Thủ tục đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, đăng ký quyền sở hữu trí tuệ
Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ, TS. Lê Công Nhường, trả lời. Chương trình được phát trên sóng truyền hình của Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Định tối 15.4.
Câu 1: Tôi mới thành lập công ty ở thành phố Hồ Chí Minh chuyên phân phối đồ uống, cụ thể là tôi mua Rượu Bàu Đá ở Bình Định rồi đóng chai bán. Vậy cho tôi hỏi tôi phải đăng ký kiểm tra chất lượng sản phẩm và đăng ký nhãn hiệu ở đâu? Cách thức thực hiện như thế nào?
Trả lời:
- Việc đăng ký kiểm tra chất lượng sản phẩm rượu, Quý công ty có thể liên hệ với Trung tâm Phân tích và Kiểm nghiệm (tại Bình Định) hoặc các đơn vị khác có chức năng phân tích các chỉ tiêu của rượu. Việc kiểm tra chất lượng sản phẩm rượu tùy thuộc vào nhu cầu của bản thân công ty (kiểm tra hàm lượng methanol, hàm lượng aldehyd, hàm lượng rượu bậc cao….), các chỉ tiêu đều phải đáp ứng được Quy chuẩn Việt Nam về rượu cao độ. Quý công ty có thể tham khảo TCVN 7043:2013 về Rượu trắng.
- Việc đăng ký nhãn hiệu nhằm mục đích bảo hộ nhãn hiệu, qua đó đảm bảo tài sản trí tuệ cho doanh nghiệp. Hiện nay cơ quan có chức năng đăng ký nhãn hiệu là Cục Sở hữu trí tuệ (thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ). Mọi tổ chức, cá nhân có quyền đăng ký nhãn hiệu, cụ thể:
+ Tổ chức, cá nhân có quyền đăng ký nhãn hiệu dùng cho hàng hóa do mình sản xuất hoặc dịch vụ do mình cung cấp;
+ Tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động thương mại hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm mà mình đưa ra thị trường nhưng do người khác sản xuất với điều kiện người sản xuất không sử dụng nhãn hiệu đó cho sản phẩm và không phản đối việc đăng ký đó.
- Quý công ty có thể liên hệ trực tiếp tại Cục Sở hữu trí tuệ (386 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội) hoặc Văn phòng đại diện của Cục tại thành phố Hồ Chí Minh hoặc Đà Nẵng để được hướng dẫn thủ tục đăng ký nhãn hiệu, cụ thể có thể tham khảo trên trang web của Cục SHTT là www.noip.gov.vn. Tại Bình Định, quý công ty có thể đến Sở Khoa học và Công nghệ để được tư vấn, hướng dẫn chuẩn bị hồ sơ và cách thức nộp hồ sơ đăng ký nhãn hiệu.
- Tài liệu tối thiểu cần thiết để đăng ký nhãn hiệu gồm có: Tờ khai (theo mẫu); Mẫu nhãn hiệu quý công ty dự định đăng ký, chứng từ nộp phí, lệ phí (đối với trường hợp nộp hồ sơ qua bưu điện).Việc nộp đơn đăng ký nhãn hiệu quý công ty có thể thực hiện theo 2 hình thức nộp trực tiếp tại Cục SHTT (hoặc Văn phòng đại diện của Cục) hoặc nộp qua đường bưu điện cho Cục Sở hữu trí tuệ.
* 3 địa điểm quý công ty có thể nộp đơn:
- Trụ sở Cục tại Hà Nội: 386 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội;
- Văn phòng đại diện tại TP. Hồ Chí Minh: Lầu 7, tòa nhà Hà Phan, số 17 - 19 Tôn Thất Tùng, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP. Hồ Chí Minh;
- Văn phòng tại Đà Nẵng: 26B Nguyễn Chí Thanh, TP. Đà Nẵng.
Ngoài ra, nếu không có điều kiện tự chuẩn bị và nộp đơn đăng ký nhãn hiệu trực tiếp thì quý Công ty có thể sử dụng dịch vụ của các Tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp. Danh sách các tổ chức này có thể tham trên trang Web của Cục SHTT.
