Thiếu vốn trung dài hạn khiến áp lực tăng lãi suất rất lớn
Nhiều phân tích cho thấy, đang có sức ép lên mặt bằng lãi suất, đặc biệt là trong bối cảnh sức ép lãi suất huy động tăng, gây khó giảm lãi suất cho vay.
Áp lực về vốn trung dài hạn
Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng trải qua 4 tuần tăng liên tục, một số ngân hàng cũng điều chỉnh lãi suất huy động.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Điều này cũng đã được các chuyên gia của Công ty chứng khoán MBS phân tích, từ ngày 1-15.4, lãi suất liên ngân hàng tiếp tục tăng nhẹ so với hai tuần trước. Thanh khoản hệ thống tiếp tục căng thẳng. Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng 672 tỷ đồng ở kênh tín phiếu. Trên kênh OMO, Ngân hàng Nhà nước đã bơm 49.328 tỷ đồng và hút về 50.000 tỷ đồng, trong khi không phát hành tín phiếu và cũng không có tín phiếu đáo hạn trong thời gian này.
“Chúng tôi duy trì quan điểm trong trung và dài hạn, lãi suất cho vay đồng VND sẽ tăng nhẹ do áp lực duy trì tỷ trọng huy động ngắn hạn/cho vay trung và dài hạn xuống còn 50% trong năm 2017 và 40% trong năm 2018 ở các ngân hàng thương mại còn trong ngắn hạn lãi suất cho vay sẽ không nhiều thay đổi,” chuyên gia của MBS nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, việc trong thời gian qua, một số ngân hàng thương mại đã phát hành chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn hấp dẫn (8-9,2%) đối với kỳ hạn từ 3 -7 năm như Sacombank, VIB, Ngân hàng Nam Á, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt… cho thấy các ngân hàng đang chịu áp lực về nguồn vốn trung dài hạn.
Bình luận về vấn đề này, một chuyên gia của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, việc các ngân hàng đẩy mạnh phát hành chứng chỉ tiền gửi các kỳ hạn dài có nguyên nhân trực tiếp từ quy định tại Thông tư 06. Theo đó, tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn sẽ giảm từ 60% xuống còn 50% kể từ năm 2017 và xuống 40% vào năm 2018.
Theo thống kê, tỷ lệ về nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của toàn hệ thống đã tăng từ mức 31% lên gần 35% trong năm 2016, trong đó trung bình của nhóm ngân hàng thương mại cổ phần là 40%. Dù tỷ lệ này vẫn chưa lên mức 50% nhưng chỉ cần tín dụng tăng tốc, tỷ lệ này sẽ nhanh chóng tăng lên. Khi đó, những ngân hàng nào không có sự chuẩn bị chu đáo về nguồn vốn huy động trung và dài hạn sẽ rất dễ bị “hụt hơi” trong mục tiêu phát triển tín dụng.
Do đó, phát hành chứng chỉ tiền gửi hiện được coi là cách nhanh và hiệu quả nhất để tăng tỷ lệ vốn trung và dài hạn trong tổng nguồn vốn huy động. Ngoài ra, phát hành chứng chỉ tiền gửi cũng giúp các ngân hàng bổ sung nguồn vốn cấp II nhằm hướng đến mục tiêu tuân thủ Basel II, nâng hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) lên mức cao hơn.
Tuy nhiên, hiện mới chỉ ghi nhận gần 5 ngân hàng có phát hành chứng chỉ tiền gửi, còn lại chưa thấy sự nhập cuộc của các ngân hàng thương mại thuộc tốp đầu. Nhóm các ngân hàng này cũng chưa có thông báo điều chỉnh biểu lãi suất huy động.
Theo ước tính của BVSC, chính hiện tượng phân hóa trong thanh khoản đã khiến các ngân hàng thương mại quy mô vừa và nhỏ phải có quyết định tăng lãi suất. Với việc phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cao đột biến như thời gian vừa qua, chi phí vốn trung và dài hạn của các ngân hàng phát hành chắc chắn sẽ có sự nhích lên, qua đó có thể sẽ tác động đến mặt bằng lãi suất cho vay.
