thường chuẩn bị trước những chiếc thau nhôm hỏng, cái lưỡi cày mẻ ngồi hong tóc trước cửa nhà bếp để chờ những người đi bán xoong ngang qua đổi lấy cái xoong mới. Có hôm mới nghe tiếng rao vọng từ phía làng bên sang, mẹ đã bắt tôi ra đứng đón đường để mời họ vào nhà. Lũ trẻ con chúng tôi thì có đôi dép đứt, nhúm lông vịt, lông gà là ngồi dưới gốc cây đầu ngõ để chờ hàng kem đi qua. Ngày ấy, một đôi dép đứt đổi được năm, ba chiếc kem, rồi chia nhau ăn. Nói là ăn, nhưng chỉ dám mút để kem lâu hết.
Người dân quê tôi cách nay vài chục năm chủ yếu sắm những vật dụng trong nhà bằng cách đổi chác như thế. Những vật dụng lớn như bàn, ghế thì đổi bằng lúa, bằng đậu. Những vật dụng nhỏ thì tận dụng đồ dùng đã hỏng đem đổi. Chính những người mua rong, bán rong ấy đã mang đến văn minh cho quê tôi những năm còn khốn khó.
Bây giờ quê đã đổi mới rồi, đường bê tông chạy thẳng tắp, có ghi cọc tiêu, cây số, biển báo rõ ràng. Quầy tạp hóa đầu thôn đã có tủ lạnh chứa kem nguyên một mùa. Tiếng rao xưa đã không còn nữa, thay vào đó là tiếng máy công nghiệp chạy ù ù cả ngày lẫn đêm…
Tôi đang ngồi ăn một ly kem có trị giá tới năm mươi ngàn mà thèm một que kem đổi bằng lông vịt ngày xưa? Đang ngồi lặng bên một bản nhạc không lời mà thèm được nghe tiếng rao trưa năm nào, thanh bình, chất chứa tình người…
CHÂU THÀNH AN