Câu 2: Tôi là KTV X-quang. Hiện nay tôi muốn hợp tác với phòng khám mở một phòng chụp X-quang để thuận lợi cho việc khám và trị bệnh. Cho tôi hỏi điều kiện được mở phòng chụp X-quang? Tôi cần phải thực hiện thủ tục cấp phép như thế nào? Trong quá trình thực hiện có cần phải đăng ký kiểm tra định kỳ hay không?
1. Thủ tục Cấp giấy phép hoạt động đối với phòng khám chẩn đoán hình ảnh thuộc thẩm quyền của Sở Y tế (theo Thông tư 41/2011/TT-BYT ngày 14 tháng 11 năm 2011 của Bộ Y tế)
2. Đối với Sở KH&CN chỉ thực hiện thủ tục cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ cụ thể (thủ tục cấp giấy phép sử dụng thiết bị x-quang trong chẩn đoán y tế.)
Khi tổ chức/đơn vị có thiết bị x-quang phải tiến hành khai báo thiết bị x-quang đối với cơ quan quản lý (cụ thể Sở KH&CN)
Để thiết bị đủ điều kiện hoạt động đơn vị phải tiến hành các bước:
- Xây dựng phòng X-quang đạt tiêu chuẩn TCVN do Bộ Y tế ban hành (tiêu chuẩn về nền, sàn, tường, trần, cửa ra vào….)
- Mời đơn vị kiểm định được Bộ KH&CN cấp phép hoạt động đủ điều kiện tiến hành Kiểm định tiêu chuẩn của phòng và thiết bị x-quang (hiện nay tại Bình Định đơn vị đủ điều kiện kiểm định là Trung tâm Phân tích và Kiểm nghiệm Bình Định)
- Nộp hồ sơ về Sở KH&CN đề nghị cấp giấy phép hoạt động thiết bị x-quang (Các tổ chức/đơn vị có thể tham khảo thêm thành phần hồ sơ tại Website của Sở KH&CN tại địa chỉ: skhcn.binhdinh.gov.vn
- Sau khi hồ sơ hợp lệ trong thời gian 30 ngày làm việc Sở KH&CN tiến hành cấp giấy phép sử dụng thiết bị x-quang trong chẩn đoán y tế cho đơn vị.
3. Việc kiểm tra định kỳ thiết bị. Trong quá trình hoạt động: Thực hiện Thông tư 13/2014/TTLT-BKHCN-BYT ngày 9 tháng 6 năm 2014 của bộ trưởng Bộ KH&CN và Bộ trưởng Bộ Y tế, tại Điều 9 quy định kiểm định và hiệu chuẩn thiết bị bức xạ, thiết bị đo bức xạ như sau:
Đối với thiết bị xạ trị, chụp cắt lớp vi tính CT Scanner, x-quang tăng sáng truyền hình định kỳ kiểm tra 1 năm /lần
Đối với các thiết bị khác: 2 năm/lần
Câu 3: Hiện tôi đang kinh doanh 1 loại thuốc nam gia truyền do gia đình tự sản xuất. Xin hỏi trình tự và thủ tục đăng ký nhãn hiệu hàng hóa như thế nào?
Theo Điều 4.16 Luật Sở hữu trí tuệ 2005
“Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau”
Nhãn hiệu được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây (Điều 72 Luật Sở hữu trí tuệ)
“1. Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều mầu sắc;
2. Có khả năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hóa, dịch vụ của chủ thể khác”.
- Cá nhân có thể liên hệ trực tiếp tại Cục Sở hữu trí tuệ (386 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội) hoặc Văn phòng đại diện của Cục tại thành phố Hồ Chí Minh hoặc Đà Nẵng để được hướng dẫn thủ tục đăng ký nhãn hiệu, cụ thể có thể tham khảo trên trang web của Cục SHTT là www.noip.gov.vn. Tại Bình Định, cá nhân có thể đến Sở Khoa học và Công nghệ để được tư vấn, hướng dẫn chuẩn bị hồ sơ và cách thức nộp hồ sơ đăng ký nhãn hiệu.
