Kiến trúc xanh cho nhà phố Quy Nhơn:
Thực tại và mong ước
Bắt nhịp xu hướng xây dựng nhà ở theo lối kiến trúc xanh, vài năm gần đây, Quy Nhơn xuất hiện ngày càng nhiều những ngôi nhà thân thiện và chan hòa với thiên nhiên. Tuy nhiên, theo đánh giá của giới chuyên môn, tiêu chí “xanh” trong nhà phố Quy Nhơn như đã có vẫn chưa tương xứng với một phong cách kiến trúc được xem là xu thế của tương lai.
Có khá nhiều khái niệm, cách hiểu về kiến trúc xanh. Song điểm cơ bản nhất của nó là nhằm giảm tác động tiêu cực của xây dựng tới con người và môi trường, sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng “cho không” như gió, khí trời, ánh sáng… mang đến lợi ích về sức khỏe và kinh tế. Kiến trúc sư (KTS) Hồ Minh Đức, thành viên Hội KTS Bình Định, góp một định nghĩa về kiến trúc xanh bằng ví von: “Trong hai công trình kiến trúc có quy mô như nhau, công trình nào có hóa đơn tiền điện thấp hơn được xem là xanh hơn”.
Thêm một “lá phổi”
Xây nhà từ 10 năm trước, vợ chồng chị Trần Phương Thảo, ở đường Vũ Bảo, quyết định dành phần diện tích kha khá trong mảnh đất 113m2 để làm sân vườn. Ngôi nhà có khoảng sân thoáng, xanh mát phía trước, từ đây bước vào phòng khách nối với không gian bếp, ta lại gặp một giếng trời và hồ cá, thác nước bên góc nhà. Lên tầng 2, khách không khỏi ngạc nhiên, thú vị trước một không gian sống chan hòa với thiên nhiên mà chủ nhân ngôi nhà đã chọn lựa và tạo dựng. Ở đó có cả sân trước dành cho hoa, non bộ, tiểu cảnh; sân sau là một sân chim thu nhỏ gồm hơn chục loài: bồ câu, chào mào, khướu, sáo… Khách còn đang ngỡ ngàng thì vợ chồng chị Thảo đã lại kéo ống nhựa, bơm nước để tưới cho một vườn cây xanh trên sân thượng.
“Những khoảng xanh ấy chẳng khác nào lá phổi trợ thở cho con người, nhờ vậy không gian ngôi nhà trở nên thoáng đãng. Gia đình tôi theo quan niệm xây nhà cốt sao ở thấy mát mẻ, nhẹ nhõm trong người”- chị Thảo cho biết.
Trong khi đó, ngôi nhà số 122 Đô Đốc Bảo của vợ chồng anh Nguyễn Hữu Đức và chị Hoàng Ngọc Thanh Thúy lại “lấy lòng” bất cứ ai đến thăm bởi khoảng sân trước thật rộng và mướt xanh, dịu mát. Trước khi xây lên ngôi nhà ưng ý này, anh chị đã khá vất vả để tìm giải pháp khắc phục những điểm bất lợi của lô đất bề ngang chưa đầy 4m, chiều dài sâu đến 34m, mặt tiền quay hướng chính Tây.
“Mong muốn của vợ chồng tôi đã được tư vấn thiết kế của KTS Công ty tư vấn thiết kế Gốc Việt - Quy Nhơn đáp ứng. Chừa khoảng sân rộng, trong nhà bố trí 3 giếng trời và các giải pháp xây dựng cho nhà ống, nhà hướng Tây… đã hóa giải cơ bản đặc điểm bất lợi của khu đất. Dọn đến ở ngôi nhà mới từ tháng 11.2011 đến nay, gia đình tôi càng cảm nhận rõ hơn giá trị tinh thần của một ngôi nhà thân thiện với thiên nhiên”, chị Thúy vui vẻ cho biết.
Mơ về những khu phố xanh
Theo KTS Hồ Minh Đức, kiến trúc công trình công cộng lẫn nhà ở của TP Quy Nhơn đều chưa đáp ứng được hệ thống tiêu chí của kiến trúc xanh. Các ngôi nhà xây dựng mang phong cách kiến trúc xanh chủ yếu biểu hiện ở cách xây dựng chừa sân trước, tạo giếng trời trong nhà, chú trọng ban công, tạo ra nhiều khoảng đất trống để trồng cây xanh, hoa…
Lý giải vì sao kiến trúc xanh trong nhà phố Quy Nhơn chưa thật sự rõ nét, còn manh mún và mang tính tự phát, nhiều KTS cho rằng điều này một phần xuất phát từ nguyên nhân khách quan. Đó là mật độ dân cư ở Quy Nhơn khá lý tưởng, người dân được thụ hưởng những khoảng không bao la từ biển, núi, nhiều công viên… khiến cho việc kiến tạo không gian xanh trong nhà không bức bách.
Hơn thế nữa, bình quân thu nhập chỉ ở mức trung bình trong khi giá nhà đất lại quá cao càng khiến cho phần lớn người dân không có điều kiện sở hữu mảnh đất với diện tích tương đối, buộc phải dành hết diện tích cho nhu cầu ở. Ngoài ra, hiệu quả và ý nghĩa của kiến trúc xanh cũng chưa được người dân cảm nhận đầy đủ.
KTS Đoàn Đại Hùng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ KTS trẻ Bình Định, tâm tư: “Phần lớn người dân nghĩ rằng, xây nhà kiến trúc xanh phải có đất rộng, tốn kém chi phí, thật ra không phải vậy. Đầu tư cho kiến trúc xanh là giải pháp kinh tế bền vững vì khi sử dụng ngôi nhà ấy, chủ nhân giảm thiểu được rất nhiều chi phí, đặc biệt là phí điện. Đội ngũ KTS trẻ ở Bình Định khá tâm huyết với đề tài kiến trúc xanh, tuy nhiên thói quen xây dựng nhà ở của người dân cộng với cơ chế, chính sách về quy hoạch đô thị chưa hoàn chỉnh chưa tạo cơ hội để người làm chuyên môn phát huy”.
Bộ mặt đô thị Quy Nhơn nói chung cần phải được hoạch định, chăm chút hơn, trong đó nhà phố kiến trúc xanh là một bộ phận đáng lưu tâm. “Điều này có được không thể chỉ từ ý thức của người dân hướng đến một không gian sống chất lượng, an toàn và thân thiện hơn mà còn phụ thuộc vào chủ trương, chính sách của các cấp chính quyền. Hiện tại, ngay cả ở những khu đô thị mới, chúng ta vẫn mới chỉ kiểm soát về chiều cao, độ vươn ra của ban công… mà chưa quy định chặt chẽ về độ lùi của nhà, mật độ khoảng trống trong tổng thể diện tích xây dựng… Bắt đầu từ cái gốc của quy hoạch phát triển đô thị, chúng ta mới có thể mơ về những khu phố xanh trong tương lai”, KTS Hồ Minh Đức bày tỏ.
SAO LY