“Mặc dù vậy, chúng tôi đánh giá mức độ tăng sẽ không lớn (dưới 0,5%) do số vốn huy động từ các đợt phát hành này nhiều khả năng chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ,” chuyên gia của BVSC phân tích.
Nhiều nguyên nhân khác
Chuyên gia tài chính ngân hàng Cấn Văn Lực cũng cho rằng, năm nay áp lực tăng lãi suất là rất lớn. Ông Lực đưa ra 5 áp lực: "Thứ nhất là áp lực bên ngoài tức là Mỹ tiếp tục tăng lãi suất, có thể trong năm nay lãi suất USD trên thế giới bắt đầu tăng và đương nhiên lãi suất ngoại tệ của chúng ta cũng sẽ bị tăng thời gian tới."
"Thứ hai là áp lực về câu chuyện lạm phát, chúng tôi dự tính nó sẽ ở mức ít nhất bằng năm ngoái, có thể từ 4,5-5%, đạt yêu cầu của Chính phủ và Quốc hội đề ra nhưng rõ ràng vẫn cao hơn so với năm ngoái vì lượng cung tiền năm ngoái có độ trễ một phần sang năm nay, trong khi đó cung tiền của năm nay cũng khá lớn như chỉ tiêu về tổng phương tiện thanh toán (M2) tăng khoảng 16-18%."
"Áp lực thứ 3 liên quan đến mặt bằng giá cả, theo dự tính của ông Lực giá dầu năm nay sẽ tăng khoảng 20% so với giá dầu bình quân năm ngoái (khoảng 43 USD) thì năm nay giá dầu bình quân dự kiến khoảng 53-54 USD. Giá dầu tăng thì kéo theo mặt bằng giá cả trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ bị tăng. Việt Nam tiếp tục tăng giá một số mặt hàng cơ bản như điện, lương, y tế, giáo dục trong năm nay, nên tạo ra áp lực khá lớn với lạm phát chính vì vậy nó kéo theo đối với áp lực tăng lãi suất."
"Bên cạnh đó, tín dụng năm nay dự kiến sẽ tăng khoảng 18%, có nghĩa là các ngân hàng vẫn có nhu cầu để huy động vốn và đẩy tín dụng ra, đây cũng là một áp lực liên quan đến lãi suất."
Cuối cùng, ông Lực cho rằng, năm nay Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các bộ ngành có vẻ ráo riết hơn đối với việc xử lý nợ xấu, nếu nợ xấu không được giải quyết triệt để thì sẽ tác động lên mặt bằng lãi suất vì ngân hàng khó mà giảm lãi suất trong bối cảnh như vậy.
“Như vậy, đây là những điều kiện khiến cho áp lực lãi suất năm nay tăng lên khá rõ, tuy nhiên đối với đầu ra, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục chỉ đạo phải ổn định mặt bằng lãi suất, chính vì vậy hệ thống ngân hàng cũng đang nỗ lực không để lãi suất cho vay tăng và qua đó cũng hỗ trợ một phần đối với doanh nghiệp. Tôi nghĩ rằng, cái đó sẽ khiến cho lợi nhuận của các ngân hàng sẽ khó khăn hơn vì chênh lệch đầu vào đầu ra sẽ tiếp tục bị thu hẹp, tuy nhiên đây cũng là sự đồng hành giữa ngân hàng và doanh nghiệp,” ông Lực nhấn mạnh.
Để ổn định lãi suất, ông Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng viện nghiên cứu Tài chính (Bộ Tài chính) cho rằng, Ngân hàng Nhà nước có thể tăng cung tiền ra nền kinh tế thông qua thị trường mở và các kênh khác đồng thời với việc thực thi chính sách ổn định tỷ giá để hạn chế đầu cơ.
Tuy nhiên, vấn đề chính của nền kinh tế hiện nay là lãi suất trung và dài hạn cao do thiếu nguồn cung, trong khi tiền cung ứng của Ngân hàng Nhà nước cho nền kinh tế có nhiều khoản mang tính ngắn hạn và nếu sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay dài hạn sẽ gặp nhiều rủi ro.
Theo THÚY HÀ (Vietnam+)