- Tài liệu tối thiểu cần thiết để đăng ký nhãn hiệu gồm có: Tờ khai (theo mẫu); Mẫu nhãn hiệu cá nhân đăng ký, chứng từ nộp phí, lệ phí (đối với trường hợp nộp hồ sơ qua bưu điện). Việc nộp đơn đăng ký nhãn hiệu cá nhân có thể thực hiện theo 2 hình thức nộp trực tiếp tại Cục SHTT (hoặc Văn phòng đại diện của Cục) hoặc nộp qua đường bưu điện cho Cục Sở hữu trí tuệ.
* 3 địa điểm cá nhân có thể nộp đơn:
Ngoài ra, nếu không có điều kiện tự chuẩn bị và nộp đơn đăng ký nhãn hiệu trực tiếp thì cá nhân có thể sử dụng dịch vụ của các Tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp. Danh sách các tổ chức này có thể tham trên trang Web của Cục SHTT.
Sau khi đơn được Cục SHTT tiếp nhận sẽ được thẩm định hình thức, sau đó đơn sẽ được công bố, rồi chuyển sang thẩm định nội dung. Nếu đáp ứng điều kiện bảo hộ thì người nộp đơn sẽ được nhận Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.
a) Thẩm định hình thức: Là việc đánh giá tính hợp lệ của đơn theo các yêu cầu về hình thức, về đối tượng loại trừ, về quyền nộp đơn… để từ đó đưa ra kết luận đơn hợp lệ hay không hợp lệ. Thời gian thẩm định hình thức là 1 tháng kể từ ngày nộp đơn
b) Công bố đơn hợp lệ:
Đơn đăng ký nhãn hiệu được chấp nhận là hợp lệ được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp trong thời hạn 2 tháng kể từ ngày được chấp nhận là đơn hợp lệ. Nội dung công bố đơn đăng ký nhãn hiệu là các thông tin liên quan đến đơn hợp lệ ghi trong thông báo chấp nhận đơn hợp lệ, mẫu nhãn hiệu và danh mục hàng hóa, dịch vụ kèm theo.
c) Thẩm định nội dung:
Đơn đăng ký nhãn hiệu đã được công nhận là hợp lệ được thẩm định nội dung để đánh giá khả năng cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho đối tượng nêu trong đơn theo các điều kiện bảo hộ (là dấu hiệu nhìn thấy được và không thuộc diện đối tượng bị loại trừ; có khả năng phân biệt). Thời hạn thẩm định nội dung đơn đăng ký nhãn hiệu là 9 tháng kể từ ngày công bố đơn.
Câu 4: Hiện nay vấn đề bảo hộ bản quyền phần mềm máy tính đang được dự luận và giới chuyên môn quan tâm nhiều như là giải pháp đối với sự sống còn và phát triển công nghiệp sản xuất phần mềm máy tính. Xin ông cho biết phạm vi bảo vệ bản quyền phần mềm máy tính cụ thể ở những nội dung nào? Tôi có viết một phần mềm máy tính và muốn đăng ký quyền sở hữu trí tuệ cho phần mềm này. Vậy xin quý Sở vui lòng cho tôi biết về các quy định đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, nơi đăng ký và quy trình đăng ký.
Luật SHTT thực hiện bảo hộ quyền tác giả đối với chương trình máy tính. Chương trình máy tính được hiểu là tập hợp các chỉ dẫn được thể hiện dưới dạng các lệnh, các mã, lược đồ hoặc bất kỳ dạng nào khác, khi gắn vào một phương tiện mà máy tính đọc được, có khả năng làm cho máy tính thực hiện được một công việc hoặc đạt được một kết quả cụ thể. Chương trình máy tính được bảo hộ như tác phẩm văn học, dù được thể hiện dưới dạng mã nguồn hay mã máy. Cơ quan thực hiện quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan là Cục bản quyền tác giả thuộc Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch.
Việc bảo hộ quyền tác giả đối với chương trình máy tính được thực hiện một cách tự động, có nghĩa là không có yêu cầu phải đi đăng ký để được bảo hộ. Quyền tác giả đối với chương trình máy tính phát sinh kể từ khi chương trình máy tính được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký.
