Quyết tâm kiểm soát lạm phát dưới 4%
Ngày 17.4, Ban Chỉ đạo điều hành giá đã họp dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhằm đánh giá công tác điều hành giá quý 1-2017 và định hướng hoạt động, phối hợp điều hành trong 9 tháng còn lại năm 2017.
Trong tháng 3.2017, Bộ Y tế đã điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh BHYT tại 13 địa phương đã tác động 0,38% vào mức tăng CPI của tháng này
Thông tin tại cuộc họp cho thấy, lạm phát (CPI) bình quân của 3 tháng đầu năm tăng 4,96% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tốc độ tăng lạm phát giảm dần qua các tháng, tháng 1 tăng 0,46%, tháng 2 tăng 0,23% và tháng 3 tăng 0,21% so với các tháng trước đó.
Trong tháng 3.2017, Bộ Y tế đã điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh BHYT (có thêm chi phí tiền lương) tại 13 địa phương là mức điều chỉnh đáng kể, tác động 0,38% vào mức tăng CPI của tháng này. Còn 14 địa phương nữa sẽ phải điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh trong năm nay theo lộ trình. Ngoài ra, Bộ Y tế sẽ gửi công văn tới các địa phương đăng ký thời điểm tăng giá dịch vụ khám chữa bệnh với người không có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT).
Đối với giá dịch vụ giáo dục, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Mạnh Hùng cho biết, HĐND các tỉnh, thành đã ban hành mức tăng học phí 5% của năm học 2017 - 2018, đây là mức tăng hợp lý. Bộ GD-ĐT sẽ phối hợp với các địa phương chỉ đạo các cơ sở giáo dục không được tăng thêm các phí khác.
Về việc triển khai giảm giá tại các trạm thu phí BOT, đại diện Bộ GT-VT cho biết, hiện đã thực hiện quyết toán toàn bộ hoặc một phần vốn đầu tư xây dựng của 41 dự án BOT và bộ sẽ báo cáo lãnh đạo Chính phủ việc giảm phí tiếp tại 41 dự án này. Bộ GT-VT cũng khẳng định không đồng tình chủ trương áp giá sàn vé máy bay theo đề xuất của một số hãng hàng không.
Với điều hành lạm phát cơ bản, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định, NHNN đang cố gắng giữ ổn định lãi suất huy động và cho vay của các ngân hàng thương mại. NHNN sẽ nỗ lực để lạm phát cơ bản trong năm nay ở dưới mức 2%, có thể góp phần tạo dư địa cho việc điều chỉnh các mặt hàng khác.
Đối với giá cước viễn thông, Thứ trưởng Bộ TT-TT Phạm Hồng Hải cho biết, giá cước 4G có chất lượng cao hơn nhưng sẽ được giảm giá khoảng 40% - 50%. Tuy nhiên, mức chi phí còn tùy thuộc vào lượng sử dụng nhiều hay ít của người dùng.
Về xăng dầu, theo Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa, giá mặt hàng này đang được điều hành nhịp nhàng theo tín hiệu của thị trường. Bên cạnh đó, Quỹ bình ổn xăng dầu hiện nay vẫn còn hơn 2.000 tỷ đồng. Về giá điện, Bộ Công thương cũng đang tiếp tục tính toán các thông số đầu vào, thông số nguồn cho sản xuất điện để cập nhật các kịch bản giá…
Kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh phải quyết tâm kiểm soát lạm phát dưới 4% theo chỉ tiêu Quốc hội đặt ra, khai thác triệt để các yếu tố giảm giá dịch vụ, hàng hóa. Để thực hiện hiệu quả công tác điều hành giá của năm 2017, Phó Thủ tướng yêu cầu thực hiện ổn định tỷ giá, mặt bằng lãi suất kể cả huy động và cho vay, không được tăng lãi suất; NHNN bảo đảm lạm phát cơ bản dưới 1,8% chứ không phải dưới 2% để tạo dư địa điều chỉnh giá các dịch vụ công trong năm nay. Bộ Công thương phối hợp với Bộ Tài chính tính toán tác động việc điều chỉnh giá xăng dầu trong nước, sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu vào thời điểm phù hợp, nhất là trong giai đoạn điều chỉnh giá các mặt hàng khác. Bộ Công thương sớm hoàn thiện kịch bản điều hành giá điện.
Việc điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh, Bộ Y tế phải căn cứ vào tình hình giá xăng dầu và các mặt hàng khác, bảo đảm mục tiêu chung kiểm soát lạm phát dưới 4%. Với giá dịch vụ hàng không, giá vé máy bay, phí hạ tầng cảng biển, phí đường bộ, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GT-VT kiểm soát chặt các phương án giá, tình hình điều chỉnh các loại giá phí tránh dư luận không tốt tới xã hội; sớm có phương án điều chỉnh phí BOT của các trạm đã quyết toán trong năm 2017. Đặc biệt, Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế hoàn thiện cơ sở pháp lý, đẩy nhanh tiến độ thực hiện đấu thầu giá thuốc ngay trong tháng 5 tại Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội; kiên định mục tiêu giảm giá thuốc từ 10% - 15% trong năm 2017. Về giá lương thực, thực phẩm, Phó Thủ tướng giao Bộ NN-PTNT đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, phấn đấu tăng trưởng của ngành đạt 2,8% để chủ động nguồn cung. Đồng thời theo dõi sát diễn biến thị trường nông sản quan trọng như lúa gạo, thịt lợn, đường, muối ăn. Bộ Xây dựng xây dựng kịch bản về giá nhà ở xã hội, vật liệu xây dựng, báo cáo Thường trực Ban chỉ đạo nếu có diễn biến bất thường…
Theo PHAN THẢO (SGGP)