Để dễ dàng trong việc chứng minh quyền tác giả đối với chương trình máy tính (và các đối tượng quyền tác giả, quyền liên quan khác), Luật SHTT Việt Nam có quy định về việc đăng ký quyền tác giả (không bắt buộc). Việc nộp đơn đăng ký quyền tác giả đối với chương trình máy tính có thể thực hiện tại Cục Bản quyền tác giả hoặc các Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch.
Đối với trường hợp của câu hỏi cá nhân đã viết phần mềm và muốn đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, cá nhân có thể thực hiện như sau:
Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với chương trình máy tính có thể trực tiếp hoặc ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác nộp 01 hồ sơ đăng ký quyền tác giả tại trụ sở Cục Bản quyền tác giả hoặc Văn phòng đại diện của Cục Bản quyền tác giả tại TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng hoặc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch giả tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả cư trú hoặc có trụ sở. Hồ sơ có thể gửi qua đường bưu điện.
Hồ sơ đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan bao gồm:
a) Tờ khai đăng ký quyền tác giả theo mẫu. Tờ khai phải được làm bằng tiếng Việt và do chính tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan hoặc người được ủy quyền nộp hồ sơ ký tên và ghi đầy đủ thông tin về người nộp hồ sơ, tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả; tóm tắt nội dung chương trình máy tính; tên tác giả, tác phẩm được sử dụng làm tác phẩm phái sinh nếu tác phẩm đăng ký là tác phẩm phái sinh; thời gian, địa điểm, hình thức công bố; cam đoan về trách nhiệm đối với các thông tin ghi trong đơn.
b) 02 bản sao chương trình máy tính (01 bản lưu tại Cục Bản quyền tác giả, 01 bản đóng dấu ghi số Giấy chứng nhận đăng ký gửi trả lại cho chủ thể được cấp Giấy chứng nhận đăng ký);
c) Giấy ủy quyền, nếu người nộp hồ sơ là người được ủy quyền;
d) Tài liệu chứng minh quyền nộp hồ sơ, nếu người nộp hồ sơ thụ hưởng quyền đó của người khác do được thừa kế, chuyển giao, kế thừa;
đ) Văn bản đồng ý của các đồng tác giả, nếu tác phẩm có đồng tác giả;
e) Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu, nếu quyền tác giả, quyền liên quan thuộc sở hữu chung.
Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ, Cục Bản quyền tác giả có trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả cho người nộp hồ sơ. Trong trường hợp từ chối thì Cục Bản quyền tác giả phải thông báo bằng văn bản cho người nộp hồ sơ.
Câu 5: Cho tôi hỏi là nếu một nhãn hiệu đã có mặt tại một quốc gia khác nhưng chưa được đăng ký tại Việt Nam, thì công ty chúng tôi có được phép đăng ký nhãn hiệu đó tại Việt Nam hay không? Ngoài ra, xin cho biết thêm về quy định và các mức xử lý vi phạm nhãn hiệu hàng hóa?
Luật Sở hữu trí tuệ quy định nguyên tắc bảo hộ nhãn hiệu theo lãnh thổ. Do đó, đối với một nhãn hiệu nước ngoài nhưng chưa được đăng ký tại Việt Nam thì công ty được phép đăng ký nhãn hiệu đó ở Việt Nam (Nếu nhãn hiệu đó đáp ứng được các yêu cầu về bảo hộ nhãn hiệu quy định tại Điều 72, 73 và 74 của Luật Sở hữu trí tuệ 2005). Một số quy định liên quan cần lưu ý trong trường hợp này là:
1. Tổ chức, cá nhân có quyền đăng ký nhãn hiệu dùng cho hàng hóa do mình sản xuất hoặc dịch vụ do mình cung cấp.
2. Tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động thương mại hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm mà mình đưa ra thị trường nhưng do người khác sản xuất với điều kiện người sản xuất không sử dụng nhãn hiệu đó cho sản phẩm và không phản đối việc đăng ký đó.
3. Đối với nhãn hiệu được bảo hộ tại một nước là thành viên của điều ước quốc tế có quy định cấm người đại diện hoặc đại lý của chủ sở hữu nhãn hiệu đăng ký nhãn hiệu đó mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng là thành viên (Đó là Công ước Paris về sở hữu công nghiệp) thì người đại diện hoặc đại lý đó không được phép đăng ký nhãn hiệu nếu không được sự đồng ý của chủ sở hữu nhãn hiệu, trừ trường hợp có lý do chính đáng.
Quy định và các mức xử lý vi phạm nhãn hiệu hàng hóa?
Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ quy định Các hành vi sau đây được thực hiện mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu thì bị coi là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu:
a) Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ trùng với hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó;
b) Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ tương tự hoặc liên quan tới hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ;
c) Sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ trùng, tương tự hoặc liên quan tới hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ;
d) Sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng hoặc dấu hiệu dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm từ nhãn hiệu nổi tiếng cho hàng hóa, dịch vụ bất kỳ, kể cả hàng hóa, dịch vụ không trùng, không tương tự và không liên quan tới hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sử dụng dấu hiệu đó với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng.
Điều 199.1 Luật Sở hữu trí tuệ quy định: “Tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân khác thì tùy theo tính chất, mức độ xâm phạm, có thể bị xử lý bằng biện pháp dân sự, hành chính hoặc hình sự”.
Xử lý bằng biện pháp dân sự: Điều 202 của Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định xử lý bằng biện pháp dân sự với các nội dung: buộc chấm dứt hành vi xâm phạm; buộc xin lỗi, cải chính công khai; Buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự; buộc bồi thường thiệt hại; buộc tiêu hủy hoặc buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hóa, nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ.
Xử lý bằng biện pháp hành chính: Đối với trường hợp vi phạm bị xử lý hành chính: Theo Điều 11, Điều 12 và Điều 13 Nghị định 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/2013 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp. Mức xử phạt hành chính thấp nhất là 500.000 đồng, tối đa là 250.000.000 đồng tùy theo mức độ xâm phạm đối với nhãn hiệu. Đối với trường hợp là tổ chức vi phạm thì mức độ xử phạt hành chính gấp 02 đối với các mức trên.
Xử lý bằng biện pháp hình sự: Tội xâm phạm về nhãn hiệu được quy định, hướng dẫn tại Điều 226 Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015:
* Khung 1:
– Đối với cá nhân: bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
– Đối với pháp nhân thương mại: thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng
* Khung 2:
– Đối với cá nhân: bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm
– Đối với pháp nhân thì bị phạt tiền từ 2.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 02 năm;
* Hình phạt bổ sung:
– Đối với cá nhân: bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
– Đối với pháp nhân: có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Câu 6:Trường hợp, một người vì mục đích kinh doanh đã chiếm đoạt xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp thì có bị xử lý hình sự không? Nếu bị xử lý hình sự thì mức án được quy định như thế nào? Và khi xảy ra vụ việc tranh chấp về quyền sở hữu công nghiệp, quy định của pháp luật về khoảng thời gian được quyền khiếu nại như thế nào?
Theo quy định của Điều 226 Bộ luật hình sự, người xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp vì mục đích kinh doanh có thể bị xử lý hình sự. Bộ luật hình sự chỉ quy định về trách nhiệm hình sự đối với hành vi xâm phạm 2 đối tượng là nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam.
Mức xử lý cụ thể:
1. Người nào cố ý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam, thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Thu lợi bất chính 300.000.000 đồng trở lên;
d) Gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý 500.000.000 đồng trở lên;
đ) Hàng hóa vi phạm trị giá 500.000.000 đồng trở lên.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
4. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp nhân thương mại thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 2.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 02 năm;
c) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Và khi xảy ra vụ việc tranh chấp về quyền sở hữu công nghiệp, quy định của pháp luật về khoảng thời gian được quyền khiếu nại như thế nào?
Pháp luật về sở hữu trí tuệ quy định quyền khiếu nại dành của chủ đơn đối với Cục Sở hữu trí tuệ (Khiếu nại lần 1) hoặc Bộ Khoa học và Công nghệ (khiếu nại lần 2, nếu Cục SHTT trả lời không thỏa đáng) liên quan đến trình tự, thủ tục hành chính, ví dụ cấp văn bằng hoặc từ chối cấp văn bằng bảo hộ.
Các nội dung liên quan đến khiếu nại về sở hữu công nghiệp được quy định tại Điều 14 Nghị định 103/2006/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 122/2010/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2010:
“1. Người nộp đơn và mọi tổ chức, cá nhân có quyền, lợi ích liên quan trực tiếp đến quyết định hoặc thông báo liên quan đến việc xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp do cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp ban hành có quyền khiếu nại với cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp hoặc khởi kiện ra tòa án theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ và pháp luật có liên quan. Thời hạn giải quyết khiếu nại theo quy định tại khoản 5 Điều này.
2. Nếu hết thời hạn giải quyết khiếu nại của cấp trực tiếp ra quyết định hoặc thông báo liên quan đến sở hữu công nghiệp (khiếu nại lần thứ nhất) mà khiếu nại không được giải quyết hoặc nếu không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của cơ quan này thì người khiếu nại, người có quyền, lợi ích liên quan trực tiếp đến quyết định đó có quyền khiếu nại với Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (khiếu nại lần thứ hai) hoặc khởi kiện tại tòa án. Nếu hết thời hạn giải quyết khiếu nại lần thứ hai nêu tại khoản 5 Điều này hoặc nếu không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ thì người khiếu nại, người có quyền, lợi ích liên quan trực tiếp đến quyết định đó có quyền khởi kiện tại tòa án.
3. Nội dung khiếu nại phải được thể hiện bằng đơn khiếu nại, trong đó phải nêu rõ họ và tên, địa chỉ của người khiếu nại; số, ngày ký, nội dung thông báo hoặc quyết định bị khiếu nại; nội dung khiếu nại, lập luận, dẫn chứng chứng minh cho khiếu nại; đề nghị cụ thể về việc sửa chữa hoặc hủy bỏ thông báo hoặc quyết định liên quan.
4. Quyền khiếu nại chỉ được thực hiện trong thời hiệu sau đây, không kể thời gian có trở ngại khách quan khiến người khiếu nại không thể thực hiện được quyền khiếu nại:
a) Thời hiệu khiếu nại lần đầu là chín mươi ngày, kể từ ngày người có quyền khiếu nại nhận được hoặc biết được quyết định hoặc thông báo về việc xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp;
b) Thời hiệu khiếu nại lần thứ hai là ba mươi ngày, kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu quy định tại khoản 5 Điều này mà khiếu nại đó không được giải quyết hoặc tính từ ngày người có quyền khiếu nại nhận được hoặc biết được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu.
5. Trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày nhận đơn khiếu nại liên quan đến việc cấp, sửa đổi, chấm dứt, hủy bỏ, gia hạn hiệu lực của Văn bằng bảo hộ, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại phải ra thông báo thụ lý hoặc từ chối thụ lý đơn khiếu nại, trong đó nêu rõ lý do từ chối.
Thời hạn giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật về khiếu nại.
Thời gian sửa đổi, bổ sung hồ sơ khiếu nại không tính vào thời hạn giải quyết khiếu nại.
6. Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại.”
Đối với trường hợp cá nhân, tổ chức phát hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp mà ảnh hưởng đến lợi ích của bản thân có thể áp dụng biện pháp quy định tại Khoản 2 Điều 198 Luật SHTT. Cụ thể, "Tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc phát hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây thiệt hại cho người tiêu dùng hoặc cho xã hội có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan".
Công ty chúng tôi đã làm đăng ký nhãn hiệu gửi Cục sở hữu trí tuệ. Sau thời gian thẩm định bên Cục trả kết quả về từ chối cấp vì tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu được bảo hộ. Rất mong công ty chỉ dẫn cách làm văn bản khiếu nại lại kết quả trên để được cấp giấy chứng nhận. Xin chân thành cảm ơn.
Công ty tôi đã được cấp giấy chứng nhận sở hữu tên công ty và logo công ty được 4 năm. Nay công ty tôi thay đổi logo (tên công ty không thay đổi) , vậy cần phải làm thủ tục như thế nào để đăng ký logo mới, thời gian chờ cấp giấy chứng nhận là bao lâu Rất mong nhận được sự chỉ dẫn của quí công ty, xin trân trọng cảm ơn